Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Cảnh báo: Ca đột quỵ tăng mạnh dịp Tết

Thứ hai, 26-02-2024 16:18 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Dịp Tết vừa qua, thời tiết thay đổi thất thường, cộng thêm tâm lý “xả hơi”, chủ quan trong việc kiểm soát bệnh tật mà nhiều người phải đối mặt với án tử “đột quỵ”. So với cùng kỳ năm ngoái, ca bệnh đột quỵ tăng vọt đến 30% dựa theo số liệu thống kê ở các bệnh viện nước ta.

 

Cảnh báo: Ca đột quỵ tăng mạnh dịp Tết

Cảnh báo: Ca đột quỵ tăng mạnh dịp Tết

 

Số ca đột quỵ tăng mạnh dịp Tết

   Theo thống kê của Bệnh viện 108, Tết năm nay, bệnh nhân đột quỵ tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các bệnh viện ở TP HCM như Quân y 175, Nhân dân 115 cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

   Ngày 21/2, TS.BS Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết, thông thường dịp lễ Tết, lượng bệnh nhân cấp cứu đột quỵ rất đông do tuyến dưới chuyển đến nhiều hơn. Tuy nhiên, chưa năm nào số ca bệnh tăng đột biến như năm nay. Tình trạng quá tải đã xảy ra ngay từ những ngày đầu của Tết Nguyên Đán.

   7 ngày nghỉ Tết, bệnh viện tiếp nhận 68 bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu và chuyển từ tuyến dưới đến điều trị. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu, can thiệp nội mạch cho 28 bệnh nhân, gồm 16 ca nhồi máu não, 12 ca xuất huyết dưới nhện. 5 bệnh nhân xuất huyết não phải phẫu thuật.

   Ở miền Bắc, nhiều ca bệnh từ tuyến dưới chuyển lên với tình trạng rất nặng. Chẳng hạn như trường hợp ông Hoàng, 84 tuổi ở Nam Định. Ông bị nhồi máu não tắc đỉnh động mạch thân nền. Đây là động mạch quan trọng nhất nuôi dưỡng não bộ. Ý thức của ông suy giảm nhanh, liệt nửa người bên trái sau 7 giờ khởi phát. Bác sĩ phải can thiệp hút huyết khối, tái lập lưu thông mạch não. 

   Tại TP HCM, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng tiếp nhận hơn 300 ca đột quỵ đến cấp cứu trong một tuần nghỉ Tết, tăng so với năm ngoái. PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: Trong số các ca bệnh, có 162 người may mắn phục hồi tốt và xuất viện ngay trong Tết. Số còn lại được tiếp tục điều trị cùng những bệnh nhân đột quỵ trước đó. Điều đáng ngại là các ca bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa.

 

Đột quỵ ở người trẻ gia tăng

Đột quỵ ở người trẻ gia tăng

 

Vì sao dịp Tết, bệnh nhân đột quỵ tăng cao?

   Theo bác sĩ Tuyến, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng ca bệnh đột quỵ trong dịp Tết là do người có bệnh nền cao huyết áp không tuân thủ điều trị.

   Như trường hợp bệnh nhân 40 tuổi, tiền sử cao huyết áp. Những ngày Tết, ông bỏ uống thuốc. Về sau, ông bị đau đầu dữ dội, nói không rõ tiếng, phải vào cấp cứu tại Bệnh viện 108. Kết quả kiểm tra cho thấy, ông bị xuất huyết não. Các bác sĩ phải tiến thành phẫu thuật, điều trị tích cực cho ông.

   Dịp Tết thường có nhiều sự kiện, mỗi người phải di chuyển, giao tiếp, tiệc tùng, sử dụng rượu bia nhiều. Đây là lý do mà người có bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa quên uống thuốc, nhất là người trẻ tuổi. Hiện nay, giới trẻ cao huyết áp ngày càng gia tăng. Nếu họ không tuân thủ điều trị, gặp thời tiết thay đổi đột ngột, huyết áp sẽ tăng vọt lên dẫn đến vỡ mạch, đột quỵ.

   Hơn nữa, tính chủ quan của giới trẻ cũng làm tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Khi có triệu chứng, họ mới dùng thuốc. Bệnh ổn định là ngừng ngay mà không biết rằng bệnh này phải dùng thuốc duy trì mỗi ngày.

   Ngoài ra, khí hậu miền Bắc thay đổi thất thường, đang nóng chuyển lạnh cũng là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Thời tiết này làm người bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch dễ bị tổn thương, gây co mạch, tắc mạch.

 

Tính chủ quan của giới trẻ làm tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ

Tính chủ quan của giới trẻ làm tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ

 

   PGS. TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong các tháng lạnh, số bệnh nhân nhập viện và số ca nặng tăng cao. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ đột quỵ tăng 80% khi nhiệt độ giảm đột ngột hoặc xuống dưới 15 độ C. Trời lạnh làm mạch máu co lại gây tăng huyết áp. Đồng thời, nó còn khiến máu cô đặc, dẫn đến hình thành cục máu đông.

   Một nghiên cứu tại Mỹ vào năm 2016 với 172.000 ca nhập viện do đột quỵ thiếu máu não cục bộ cho thấy, số lượng ca bệnh tăng khi thời tiết lạnh và nhiệt độ có sự dao động lớn. Nghiên cứu khác ở Đức nhận ra rằng, nhiệt độ giảm 2,9 độ C trong 24 giờ thì nguy cơ đột quỵ não tăng 11%.

   Đột quỵ diễn ra nhanh chóng, làm chết tế bào não, để lại di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu sớm. Vì vậy, bạn nên biết các dấu hiệu cảnh báo tình trạng này để xử trí kịp thời.

 

Cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ

   Để nhận biết sớm các triệu chứng đột quỵ, bạn nên tham khảo quy tắc FAST như sau:

  • FACE: Mặt có cảm giác tê cứng, khi cười 1 bên mặt bị lệch, cười méo miệng, rối loạn thị lực.
  • ARM: Tay và chân tê mỏi hoặc không nâng được tay, chân 1 bên.
  • SPEECH: Nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, không diễn đạt được.
  • TIME: Cần gọi cấp cứu đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, điều trị đột quỵ não càng nhanh càng tốt.

   Khi bạn quan sát thấy người nào có ít nhất một trong ba biểu hiện trên (lệch mặt, yếu tay chân, nói khó) hãy nghĩ đến đột quỵ não và lập tức gọi cấp cứu. Khung giờ vàng để có kết quả điều trị tốt nhất là 6 giờ đầu tiên tính từ lúc dấu hiệu đột quỵ xuất hiện.

 

Làm sao để phòng ngừa đột quỵ?

Làm sao để phòng ngừa đột quỵ?

 

Làm sao để phòng ngừa đột quỵ?

   Để phòng ngừa cơ đột quỵ, bạn nên:

  • Kiểm soát tốt huyết áp: Tăng huyết áp sẽ thúc đẩy nguy cơ đột quỵ cao gấp 2-4 lần. Do đó, bạn nên duy trì chỉ số huyết áp ổn định bằng cách hạn chế ăn muối và đồ ăn mặn; bổ sung rau củ quả tươi, giàu kali như chuối, khoai lang, cà chua, các loại đậu… Nếu bị cao huyết áp, bạn nên dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và thăm khám định kỳ.
  • Tăng cường tập thể dục mỗi ngày: Hoạt động thể chất sẽ giúp duy trì cân nặng phù hợp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hiệu quả. Bạn nên tập thể dục ít nhất 5 ngày/tuần, mỗi lần 30 phút. Những bài tập đơn giản như đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp… đều là lựa chọn tốt.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc…
  • Điều trị ổn định các bệnh tim mạch, tiểu đường nếu có.

   Đến đây, hy vọng các bạn đã biết vì sao các ca bệnh đột quỵ gia tăng vào dịp Tết. Dù cho có cấp cứu kịp thời thì căn bệnh này ít nhiều vẫn để lại di chứng, làm giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vì vậy tốt nhất, bạn nên áp dụng biện pháp phòng ngừa đột quỵ ngay từ bây giờ.

 

XEM THÊM:

 

Tags: đột quỵ
Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222