Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Tầm soát đột quỵ: Nên hay không?

Thứ tư, 27-09-2023 10:52 AM

Mục lục [Ẩn]

 

   Trong thời gian gần đây, nhiều trường hợp đột ngột tử vong vì đột quỵ khiến người dân lo lắng, sợ hãi. Do đó, dịch vụ tầm soát đột quỵ ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Vậy tầm soát đột quỵ là gì? Những ai cần đi tầm soát đột quỵ? Mời bạn theo dõi bài viết sau!

 

Những ai nên đi tầm soát đột quỵ?

Những ai nên đi tầm soát đột quỵ?

 

Tìm hiểu chung về đột quỵ

   Đột quỵ (stroke) còn gọi là tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút.

   Đây là một bệnh lý xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nề. Người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

>>> Xem thêm: Các triệu chứng một cơn đột quỵ

   Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết mỗi năm ghi nhận thêm 200.000 ca đột quỵ, khoảng 50% trường hợp tử vong, nhiều người sống sót sau tai biến phải sống chung với các di chứng về thần kinh, vận động...

Có 2 loại đột quỵ:

  • Thiếu máu: Đột quỵ do cục máu đông chặn mạch máu đến não, làm cho não không nhận được oxy cần thiết. Đây là loại đột quỵ phổ biến nhất.
  • Xuất huyết: Đột quỵ là do mạch máu đến não bị vỡ, gây ra chảy máu não.

 

Khám tầm soát đột quỵ là khám những gì?

   Khi đi khám đột quỵ, bác sĩ sẽ khai thác thông tin về sức khỏe như:

  • Triệu chứng hàng ngày (nếu có).
  • Thói quen ăn uống, sinh hoạt.
  • Các bệnh lý đang mắc phải.
  • Tiền sử bệnh.
  • Tiền sử gia đình xem đã có ai bị đột quỵ hay chưa.

   Sau đó, bệnh nhân được kiểm tra sức khỏe tổng quát như đo huyết áp, đo chỉ số khối cơ thể và nghe nhịp tim để kiểm tra xem có bị tăng huyết áp, thừa cân hay bất thường về nhịp tim không.

   Để đánh giá sâu hơn, người bệnh cần thực hiện các kỹ thuật sau tùy gói tầm soát:

  • Đo điện tim (ECG): Để ghi lại hoạt động điện trong tim, đo số nhịp tim và ghi lại nhịp đập của tim. Kỹ thuật này giúp bác sĩ xác định bạn có bệnh tim mạch có nguy cơ dẫn đến đột quỵ không. Ví dụ: Thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, rung tâm nhĩ, rối loạn nhịp tim,...
  • Soi đáy mắt: Kiểm tra tầm nhìn và xác định các tổn thương đáy mắt do tiểu đường và tăng huyết áp.
  • Xét nghiệm máu: Phát hiện những bất thường về máu, các bệnh lý như tiểu đường, rối loạn lipid máu, các tổn thương gan, thận,...
  • Chụp MRI: Để bác sĩ đánh giá cấu trúc não và mạch máu chi tiết hơn, từ đó chẩn đoán bất thường xảy ra tại xương sọ và tại não. Kỹ thuật này chỉ nhằm vào nhóm nguy cơ cao, nếu áp dụng sàng lọc rộng rãi sẽ không cần thiết.
  • Siêu âm động mạch cảnh và động mạch đốt sống: Để xác định người bệnh có đang bị hẹp hay xơ vữa động mạch hay không.
  • Siêu âm tim: Nhằm phát hiện bệnh lý ở tim như bệnh van tim, buồng tim, bệnh mạch vành hay van tim bẩm sinh. Ngoài ra, siêu âm tim còn giúp kịp thời phát hiện các cục máu đông để xử lý, tránh trường hợp tắc mạch do cục máu đông.
  • Chụp X-quang ngực: Để phát hiện các bất thường tim mạch và lồng ngực thông qua hình ảnh hiển thị ở phổi, tim và đường thở;

 

Những ai cần khám tầm soát đột quỵ?

   Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM cho biết, tầm soát đột quỵ nên thực hiện ở những người trên 50 tuổi hoặc những người trẻ hơn nếu đang có các yếu tố nguy cơ kèm theo.

 

 Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ.

Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ.

 

   Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ là:

  • Trong gia đình có trường hợp bị đột quỵ: Nếu gia đình có người từng bị đột quỵ, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh do cùng nếp sống, thói quen, yếu tố di truyền.
  • Có tiền sử tiểu đường: Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát tốt có nguy cơ gây ra các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, não bộ, mắt và thận.

>>> Xem thêm: Cách phòng ngừa đột quỵ cho người bệnh tiểu đường.

  • Tăng huyết áp: Tăng huyết áp gây tổn thương cho thành động mạch và có khả năng làm tăng hoạt động đông máu, hình thành các cục máu đông gây ra cơn đột quỵ.
  • Mỡ máu cao: Cholesterol máu cao khiến các lớp áo trong của mạch máu khắp cơ thể (bao gồm tim và não) bị hủy hoại. Ngoài ra, nó có xu hướng gây xơ cứng mạch máu, làm tăng nguy cơ máu bị vón cục trong mạch máu, cản trở việc cung cấp máu lên não.
  • Các bệnh lý tim mạch khác: Như rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, suy tim…
  • Thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ bị đột quỵ. Các hóa chất độc hại trong thuốc lá không chỉ gây tổn thương phổi mà còn làm ảnh hưởng xấu tới thành mạch máu. Cụ thể, chúng làm tăng quá trình xơ cứng động mạch và đồng thời tạo áp lực lên tim và huyết áp.

   Hầu hết trường hợp đột quỵ (>90%) đều có nguyên nhân do có các bệnh lý nền trước đó như các yếu tố nguy cơ ở trên. Rất hiếm khi đột quỵ xảy ra trên một người không có bệnh lý nền hay không có yếu tố nguy cơ.

   Theo Phó giáo sư, việc người khỏe mạnh không có bệnh lý nền tầm soát đột quỵ vừa gây tốn kém, vừa không mang lại hiệu quả. Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng cùng quan điểm này. Bác sĩ cho biết, việc đổ xô đi xét nghiệm tầm soát đột quỵ khiến người bệnh hoang mang, thậm chí yên tâm giả tạo, vừa tốn kém tiền bạc vừa khó dự phòng hết 100% bệnh.

 

Cách dự phòng bệnh  đột quỵ

   Đột quỵ là bệnh có thể dự phòng bằng cách ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ và thay đổi lối sống, cụ thể:

  • Với những người chưa từng bị đột quỵ (nhóm dự phòng cấp 1): Nên đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng - 1 năm/ lần để phát hiện các yếu tố nguy cơ và kiểm soát ngay từ đầu.
  • Với những người bị các bệnh lý nền, có các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, huyết áp, mỡ máu,... nên kiểm soát tốt bệnh lý. Bệnh nhân nên tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, duy trì lối sống lành mạnh để tránh biến chứng.
  • Chế độ ăn uống giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo, kiểm soát cân nặng, ngăn tình trạng béo phì.
  • Thực hiện chế độ ăn ít muối.
  • Bỏ thuốc lá vì hút thuốc làm nguy cơ đột quỵ và bệnh mạch vành tăng.
  • Tập thể dục để làm giảm thấp các yếu tố nguy cơ như làm hạ huyết áp, giảm béo phì, hạn chế tiến triển tổn thương vữa xơ động mạch.
  • Duy trì giấc ngủ khoảng 7 - 8 giờ mỗi ngày, nên ngủ trước 23 giờ.
  • Đối với những người đã từng bị đột quỵ (nhóm dự phòng cấp 2), đây là nhóm có nguy cơ tái phát cao. Do đó, bệnh nhân tuân thủ chỉ định thăm khám, điều trị của bác sĩ.

 

 Bỏ thuốc lá để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ

Bỏ thuốc lá để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ

 

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu thêm về tầm soát đột quỵ và trả lời được câu hỏi “Tầm soát đột quỵ: Nên hay không?”. Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, vì thế tất cả chúng ta đều nên dự phòng đột quỵ bằng lối sống lành mạnh, hạn chế các chất kích thích, kiểm soát tốt các bệnh lý nền nếu có. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222