Hen thường không có những triệu chứng rõ rệt, có nhiều trường hợp sẽ khỏi ở tuổi trưởng thành. Bệnh có liên quan tới những yếu tố như:
- Tính di truyền: Bố, mẹ, anh, chị, bị hen thì con, em cũng dễ mắc bệnh hen. Ngoài ra, bệnh còn hay đi đôi với các chứng dị ứng như: dị ứng da, dị ứng mũi, dị ứng với một số mùi, một số vật chất trong không khí như phấn hoa, lông chó, lông mèo, một số thức ăn như cua, cá, một số thuốc như aspirine, vvv…
- Tâm lý: Vì lúc nào cũng sợ lên cơn, nên cơ thể luôn sẵn sàng chống các dị ứng bằng cách sản xuất ra những khoáng thể chống dị ứng.
- Những loại virus thông thường như nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính gây viêm mũi, họng, phế quản cũng có thể là nguyên nhân đứa trẻ lên cơn. Bởi vậy, phải đề phòng hoặc chữa trị ngay những chứng bệnh trên khi mới có triệu chứng.
- Việc chữa trị bệnh hen cho trẻ em phải thực hiện cẩn thận và trị tới cùng mới ngăn chặn được bệnh phát triển ở tuổi trưởng thành. Hiện tượng viêm phế quản do hen dễ trở thành bệnh mãn tính rất phức tạp và khó điều trị.
- Bố mẹ và cả đứa trẻ bị hen cần tìm đọc tài liệu để được chỉ dẫn về bệnh và cách điều trị bệnh, cách phòng tránh để bệnh khỏi lên cơn (ở một số nước, ngành y tế có mở lớp giảng về bệnh hen để những người cần tìm hiểu về bệnh này tới học).
Những triệu chứng của bệnh hen ở trẻ.
Thông thường, khi đứa trẻ lên cơn bệnh sẽ có những triệu chứng như sau: tự nhiên lên cơn ho, thở khó kèm theo những tiếng rít lên như tiếng còi.
Việc thở ra còn khó hơn cả khi thở vào, đứa trẻ đập tay, chân vì thiếu không khí, giống như phản ứng của người bị ngạt thở. Nếu không được can thiệp, cơn hen mỗi lúc một nặng và đứa trẻ sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm vì bị ngạt.
Nếu cơn nhẹ, hiện tượng thở khó khăn, kèm theo tiếng rít phát ra từ lồng ngực, có thể kéo dài nhiều giờ. Có trường hợp lầm tưởng là hen: đôi khi đứa trẻ sau khi cười, hoặc sau khi chạy, ho một vài tiếng kèm theo tiếng rít làm bố mẹ tưởng lầm là con bị hen. Sự thật trẻ chỉ bị ho nhẹ và có thể có tiếng khò khè ở phổi.
Trường hợp hen ở trẻ sơ sinh rất khó nhận ra vì dễ lầm với những cơn ho khan hoặc tiếng thở lấy hơi khi trẻ bú bình.
Cần làm gì khi trẻ lên cơn?
Nếu là lần đầu tiên đứa trẻ lên cơn, dù nhẹ, cũng phải đưa tới bác sĩ để nhận định về bệnh và tìm cách chữa trị đến nơi đến chốn. Trên đường đi, chỉ xoa ngực giúp trẻ dễ thở nhưng không được cho uống bất cứ thứ gì.
Nếu đã xác định được đứa trẻ bị hen và đây là cơn bình thường đã biết thì cho trẻ dùng thuốc hen loại ngậm hoặc phun vào miệng. Với các trẻ em dưới 3 tuổi, còn có loại dụng cụ úp vào mùi. Trẻ em từ 6 tuổi tới 8 tuổi có thể đã biết cách hít các loại thuốc ở dạng bột.
Sau mỗi lần dùng thuốc, lại tập thở ra hít vào từ 8-10 lần. Nếu dùng thuốc như vậy mà vẫn không ngắt được cơn thì phải đưa đi cấp cứu ngay.
Chuẩn đoán và điều trị bệnh hen.
Sau khi đã rõ tình trạng của đứa trẻ không phải do có vật lạ mắc trong cuống họng, không phải là bị ho hoặc viêm phổi, tùy theo sự nhận định về mức độ trầm trọng của căn bệnh, bác sĩ sẽ dùng thuốc phun vào miệng hoặc chích thuốc đặc trị, kể cả loại thuốc có cortisone.
Nếu cơn bệnh vẫn không thuyen giảm, đứa trẻ sẽ được giữ lại ở bệnh viện để cho thở oxy, phun thuốc liên tục vào miệng hoặc chích thuốc đặc trị có corticoide, kèm theo sự săn sóc thường trực của các nhân viên y tế.
Khi cơn hen đã qua, bác sĩ thường khuyên gia đình về cách giữ gìn môi trường xung quanh như thế nào để tránh có tác động không tốt với bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ còn phải chú ý nghiên cứu về số lần lên cơn, về tình trạng bộ phận hô hấp của bệnh nhi để đề ra cách chữa trị lâu dài.