Mục lục [Ẩn]
Thời tiết trở lạnh đột ngột, nhiều gia đình sử dụng than hoa để đốt sưởi ấm. Tuy nhiên, đây là một việc làm rất nguy hiểm, có thể gây ngộ độc.
Đốt than trong phòng kín làm tăng nguy cơ ngộ độc.
Thời tiết trở lạnh, nhiều trường hợp ngộ độc do đốt than hoa sưởi ấm
Ngày 24/1, đại diện Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn chia sẻ đã tiếp nhận 3 trường hợp ngộ độc khí CO (Cacbon Monoxide) do đốt than hoa để sưởi ấm trong nhà.
Theo thông tin ban đầu, một người đàn ông (61 tuổi, ở huyện Lộc Bình) cùng vợ đốt than hoa sưởi ấm trong nhà khiến cả hai bị hôn mê. Hai bệnh nhân được người nhà phát hiện trong tình trạng gọi hỏi không đáp ứng. Các bác sĩ chẩn đoán cặp vợ chồng ngộ độc khí CO, được chỉ định điều trị thở máy, hồi sức tích cực.
Trường hợp khác là bệnh nhi 12 tuổi, vào viện khi lơ mơ, tím môi. Gia đình đã đốt than củi trong buồng kín cho trẻ đi tắm. Khoảng 40 phút sau, người thân gọi không thấy trẻ trả lời, mở cửa vào, phát hiện trẻ nằm bất tỉnh trong phòng tắm. Ngay khi vào viện, bệnh nhân được cho thở oxy dòng cao, điều trị tích cực nên đã hồi phục tốt. Đến chiều 24/1, bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe cơ bản ổn định.
Trước đó, vào ngày 5/1, có trường hợp người đàn ông 31 tuổi ở Sơn La đốt than hoa trong phòng kín để sưởi ấm rồi đi ngủ, rạng sáng được người thân phát hiện trong tình trạng bất tỉnh. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, suy thận, tổn thương cơ, với chẩn đoán ngộ độc khí CO, tổn thương não. Sau gần một tuần cứu chữa, bệnh nhân đã có ý thức, tỉnh hơn, nhưng có dấu hiệu tổn thương não hai bên, tổn thương cơ, suy thận.
Đốt than sưởi ấm - Nguy cơ ngộ độc cao
Khi chúng ta sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, khí oxy sẽ tiêu hao dần và khí CO độc hại tăng. Phòng càng kín thì sẽ hình thành khí CO càng nhiều. Khí CO tăng và oxy giảm là nguy cơ khiến người sưởi trong phòng kín nhanh chóng rơi vào hôn mê, tử vong.
Người bị ngộ độc khí CO có những biểu hiện sau:
- Với những trường hợp ngộ độc nhẹ, thường chỉ có biểu hiện nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi.
- Ngộ độc mức độ trung bình: Nạn nhân cảm thấy đau tức ngực, khó vận động, mờ mắt, khó thở, mạch đập nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ.
- Ngộ độc mức độ nặng: Đau ngực, đánh trống ngực, mất phương hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, nhồi máu cơ tim do thiếu hụt oxy. Bệnh nhân có thể bị ngất, môi và các đầu ngón tay, ngón chân tím tái, tay chân co cứng hoặc cử động bất thường.
Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân phải cấp cứu do đốt than hoa trong phòng kín.
40% người bị ngạt khí CO sẽ gặp các di chứng. Trong đó, di chứng thần kinh và tâm thần thường gặp trong nhiều trường hợp ngộ độc khí CO. Sau khi hồi phục bệnh nhân thay đổi tính tình, giảm trí nhớ, mất tập trung, liệt nửa người, cử động bất thường, đi lại khó khăn, vận động chậm chạp, chân tay cứng và run, liệt các cơ mặt.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không sưởi than củi và đóng kín cửa trong nhà, hoặc sưởi than củi để tắm cũng rất nguy hiểm.
Nên làm thế nào khi có người nhiễm độc khí CO?
Người bị ngộ độc khí CO thường ở trong phòng đóng kín cửa và đốt than. Nếu thấy bệnh nhân ngất xỉu, người nhà cần khẩn trương mở các cửa để thoát khí ra ngoài và đưa nạn nhân ra khỏi vùng nhiễm độc sau đó nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, thì lập tức thực hiện phương pháp hồi sức miệng, hà hơi thổi ngạt. Nếu nạn nhân bất tỉnh, đặt người bệnh nằm nghiêng, vừa hô hấp nhân tạo vừa đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Hà hơi thổi ngạt nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở
Người thực hiện sơ cứu cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn cho bản thân mình.
Trên đây là những thông tin về sự nguy hiểm của ngộ độc khí than. Sưởi ấm bằng than tuy tiết kiệm chi phí nhưng đây là cách rất nguy hiểm, nhất là khi bạn đang trong phòng kín. Nếu không kịp thời nhận ra hoặc đang trong lúc ngủ có thể dẫn đến tử vong. Do đó các bạn cần lưu ý tìm những cách giữ ấm khác an toàn hơn để không gây hại cho bản thân và gia đình. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- 3 việc nên làm để phòng bệnh khi trời rét hại
- Phế cầu khuẩn vào mùa, người dân cần chủ động tiêm chủng ngừa viêm phổi