Mục lục [Ẩn]
Nếu bạn là người hay ăn thịt đỏ thì sau khi đọc bài viết này, bạn có thể thấy sợ hãi và phải thay đổi thói quen đó của mình. Bởi các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tiêu thụ nhiều loại thực phẩm này làm tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
Ăn quá nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư
Cảnh báo: Ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư
Thịt đỏ là phần thịt nạc của các loại động vật có vú, có thể kể đến như thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt cừu, ngựa, dê…
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) khuyến nghị việc tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến làm tăng nguy cơ ung thư. Khuyến nghị này dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy sự gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư liên quan đến việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ. Theo WHO, chế độ ăn nhiều thịt đỏ có liên quan đến khoảng 50.000 ca tử vong do ung thư mỗi năm trên toàn thế giới.
Một nghiên cứu được thực hiện ở châu Âu khi theo dõi 478.000 người đàn ông và phụ nữ không mắc ung thư trong 5 năm. Sau 5 năm đó, có 1.329 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Trong đó, những người ăn nhiều thịt đỏ nhất (khoảng 140g/ngày hoặc hơn) có nguy cơ mắc ung thư ruột kết cao hơn khoảng 30% so với những người ăn ít thịt đỏ nhất (<28g/ngày).
Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Hoa Kỳ trên 148.610 người trong độ tuổi từ 50 đến 74 trong 10-11 năm cũng cho thấy: Việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ và thịt chế biến có liên quan đến sự gia tăng đáng kể nguy cơ ung thư ở đại tràng dưới và trực tràng. Ngược lại, việc tiêu thụ một lượng lớn cá và gia cầm trong thời gian dài có tác dụng giảm nguy cơ ung thư.
Ngoài ra, việc ăn nhiều thịt đỏ còn làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường và bệnh lý tim mạch.
Thực tế hiện nay cho thấy, rất nhiều người thích ăn thịt đỏ, và việc tiêu thụ loại thịt này đang có xu hướng gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Vì vậy, người dân cần biết đến thông tin này, từ đó có những cảnh giác nhất định và thay đổi thói quen ăn uống của mình.
Ăn quá nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư
Có nên kiêng tuyệt đối thịt đỏ?
Điều này là không nên. Bởi thịt đỏ là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể như protid, sắt, kẽm, vitamin B12… tất cả chúng đều là những chất dinh dưỡng quan trọng để duy trì sức khỏe của chúng ta. Vì vậy, bạn không cần kiêng tuyệt đối loại thịt này mà chỉ nên hạn chế, ăn với lượng phù hợp.
Khi ăn thịt đỏ, bạn hãy hạn chế, tiêu thụ không quá 350-500g thịt đỏ trong một tuần.
Ăn thịt đỏ có làm ung thư tiến triển nhanh?
Nhiều người cho rằng ăn thịt đỏ làm cho khối u ung thư phát triển nhanh hơn, dẫn đến việc họ kiêng tuyệt đối loại thịt này.
Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Tú, khoa Ung thư tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Người bệnh ung thư có nhu cầu bổ sung năng lượng rất lớn để đảm bảo sức khỏe trong quá trình điều trị bệnh. Việc kiêng tuyệt đối các loại thịt đỏ có thể khiến bệnh nhân không nhận đủ dinh dưỡng, từ đó tăng nguy cơ suy kiệt”.
Bác sĩ Tú cho biết thêm, protein là một yếu tố cơ bản giúp cơ thể làm lành vết thương, chống nhiễm khuẩn trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị. Nó cũng cần thiết để giúp cơ thể phục hồi sau quá trình điều trị, giúp tăng khả năng ăn ngon miệng, cải thiện tình trạng chán ăn, ăn uống kém ở bệnh nhân. Dinh dưỡng đầy đủ năng lượng, trong đó có đủ protein sẽ giúp người bệnh không bị suy kiệt.
Vì vậy, người bệnh ung thư nên sử dụng đa dạng thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua; nên ăn thịt màu trắng, còn thịt đỏ thì không nhất thiết phải kiêng tuyệt đối mà chỉ cần hạn chế, có thể ăn với lượng nhỏ.
Chúng ta không cần kiêng tuyệt đối thịt đỏ, mà chỉ cần hạn chế, không nên ăn quá nhiều
Những lưu ý cần biết để có cuộc sống khỏe mạnh hơn
Để có cuộc sống khỏe mạnh hơn, phòng ngừa bệnh tật, ngoài hạn chế ăn thịt đỏ thì sau đây là những lời khuyên hữu ích dành cho bạn:
- Tăng cường ăn các thực phẩm giúp giảm nguy cơ ung thư. Bạn có thể tham khảo 20 loại thực phẩm có hiệu quả tốt tại đây.
- Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng, stress.
- Xây dựng chế độ ăn uống đa dạng, ưu tiên các loại rau củ quả sạch, tươi, nhiều màu sắc; hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn để qua đêm trong tủ lạnh. Bạn cũng cần uống đủ 1.5 -2 lít nước mỗi ngày, nên uống nước sạch, nước khoáng kiềm, hạn chế tối đa đồ uống có đường, gas, rượu bia.
- Ngủ đủ giấc, ngủ sâu ngon và không thức khuya.
- Tăng cường tập thể dục, thể thao, nên dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để luyện tập, lựa chọn những bộ môn phù hợp với sức khỏe như chạy bộ, bơi lội, đạp xe đạp…
- Tăng cường bổ sung lợi khuẩn bằng cách ăn sữa chua kefir, dưa bắp cải, kim chi.
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với độc tố môi trường như hóa chất trong đồ gia dụng, khí thải, khói thuốc lá, bụi…
- Dành ra 20 phút mỗi ngày để phơi nắng từ khoảng 6 giờ đến 8 giờ sáng.
- Kiểm soát tốt tình trạng viêm, nhiễm trùng của cơ thể.
Như vậy, bạn nên hạn chế ăn thịt đỏ bởi việc ăn quá nhiều loại thực phẩm này có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư ở người. Để có cuộc sống khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ bệnh tật thì bạn cũng nên kết hợp thêm các biện pháp như trên. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, chúc bạn sức khỏe!