Mục lục [Ẩn]
Đầy bụng, đau bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua… là những triệu chứng thường gặp ở bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Nếu bạn phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ được kiểm soát tốt. Vậy cụ thể, viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh như thế nào? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao?
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh như thế nào?
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh như thế nào?
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh mà niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non) bị tổn thương, viêm và loét. Thông thường, vết loét ở tá tràng chiếm 95%, ở dạ dày chiếm 60%. Trong đó, tình trạng viêm loét ở bờ cong nhỏ dạ dày chiếm 25% các trường hợp.
Đây là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến trong xã hội hiện nay. Ở nước ta, có đến 26% dân số mắc bệnh loét dạ dày tá tràng.
Nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng bao gồm:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP): Đây là một trong những tác nhân chính gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn sẽ chui vào trong lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng, tiết ra các độc tố làm mất chức năng của niêm mạc.
- Thường xuyên sử dụng thuốc các loại thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm: Nguyên nhân này thường gặp ở người lớn tuổi. Các thuốc đó ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin - chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Theo đó, dạ dày không được bảo vệ sẽ dễ bị viêm, loét.
Ngoài ra, viêm loét dạ dày tá tràng còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác như:
- Thường xuyên hút thuốc lá: Nicotine trong khói thuốc lá kích thích cơ thể để tiết ra nhiều cortisol. Chính thành phần này là tác nhân làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng.
- Lạm dụng chất kích thích: Bệnh nhân lạm dụng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia, cafe… đều là yếu tố dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Chất cồn trong rượu bia làm tăng tiết axit dịch vị, phá hủy niêm mạc dạ dày và hình thành bệnh.
Người thường xuyên uống rượu bia dễ bị viêm loét dạ dày tá tràng
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ: Việc sinh hoạt không điều độ như thức khuya, bỏ bữa ăn sáng hay là việc ăn uống không đúng giờ giấc, thói quen ăn khuya, lười vận động... đều là yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng.
- Căng thẳng thần kinh (stress) thường xuyên: Trạng thái tâm lý này ảnh hưởng lớn đến quá trình bài tiết axit trong dạ dày, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng
Triệu chứng thường gặp khi bị viêm loét dạ dày tá tràng bao gồm:
- Đau âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị: Đây là triệu chứng thường gặp nhất ở người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Nó xảy ra ngay sau khi ăn nếu là loét dạ dày và cách 2-3 giờ sau bữa ăn nếu loét tá tràng.
Cơn đau thường dữ dội hơn vào ban đêm và gần sáng. Bởi lúc này, thức ăn đã tiêu hóa hết nhưng dạ dày vẫn co bóp, bài tiết dịch vị gây kích thích niêm mạc dạ dày. Tình trạng này thường làm người bệnh khó ngủ, mất ngủ.
- Ợ hơi, khó tiêu, chướng bụng, căng bụng và khó dung nạp thức ăn béo, nhiều dầu mỡ.
- Tiết nhiều nước bọt, ợ nóng, khó chịu vùng ngực.
- Buồn nôn và nôn, sau khi nôn xong, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
Các triệu chứng trên chỉ mang tính chất gợi ý chứ không thể chẩn đoán chính xác. Khi xuất hiện những dấu hiệu đó, bạn nên đi thăm khám để bác sĩ kiểm tra, xét nghiệm, nội soi dạ dày tá tràng.
Viêm loét dạ dày tá tràng có nguy hiểm không?
Viêm loét dạ dày tá tràng có nguy hiểm không?
Bệnh viêm loét dày tá tràng nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm bao gồm:
- Hẹp môn vị: Thường gặp ở loét hành tá tràng. Ổ loét xơ chai gây chít hẹp đường xuống của thức ăn từ dạ dày. Người bệnh thường bị đầy hơi, đau bụng sau bữa ăn, chướng bụng. Đặc biệt, họ còn nôn ra thức ăn ngày hôm trước do thức ăn bị giữ lại ở dạ dày, không qua được lỗ môn vị để xuống ruột.
- Chảy máu ổ loét dạ dày, tá tràng: Ổ loét ăn sâu vào thành dạ dày, tá tràng làm thủng các mạch máu gây chảy máu. Triệu chứng thường gặp là nôn ra máu, ỉa phân đen, mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí choáng ngất do mất máu nhiều. Lúc này, bệnh đã trở nặng, nếu không chẩn đoán, điều trị sớm, tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa.
- Thủng ổ loét: Ổ loét ăn thủng thành dạ dày, tá tràng, làm chảy dịch tiêu hoá vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, phải mổ cấp cứu sớm. Nếu chậm trễ, người bệnh sẽ tử vong vì nhiễm độc nặng. Triệu chứng điển hình của biến chứng này là đau ngột đột, dữ dội vùng trên rốn. Về sau, cơn đau lan ra khắp ổ bụng, sờ bụng thấy co cứng, ấn đau.
- Ung thư dạ dày: Nếu tình trạng viêm loét tái đi tái lại nhiều lần, niêm mạc dạ dày sẽ bị bào mòn, gây loạn sản, hình thành tế bào ung thư.
Có thể thấy, viêm loét dạ dày tá tràng gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, bạn nên điều trị căn bệnh này càng sớm càng tốt.
Cách điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị viêm loét dạ dày tá tràng phù hợp. Các phương pháp đó gồm có:
Điều trị bằng thuốc
Một số nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng là:
- Nhóm kháng axit: Tác dụng của nhóm kháng axit (Antacid) là trung hòa axit trong dạ dày và tá tràng nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bài tiết dịch vị. Thành phần của nhóm thuốc này thường là nhôm, kali và magie hydroxit.
Các thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng rất đa dạng
- Nhóm chẹn H2: Giảm hoạt động tiết axit của dạ dày và tá tràng.
- Nhóm ức chế bơm Proton: Giúp giảm nồng độ axit trong dạ dày bằng cách ức chế số lượng thụ thể tạo axit trong niêm mạc dạ dày.
- Nhóm bảo vệ niêm mạc dạ dày
- Kháng sinh diệt HP
Tùy nguyên nhân và triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp các loại thuốc khác nhau.
Thay đổi lối sống
Người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, cụ thể:
- Ăn uống đúng giờ, không nên bỏ bữa
- Nên bổ sung các thực phẩm như chuối, cơm, bánh mì, canh hoặc súp, sữa chua, đậu bắp, đặc biệt là các loại rau củ màu đỏ và màu xanh đậm,...
- Uống nước ép táo, uống nước dừa, nước gừng, trà thảo mộc, hỗn hợp tinh bột nghệ và mật ong.
- Tránh các loại thực phẩm gây tổn thương niêm mạc dạ dày, gây tăng axit dạ dày như trái cây chua, dưa cà muối, các loại đồ uống kích thích như rượu bia, cà phê...
- Tập thể dục thường xuyên 30 phút mỗi ngày với các bài tập nhẹ nhàng.
- Ngủ nghỉ và làm việc đúng giờ, tránh căng thẳng, stress, mệt mỏi, không nên thức quá khuya.
- Không hút thuốc lá.
Đến đây, hy vọng các bạn đã nắm được thông tin chi tiết về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Bệnh này có nhiều triệu chứng khó chịu và hàng loạt biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn nên thăm khám và điều trị sớm. Chúc các bạn sức khỏe!
XEM THÊM:
- Mách bạn 4 cách thải độc tự nhiên để sống khỏe hơn mỗi ngày
- Các chú ý ăn uống cho người bệnh viêm loét dạ dày