Mục lục [Ẩn]
Trái tim là nơi bơm máu cho toàn cơ thể, giúp duy trì sự sống. Theo đó, bất kỳ bệnh lý nào liên quan đến bộ phận này cũng gây nguy cơ đe dọa tính mạng. Vậy cụ thể, chức năng của tim là gì? Nó thường gặp các bệnh lý như thế nào? Mời quý bạn đọc tìm hiểu ở bài viết dưới đây!
Chức năng của tim là gì?
Chức năng của tim là gì?
Trong cơ thể người, tim nằm ở khoang giữa của trung thất trong lồng ngực, nằm dưới lồng xương sườn, chếch về bên trái xương ức và ở giữa phổi. Nó được cấu tạo từ các cơ với tổng kích thước chỉ bằng nắm tay nhưng lại có chức năng vô cùng quan trọng, đó là co bóp bơm máu giàu oxy và chất dinh dưỡng đến các bộ phận của cơ thể, duy trì sự sống.
Để thực hiện được chức năng này, tim phải đập liên tục khoảng 100.000 lần mỗi ngày, bơm 5-6 lít máu mỗi phút.
Một trái tim thường được chia thành 4 khoang rỗng, cụ thể:
- Nửa trên tim: Có tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải được ngăn cách bởi vách liên nhĩ. Nhĩ phải nhận máu từ tĩnh mạch chủ và đẩy xuống tâm thất phải. Nhĩ trái nhận máu từ tĩnh mạch phổi và đưa xuống tâm thất trái.
- Ở nửa dưới tim: có tâm thất trái và tâm thất phải, được ngăn cách bởi vách liên thất. Tâm thất phải bơm máu vào động mạch phổi để lấy oxy và thải khí CO2. Tâm thất trái là khoang lớn nhất, có nhiệm vụ bơm máu lên cung động mạch chủ để vận chuyển đi khắp cơ thể.
Để đảm bảo máu chảy theo một chiều đúng hướng, tim có các van: Van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ và van Pulmonic hỗ trợ.
Quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể được diễn ra thuận lợi không chỉ nhờ sự co bóp của tim mà còn cả hoạt động của hệ thống mạch máu:
- Động mạch: Đưa máu giàu oxy ở tim đi đến các mô, chỉ riêng động mạch phổi sẽ đưa máu nghèo oxy tới phổi.
- Tĩnh mạch: Đưa máu nghèo oxy về với tim, riêng tĩnh mạch phổi là đưa máu giàu oxy trở lại tim.
- Mao mạch: Là các mạch máu nhỏ - nơi diễn ra quá trình trao đổi oxy - CO2 và chất dinh dưỡng.
Bởi chức năng của tim rất quan trọng, đảm bảo sự sống cho cơ thể nên khi có bệnh lý liên quan đến bộ phận này, tính mạng con người sẽ có nguy cơ bị đe dọa.
Cấu tạo của tim
Các bệnh lý tim mạch thường gặp
-
Tăng huyết áp
Huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch, được xác định dựa trên 2 chỉ số:
- Huyết áp tâm thu: Ứng với giai đoạn tim co bóp tống máu đi, thường có giá trị cao hơn.
- Huyết áp tâm trương: Ứng với giai đoạn nghỉ giữa hai lần đập liên tiếp của tim, thường có giá trị thấp hơn.
Tăng huyết áp hay cao huyết áp là bệnh lý mà áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao hơn so với bình thường. Cụ thể, huyết áp tâm thu > 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương >= 90mmHg.
Dựa vào nguyên nhân và cơ chế mà tăng huyết áp được chia thành các loại như sau:
- Cao huyết áp vô căn hay bệnh tăng huyết áp: Không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp mắc bệnh.
- Tăng huyết áp thứ phát: Có nguyên nhân do bệnh lý khác gây ra như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận…
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường.
- Tăng huyết áp khi mang thai, bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật: Xảy ra khi phụ nữ mang thai và sinh con.
Khi mắc bệnh này, áp suất máu lưu thông trong các động mạch tăng cao. Theo đó để đảm bảo chức năng của tim, bộ phận này phải co bóp nhiều và mạnh hơn. Các biến chứng tim mạch như tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim,... bắt nguồn từ đây.
-
Xơ vữa mạch máu
Bệnh xảy ra do các chất béo hay nhiều thành phần khác lắng đọng ở thành mạch tạo thành mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch, cản trở lưu thông máu.
Xơ vữa mạch máu có thể xảy ra ở nhiều vị trí như: Mạch cảnh, mạch vành, mạch chi dưới... và là khởi nguồn của hàng loạt bệnh lý nghiêm trọng khác như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Các chuyên gia phát hiện ra rằng, sự khởi đầu của việc tạo mảng xơ vữa là tình trạng tổn thương nội mạc mạch máu. Một số tác nhân gây tổn thương nội mạc mạch máu thường gặp bao gồm: Khói thuốc lá, cao huyết áp, mỡ máu cao, đường huyết cao.
Hình ảnh bệnh xơ vữa mạch máu
-
Thiếu máu cơ tim
Bệnh thiếu máu cơ tim hay thiếu máu cục bộ cơ tim xảy ra khi lưu lượng máu đến tim giảm, khiến nó không được nhận đủ oxy để đảm bảo chức năng tống máu. Theo đó, cơ tim bị tổn thương, khiến hoạt động co bóp bị suy giảm, tăng nguy cơ loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim là do sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ các nhánh của động mạch vành, thường gặp nhất ở người bị xơ vữa động mạch vành (chiếm hơn 90%).
Dấu hiệu nhận biết thiếu máu cơ tim là cơn đau ở vùng ngực bên trái, đau vùng cổ hoặc hàm, nhịp tim nhanh, khó thở khi vận động cơ thể, người mệt mỏi, buồn nôn và nôn, mồ hôi nhiều.
-
Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý mà mạch máu trên bề mặt tim bị tắc 1 phần hoặc hoàn toàn. Hậu quả là 1 vùng cơ tim bị chết do thiếu máu, khiến chức năng của tim suy giảm nghiêm trọng, dễ gây sốc tim, đột tử do tim…
Nguyên nhân thường gặp nhất gây nhồi máu cơ tim là xơ vữa mạch máu. Các mảng xơ vữa bám vào thành mạch và tích tụ lại, gây tắc nghẽn. Những người có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, mỡ máu, bệnh tiểu đường… đều dễ bị xơ vữa mạch máu.
-
Viêm cơ tim
Đây là bệnh lý mà cơ tim bị viêm bởi vi sinh vật (siêu vi trùng Coxsackie), hóa chất hoặc không rõ nguyên nhân, kể cả khi bạn khỏe mạnh cũng có nguy cơ mắc bệnh này.
Viêm cơ tim giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Chỉ khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh mới xuất hiện dấu hiệu khó thở, ho, mệt mỏi, đau ngực, sưng chân, huyết áp cao, chóng mặt… Tuy nhiên, các biểu hiện này dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác nên bệnh nhân thường chủ quan. Đây cũng chính là lý do khiến viêm cơ tim trở nên nguy hiểm, nó có thể gây đột tử nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Khi bị nhiễm siêu vi trùng Coxsackie, cơ tim sẽ bị viêm
-
Bệnh van tim
Bệnh van tim xảy ra khi một hoặc nhiều van tim không thực hiện tốt chức năng đóng mở để máu lưu thông theo một chiều. Chúng gồm hai dạng như sau:
- Hẹp van tim: Do lá van bị dày hoặc dính các mép van, hạn chế khả năng mở, cản trở quá trình lưu thông máu. Theo đó, tim phải bơm mạnh hơn để đẩy máu qua chỗ hẹp.
- Hở van tim: Do van không thể đóng kín, làm một phần máu bị trào ngược trở lại buồng tim. Bệnh cũng khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng máu bị thiếu hụt, đồng thời xử lý lượng máu tồn dư cho lần co bóp tiếp theo.
Một người có thể bị 1 trong 2 thậm chí là cả 2 dạng bệnh van tim nêu trên.
-
Suy tim
Suy tim là bệnh lý do tim bị yếu đi, không thể đảm bảo chức năng bơm máu cho cơ thể. Mức độ suy tim của người bệnh được chia làm 4 cấp độ dựa trên triệu chứng cơ năng và khả năng vận động gắng sức:
- Cấp độ 1: Hay còn gọi là suy tim tiềm tàng. Người bệnh vẫn hoạt động thể lực và sinh hoạt bình thường nên rất khó phát hiện bệnh ở giai đoạn này.
- Cấp độ 2: Suy tim nhẹ. Người bệnh thấy khó thở, mệt mỏi và đánh trống ngực khi vận động gắng sức. Tuy nhiên, các triệu chứng này chỉ xuất hiện thoáng qua nên nhiều người thường không để ý.
- Cấp độ 3: Suy tim trung bình. Bệnh nhân suy giảm vận động rõ rệt. Chỉ cần gắng sức, họ sẽ bị khó thở dữ dội, mệt mỏi, đánh trống ngực liên hồi.
- Cấp độ 4: Suy tim nặng. Bệnh nhân lúc nào cũng cảm thấy mệt, gần như không thực hiện được trọn vẹn bất kỳ vận động thể lực nào. Sinh hoạt hàng ngày cũng trở nên rất khó khăn, tình trạng khó thở xuất hiện cả trong lúc nghỉ ngơi.
Như vậy, chức năng của tim rất quan trọng đối với cơ thể và bệnh lý ở bộ phận này cũng vô cùng đa dạng. Nếu cảm thấy dấu hiệu bất thường, bạn đừng chủ quan mà hãy đi thăm khám để được chẩn đoán, can thiệp sớm nhé. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh!
XEM THÊM: