Mục lục [Ẩn]
Để hạ acid uric máu, dự phòng bùng phát cơn gút cấp, bác sĩ thường chỉ định thuốc Allopurinol cho người bệnh. Tuy mang lại hiệu quả nhanh nhưng các loại thuốc tây y nói chung, cũng như Allopurinol nói riêng đều có những tác dụng phụ tiềm ẩn cho sức khỏe. Để hiểu rõ những thông tin về thuốc này trong điều trị bệnh gút, mời các bạn đọc bài viết ngay dưới đây!
Tìm hiểu về thuốc Allopurinol trong điều trị bệnh gút
Tác dụng của Allopurinol đối với bệnh gút
Bệnh gút là bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bởi tình trạng nồng độ acid uric tăng cao trong máu, hình thành muối urat và lắng đọng ở các tổ chức.
Khi muối urat tích tụ trong các ổ khớp sẽ gây cơn gút cấp với biểu hiện khớp sưng, nóng, đỏ và đau dữ dội. Acid uric máu càng cao, tần suất tái phát cơn gút cấp càng dày đặc. Đồng thời, bệnh gút dần tiến triển nặng, người bệnh có nguy cơ cao gặp phải biến chứng nguy hiểm như hạt tophi gây tàn phế khớp, sỏi thận, suy thận…
Allopurinol có tác dụng làm giảm nồng độ acid uric trong máu bằng cách ức chế enzym xanthin oxidase (XO). Đây là enzym tham gia vào giai đoạn cuối của quá trình chuyển hóa các protein nhân purin thành acid uric. Việc ức chế được enzym này sẽ giảm được lượng acid uric hình thành, từ đó giúp làm giảm nồng độ của chúng trong máu. Điều đó giúp làm giảm sự lắng đọng urat ở các khớp và ở thận.
Nhờ tác dụng như trên mà Allopurinol thường được dùng dài hạn với mục đích duy trì nồng độ acid uric ở mức ổn định, dự phòng cơn gút cấp tái phát, ngăn ngừa biến chứng bệnh gút.
Cách dùng thuốc Allopurinol trong điều trị bệnh gút
Allopurinol thường được bác sĩ chỉ định khi mức acid uric cao hơn ngưỡng bình thường. Tùy thể trạng và nồng độ acid uric trong máu của bệnh nhân gút mà bác sĩ sẽ kê liều dùng phù hợp.
Để dự phòng cơn gút cấp tái phát, sau khoảng 3 tháng kể từ khi cơn đau trước đó xuất hiện, người bệnh nên uống Allopurinol bởi lúc này, acid uric máu có thể đã tăng cao trở lại.
Lưu ý, nếu đang dùng Allopurinol mà có cơn gút cấp, bạn không nên ngừng thuốc này mà cần dùng đồng thời với thuốc giảm đau.
Những đối tượng nào không dùng Allopurinol?
Allopurinol không nên dùng cho các đối tượng sau:
- Quá mẫn với Allopurinol hoặc bất kỳ thành phần nào trong công thức.
- Bệnh nhân bị bệnh gan, thận nặng.
- Chứng nhiễm sắc tố sắt vô căn (ngay cả khi chỉ có tiền sử gia đình).
- Chống chỉ định ở trẻ em, ngoại trừ trẻ bị u bướu hoặc rối loạn men.
Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng Allopurinol
Khoảng 20% bệnh nhân dùng Allopurinol bị tác dụng phụ và có khoảng 5% phải ngừng thuốc. Những tác dụng không mong muốn thường gặp khi dùng Allopurinol bao gồm:
- Rối loạn tiêu hóa: Đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy…
- Dị ứng da: Phát ban đỏ, ngứa.
- Sốt cao, hoại tử thượng bì gây nhiễm độc, suy giảm bạch cầu.
- Viêm gan gây vàng da, vàng mắt, suy giảm chức năng gan.
- Suy giảm chức năng thận và tử vong.
Khi gặp một trong các tác dụng không mong muốn trên, bạn cần ngừng thuốc ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
Tương tác thuốc với Allopurinol?
Người bệnh gút cần lưu ý, không được dùng chung Allopurinol với các thuốc ức chế men chuyển captopril và thuốc lợi tiểu thiazid bởi chúng làm tăng nguy cơ gặp phản ứng dị ứng.
Ngoài ra, bệnh nhân còn được khuyên không nên dùng kháng sinh nhóm beta lactam trong thời gian đang dùng Allopurinol vì thuốc này làm tăng khả năng dị ứng của các kháng sinh đó. Một số kháng sinh nhóm beta lactam bao gồm các loại penicillin, cephalosporin, ampicillin, amoxicillin.
Khi đang dùng những thuốc có tương tác với Allopurinol, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để điều chỉnh thời điểm dùng các thuốc cách xa nhau hoặc thay Allopurinol bằng một số loại thuốc khác.
Một số loại thuốc tây y thay thế Allopurinol
Dị ứng Allopurinol tuy không phổ biến nhưng có thể khiến người bệnh phải ngừng thuốc này đến suốt đời. Điều đáng ngại là hiện nay, trên thị trường có khá ít thuốc tây y có thể thay được Allopurinol.
Loại thuốc có cơ chế tương tự như Allopurinol bao gồm Febuxostat và Topiroxostat. Tuy nhiên, 2 thuốc này cũng gây nhiều tác dụng phụ như: Tăng nguy cơ cơn gút cấp khi mới điều trị hoặc tăng liều, nhức đầu, tiêu chảy, buồn nôn, rối loạn chức năng gan, tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân gút có bệnh tim mạch...
Ngoài ra, bác sĩ có thể kê một số thuốc tăng thải acid uric máu theo đường nước tiểu để thay thế Allopurinol như Probenecid (benemid), Sulfinpyrazone (desuric, anturan). Thế nhưng, nhóm thuốc này thường chống chỉ định với bệnh nhân gút có bệnh về thận như sỏi thận, tổn thương thận hoặc suy giảm chức năng thận.
Allopurinol là một trong những loại thuốc tây y được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh gút. Tuy nhiên để hạn chế các tác dụng phụ, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này. Nếu như còn có bất cứ thắc mắc gì liên quan, các bạn có thể liên hệ tổng đài tư vấn miễn phí 18001044 để được giải đáp!