Mục lục [Ẩn]
Điện thoại thông minh (smartphone) đang dần trở thành vật bất ly thân trong cuộc sống của mỗi người. Thậm chí, theo báo cáo của Q&Me, người Việt Nam dành khoảng 6,2 giờ/ngày cho việc sử dụng điện thoại thông minh - người Việt đang gần như “ăn ngủ” cùng với điện thoại. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng... có nguy cơ đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp, nhất là các khớp ở ngón tay, cổ tay.
Sử dụng điện thoại thông minh khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ thoái hóa khớp.
Nhiều trẻ đau khớp ngón tay vì sử dụng thiết bị điện tử
Tiếp xúc nhiều với điện thoại thông minh không chỉ ảnh hưởng tới thị lực, hệ thần kinh của trẻ mà còn ảnh hưởng cơ xương khớp của trẻ. Các bác sĩ chuyên khoa cho biết đã từng gặp nhiều bệnh nhân là các cháu học sinh mới học cấp 2 nhưng đã đau các khớp ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái do chơi điện thoại quá nhiều, thậm chí có cháu còn có biểu hiện bị viêm gân. Chỉ khoảng 5 - 7 năm nữa, những cháu này có nguy cơ cao bị thoái hóa các khớp nhỏ ở ngón tay ở tuổi ngoài 20 bởi quá trình thoái hóa không phải ngay lập tức mà nó diễn biến từ từ, trải qua nhiều tháng, nhiều năm.
Theo các bác sĩ cho biết, không giống như người lớn, trẻ thường tập trung vào thiết bị thông minh mà quên đi những việc bảo vệ cho các cơ quan của cơ thể. Nhiều trẻ sử dụng điện thoại liên tục 2-3 giờ, thậm chỉ ăn, ngủ cùng điện thoại. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp gân cơ vùng ngón tay, bàn tay và đặc biệt là các khớp vùng ngón tay cái. Ngoài ra, tư thế cúi đầu hàng giờ để sử dụng điện thoại còn có nguy cơ gây tổn thương cho đốt sống cổ và cơ lưng.
Điện thoại thông minh có thể dẫn đến các vấn đề cơ xương khớp nào?
Dưới đây là một số bệnh có thể gặp khi dùng điện thoại quá mức.
Đau cổ vai và cột sống
Khi ngồi sử dụng điện thoại, chúng ta thường có thói quen cúi đầu. Tư thế này khiến cơ ở cổ phải chịu trọng lượng nhiều hơn so với giữ đầu thẳng, các cơ này sẽ căng cứng. Về lâu dài, tư thế này có thể làm suy yếu các dây chằng ở cột sống, gây đau và dẫn đến hội chứng đau cổ vai gáy. Mặt khác, ngoài vấn đề căng cơ, việc cúi đầu về phía trước để nhìn vào màn hình điện thoại còn có thể làm thay đổi đường cong sinh lý của đốt sống cổ, tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm.
Cúi đầu để sử dụng điện thoại khiến các cơ ở cổ phải chịu trọng lượng nhiều hơn.
Ngón tay cò súng
Khi sử dụng điện thoại, chúng ta thường dùng ngón tay cái để thao tác như nhắn tin, lướt web. Hành động này được thực hiện lặp đi lặp lại trong một thời gian dài gây kích thích và viêm bao gân của ngón cái, dẫn đến tình trạng ngón tay cò súng.
Người dùng điện thoại chủ yếu dùng ngón tay cái để thực hiện các thao tác như nhắn tin, lướt web… Lúc này, ngón cái của người bệnh mất linh hoạt, bị khóa chặt trong tư thế gập và tê, đau nhức, đau nghiêm trọng hơn nếu gắng sức duỗi thẳng ngón tay. Bệnh tiến triển nặng, có thể gây tê cứng nhiều ngón tay cùng lúc, kẹt cứng ở tư thế gấp.
Hội chứng ống cổ tay
Người dùng điện thoại thường dùng cầm điện thoại theo tư thế cổ tay gập, trong lượng của điện thoại chủ yếu tác động vào cổ tay. Nếu bạn sử dụng điện thoại liên tục, cổ tay buộc phải hoạt động quá mức và duy trì tư thế gấp lại trong thời gian dài, chèn ép dây thần kinh giữa, dẫn đến hội chứng ống cổ tay. Bệnh nhân thường có cảm giác nhức mỏi và tê ngứa chạy dọc từ cổ tay đến ngón tay, suy giảm lực cầm nắm, thường xuyên làm rơi đồ vật, triệu chứng tê cứng, đau nhức tệ hơn vào ban đêm và khi người bệnh thực hiện thao tác bắt tay hoặc siết chặt bàn tay.
Dấu hiệu trẻ đang sử dụng thiết bị thông minh quá nhiều
Nếu con bạn đang sử dụng các thiết bị điện tử và gặp một trong các dấu hiệu sau đây thì nên đi khám để được tư vấn thay đổi thói quen hoặc điều trị và phục hồi chức năng sớm, tránh tình trạng thoái hóa khớp hình thành gây hại cho sức khỏe sau này:
- Đau, mỏi bất cứ khớp nào từ cổ, vai, khuỷu, cổ tay, đến các ngón tay.
- Trẻ kêu mỏi, tê tay, ngón cái vận động khó sau một thời gian dài chơi thiết bị điện tử.
- Các khớp cứng lại, mỏi, nhất là khớp ở giữa bàn tay và ngón cái, để tay không cũng mỏi.
Bên cạnh đó, để ngăn ngừa thoái hóa khớp ở trẻ, cha mẹ nên hạn chế thời gian con sử dụng điện thoại thông minh. Ví dụ: Giới hạn thời gian sử dụng điện thoại thông minh của trẻ, yêu cầu trẻ chỉ được sử dụng điện thoại tối đa 30 phút thì phải nghỉ và trong một ngày chỉ sử dụng từ 2 - 3 lần.
Ngoài ra, cha mẹ nên dạy con thả lỏng bàn tay, co duỗi tay nhẹ nhàng, xoay gập cổ tay nhẹ nhàng, không tạo áp lực, không bẻ khớp là cách "thư giãn" tốt nhất cho khớp.
Sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, có thể dẫn đến các bệnh cơ xương khớp. Do đó, cha mẹ nên hạn chế thời gian con tiếp xúc với thiết bị thông minh. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: