Giữa những dòng tin tức bộn bề, có những câu chuyện khiến trái tim ta như thắt lại. Khi đọc được bài viết trên báo điện tử Dân trí về cô giáo trẻ người Hre – mới 23 tuổi, cận kề lằn ranh sinh tử vì bệnh viêm cơ tim, tập thể công ty Botania không khỏi xót xa. Cô gái ấy, với bao ước mơ còn dang dở, đang từng ngày giành giật sự sống trong vô vọng. Không chần chừ, công ty Botania lập tức liên hệ với gia đình cô giáo, mong có thể góp phần nhỏ bé mang lại hy vọng sống cho một trái tim trẻ đang dần lịm đi.
Kim Yến mắc bệnh viêm cơ tim (ảnh Dân trí)
Cô giáo trẻ - Niềm hy vọng và tự hào của cả gia đình
Cô gái ấy là Đinh Thị Kim Yến (23 tuổi), con gái lớn của ông Đinh Chí, người dân tộc Hre ở huyện miền núi Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện cô đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Vì điều kiện không cho phép nên công ty Botania chúng tôi không thể tới tận nơi để hỏi thăm sức khỏe của Yến được, nên đã gọi điện trực tiếp tới cho ông Chí.
Sau những tiếng tút dài, đầu dây bên kia mới vang lên tiếng của người đàn ông trung niên. Khi thấy chúng tôi hỏi thăm về tình trạng sức khỏe của Yến hiện tại, ông Chí cho hay: “Sau khi được các bác sĩ điều trị, con bé đã có hồi phục tốt hơn rồi, cảm tạ trời đất các anh chị ạ” – nhưng đằng sau câu nói lạc quan ấy lại là một nỗi lo đã chất chứa bao lâu nay mà ông Chí vẫn không biết giải quyết thế nào – đó chính là nỗi lo về kinh tế.
Ông Chí gương mặt thẫn thờ vì lo cho con gái (ảnh Dân trí)
Kim Yến sinh ra trong gia đình dân tộc nghèo khó nhưng chưa bao giờ cô gái trẻ ấy vì hoàn cảnh mà nhụt đi ý chí của mình, Yến luôn cố gắng học hành với hy vọng mai này có thể thay đổi số phận. Năm 2024, sau bao năm miệt mài đèn sách, Yến tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) – cô gái nhỏ vẫn luôn là niềm tự hào của cả gia đình. Với mong muốn gieo con chữ cho những học trò vùng cao như mình thuở bé, cô xin giảng dạy hợp đồng tại một trường trung học cơ sở, dù mức lương vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng mỗi tháng.
Thế nhưng, số phận nghiệt ngã chẳng cho cô nhiều thời gian thực hiện ước mơ. 5 ngày trước, Yến đột ngột cảm thấy khó thở. Nghĩ rằng chỉ là cơn mệt thoáng qua, cô đến bệnh viện kiểm tra, nào ngờ lại nhận được tin dữ. Các bác sĩ yêu cầu nhập viện khẩn cấp. Từ bệnh viện huyện, Yến nhanh chóng được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.
Căn bệnh viêm cơ tim, viêm phổi ập đến quá nhanh, tàn nhẫn không cho cô một phút nghỉ ngơi. Chỉ vài giờ sau khi nhập viện, trái tim mạnh mẽ từng ôm ấp bao ước mơ dạy học của Yến bỗng chốc yếu dần, rồi gần như ngừng đập. Cô gái tuổi 23 – đang tràn đầy nhiệt huyết với nghề giáo – bỗng đứng bên bờ vực sinh tử trong sự ngỡ ngàng, xót xa của gia đình và những người yêu thương cô.
Theo như công ty Botania chúng tôi tìm hiểu được thì để cứu Kim Yến, các bác sĩ đã phải sử dụng kỹ thuật ECMO. Đây là kỹ thuật tiên tiến giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy kịch. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này rất tốn kém vì cần nhiều dụng cụ đắt tiền, chỉ riêng quả tim nhân tạo đã có giá khoảng 65 triệu rồi. Vì thế ngoài bảo hiểm, gia đình Kim Yến cần đóng khoản viện phí lên đến 110 triệu đồng.
Nhìn con gái nằm bất động trên giường bệnh, ông Chí như nghẹt thở. Nỗi đau của một người cha bất lực trước sinh mệnh con mình chẳng thể diễn tả bằng lời. Ngày nào vợ chồng ông cũng lam lũ trên những ngọn núi cao, quần quật đốn keo thuê cũng chỉ được 300 ngàn đồng . Khi con nhập viện, tất cả những gì ông có trong túi chỉ là hơn 2 triệu đồng ít ỏi, quá nhỏ bé trước cơn bão bệnh tật đang cuốn lấy con gái ông.
Không kịp gạt đi giọt nước mắt, ông Chí vội vàng rời bệnh viện, một mình ngược núi trong đêm. Ông chạy đôn chạy đáo khắp xóm, gõ cửa từng nhà, cắn răng vay mượn từng đồng với hy vọng níu giữ mạng sống cho con. Mảnh rẫy keo non—tài sản duy nhất của gia đình, dù chưa đến kỳ thu hoạch—cũng phải bán gấp trong đêm. Người ta trả vội 20 triệu đồng, thêm 50 triệu vay mượn khắp nơi, nhưng vẫn chưa đủ. Bao năm vất vả chưa từng làm ông gục ngã, nhưng lúc này, giữa cuộc chạy đua với tử thần để giành lại con gái, ông thấy mình kiệt sức hơn bao giờ hết.
Gia đình vẫn luôn đồng hành cùng Kim Yến (ảnh Dân trí)
Đầu dây bên kia, tiếng nói cứ nghẹn ngào dần khiến công ty Botania chúng tôi cũng không kìm được sự xúc động: “Tôi mang ơn các bác sĩ vì đã giúp con tôi giữ lại được mạng sống, và giờ việc làm sao để duy trì được mạng sống cho con lại phụ thuộc vào tôi. Nhưng tôi túng quẫn quá rồi các anh chị ạ”. Vì căn bệnh của Kim Yến có nhiều biến chứng nên hiện tại Yến vẫn đang được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Bệnh của Yến cần phải được theo dõi và điều trị kéo dài và sau khi xuất viện cũng sẽ liên tục phải quay lại khám. Đồng thời để hồi phục thì bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng thật tốt. Tất cả những điều này đều cần phải có kinh tế, thế nhưng bây giờ ông Chí lại chẳng thể xoay đâu thêm được tiền nữa rồi khi chẳng còn ai để vay thêm và khoản nợ trên đầu ngày càng lớn dần. Đau đớn, khổ cực, ông Chí bật lên thành tiếng khóc: “Mong các anh chị, mong nhà hảo tâm mở rộng tấm lòng cứu con gái tôi với”.
Công ty Botania chuyển khoản giúp đỡ gia đình Kim Yến
Sau khi lắng nghe câu chuyện đầy xót xa từ ông Chí – người cha nghèo đang kiệt quệ vì lo tiền chữa trị cho con, công ty Botania đã ngay lập tức chuyển khoản một số tiền hỗ trợ. Đó không chỉ là sự giúp đỡ vật chất, mà còn là một lời động viên chân thành gửi đến gia đình cô giáo trẻ. Tuy rằng Kim Yến vẫn đang nằm đó, yếu ớt nhưng chưa hề buông xuôi. Chắc chắn rằng sẽ có thêm nhiều tấm lòng nhân ái cùng nhau níu giữ sự sống cho cô gái nhỏ này. Hy vọng rằng, với sự giúp đỡ của mọi người, Yến sẽ có thêm cơ hội để vượt qua bạo bệnh, tiếp tục thực hiện giấc mơ gieo con chữ trên mảnh đất quê hương.