Mục lục [Ẩn]
Mới đây, Nghị định 147/2024/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành ngày 09/11/2024 quy định trẻ em dưới 18 tuổi chỉ được chơi game không quá 60 phút mỗi game và không quá 180 phút/ngày khi chơi nhiều game. Vậy tại sao lại có quy định này? Chơi game quá 180 phút/ ngày gây hại sức khỏe như thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết sau để tìm hiểu!
Chơi game quá 180 phút mỗi ngày hại sức khỏe thế nào?
Sự phát triển của công nghệ số đã mang đến hàng loạt những tiện ích giải trí, trong đó có sự ra đời của game online. Trước kia, game chỉ được dùng để giết thời gian lúc rảnh rỗi, nhưng dần dần, ngày càng nhiều người chơi game bị phụ thuộc vào game, thậm chí là “nghiện game”.
Việc chơi game trong thời gian dài, chơi từ ngày này sang ngày khác gây ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần, cụ thể:
Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất
- Ảnh hưởng đến thị lực:
Tác hại đầu tiên và dễ nhận thấy nhất của việc chơi game trong thời gian dài chính là ảnh hưởng đến thị lực. Việc ngồi chơi game trong thời gian dài khiến mắt chúng ta phải hoạt động liên tục, lâu dần dẫn đến mệt mỏi. Bên cạnh đó, khi tập trung cao độ để chơi game, chúng ta có xu hướng giảm số lần chớp mắt xuống khiến mắt khó điều tiết độ ẩm gây khô mắt, mắt bị cộm, rát đỏ và mờ đi, về lâu dài có thể gây ra tật khúc xạ cho mắt,...
Hơn nữa, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình máy tính, điện thoại có thể xuyên qua các lớp lọc ánh sáng tự nhiên của nhãn cầu đến đáy mắt, gây tổn thương võng mạc.
- Tổn thương cổ tay
Người chơi game thường xuyên gõ máy tính, di chuyển chuột. Về lâu dài, những hành động lặp đi lặp lại này gây áp lực lên ống cổ tay, khiến dây thần kinh bị chèn ép và dẫn đến tê, đau nhức ở bàn tay.
Không những vậy, người chơi game nhiều dễ mắc phải các bệnh lý ở cổ tay như hội chứng chèn ép dây thần kinh trụ, viêm khớp cổ tay, hội chứng ống cổ tay, chấn thương...
- Viêm gân
Những người chơi game lâu ngày có thể cảm thấy đau tại mặt bên của ngón tay cái, khi đó ta thường gọi “ngón tay cái của người chơi game”, có tên khoa học là viêm bao gân de Quervain là tình trạng viêm đau xung quanh gân ngón tay cái. Cơn đau có thể kéo dài, lan tỏa đến cẳng tay. Người chơi game có nguy cơ mắc hội chứng này vì liên tục giữ chuột, bấm bàn phím.
- Đau cổ vai gáy
Việc ngước lên và cúi xuống liên tục, thiết kế của bàn làm việc không đúng, tư thế ngồi xấu, thói quen đổ về phía trước làm trọng lượng ở đầu tăng lên, tạo áp lực cho cổ và vai, gây đau. Điều này không chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu mà còn cảnh báo nhiều bệnh xương khớp nguy hiểm như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cổ, gai cột sống… gây chèn ép rễ thần kinh cột sống.
- Đau lưng dưới
Người chơi game dễ đau lưng do ngồi sai tư thế trong thời gian dài. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn khi bạn phải làm những việc đó liên tục, dẫn tới hiện tượng mất cân bằng cơ thân trên trầm trọng, bệnh sẽ tiến triển sang thoái hóa, thoát vị đĩa đệm.
- Ảnh hưởng đến trí tuệ
Chơi game online liên tiếp trong nhiều giờ, nhiều ngày sẽ khiến cho não bộ rơi vào trạng thái quá tải, các chức năng đều bị giảm sút và mất dần khả năng lao động trí óc. Chứng nghiện game còn khiến thanh thiếu niên không thể tập trung vào học tập do luôn nghĩ đến việc chơi game.
Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức phân loại việc nghiện game là một loại rối loạn tâm thần. Không chỉ vậy, nghiện game đã được chứng minh có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội, hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), tăng động/giảm chú ý (ADHD) cũng như giảm khả năng tự kiểm soát, hạ thấp lòng tự trọng và cảm giác hạnh phúc.
Nghiện game dễ dẫn đến các rối loạn tâm thần.
Có nhiều cách mà chơi game online có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của một người, đó là:
- Làm rối loạn quá trình tiết hormon hạnh phúc: Nghiên cứu chỉ ra rằng, người nghiện game online có hiện tượng sụt giảm nồng độ hormon hạnh phúc serotonin. Việc thiếu hụt hormon này kết hợp với một số yếu tố khác sẽ gây trầm cảm. Bên cạnh đó, khi giành chiến thắng trong game, nồng độ dopamin thường tăng rất mạnh (dopamin tăng mạnh giúp người chơi hưng phấn, thôi thúc họ tiếp tục chinh phục các thử thách, mục tiêu mới trong game). Khi bị yêu cầu ngừng chơi game, dopamin bị thiếu hụt do cơ thể không tự tiết ra được. Điều đó khiến người nghiện game cảm thấy bứt rứt, bồn chồn, cáu gắt và tìm mọi cách để chơi lại.
- Do cảm giác thỏa mãn ngắn hạn: Khi chơi game, người chơi sẽ phải cố gắng tập luyện và tập trung để đạt được thành tích nào đó. Khi đạt được, họ sẽ có cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc. Tuy nhiên, khi rời khỏi game và trở lại cuộc sống thực tế, cảm giác thỏa mãn sẽ tan biến và để lại cảm giác trống rỗng, thiếu hứng thú
- Giảm giao tiếp xã hội: Người nghiện game sẽ không có nhu cầu giao tiếp hay tương tác với mọi người, kể cả gia đình. Thay vào đó, người nghiện game cô lập bản thân và chìm đắm vào các mạng online. Về lâu dài, việc mất đi các mối quan hệ xã hội khiến người đó gặp khó khăn trong cuộc sống, luôn cảm thấy cô đơn và lạc lõng.
Quy định mới: Người dưới 18 tuổi không được chơi game quá 180 phút/ngày
Có thể thấy, nghiện game, chơi game quá nhiều đang dần trở thành một vấn đề xã hội cần phải được quan tâm và giải quyết.
Mới đây, Nghị định 147/2024/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành dài hơn 115 trang, có nhiều nội dung và một trong những nội dung được nhiều người quan tâm là câu chuyện quản lý con trẻ dưới 18 tuổi chơi game mỗi ngày.
Cụ thể, Nghị định này quy định rõ:
- Trẻ em dưới 18 tuổi chỉ được chơi game không quá 60 phút mỗi game và không quá 180 phút/ngày khi chơi nhiều game.
- Những đơn vị phát hành phải có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi (nếu có) và trên màn hình thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần trong quá trình chơi trò chơi.
- Nhà cung cấp dịch vụ game phải lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ từ Việt Nam khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam (hoặc số định danh cá nhân).
- Trường hợp người sử dụng là trẻ em dưới 16 tuổi thì phải đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em. Bên cạnh đó, cha mẹ phải có trách nhiệm giám sát, quản lý con.
- Các trò chơi không được mô phỏng trò chơi trong casino, sử dụng hình ảnh lá bài, hoặc chứa các nội dung miêu tả cụ thể về bạo lực, khiêu dâm, hoặc những hành vi trái với thuần phong mỹ tục. Các vật phẩm ảo không được phép quy đổi thành tiền mặt hoặc thẻ trả trước và không được phép mua bán giữa những người chơi với nhau.
Người dưới 18 tuổi không được chơi game quá 180 phút/ngày.
Chơi game quá nhiều gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của người chơi. Mỗi người đều nên nắm được các tác hại của nó để phòng tránh. Bên cạnh đó, phụ huynh cần quản lý, theo dõi sát sao con em mình, tránh để trẻ bị nghiện game. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!