Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

WHO: Người Việt đang uống quá nhiều rượu bia

Thứ hai, 23-09-2024 14:37 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tình trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là ở giới trẻ. Năm 2010, một người Việt tiêu thụ trung bình 6,6 lít cồn nguyên chất, đến năm 2019 con số này tăng lên 9,3 lít. Trong khi gánh nặng bệnh tật do rượu bia tại  các nước khác khu vực Đông Nam Á đang đi ngang thì ở Việt Nam lại gia tăng rất nhanh.

 

Người Việt đang uống quá nhiều rượu bia.

Người Việt đang uống quá nhiều rượu bia.

 

WHO: Người Việt đang uống quá nhiều rượu bia

   Theo Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ ngày 20/9 tại hội thảo: Năm 2010, một người Việt tiêu thụ trung bình 6,6 lít cồn nguyên chất, đến năm 2019 con số này tăng lên 9,3 lít - tăng gần gấp đôi so với mức trung bình của toàn cầu. Mức tiêu thụ rượu bia như vậy ở Việt Nam là quá nhiều.

   Theo chuyên gia này, mức tiêu thụ rượu bia tại nước ta hiện nay đang "tăng dựng đứng", "tăng quá nhanh", trong khi tình hình sử dụng rượu bia trên thế giới có xu hướng giảm chung.

   Cụ thể, trong khi năm 2010, Việt Nam ghi nhận 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày, thì đến năm 2015, tỷ lệ này tăng tới 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

   Như vậy, trung bình trong một năm, mỗi nam giới trưởng thành sẽ uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất. Cũng theo số liệu của Bộ Y tế vào năm 2015, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc.

 

Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam (Nguồn: WHO).

 

   Tuy đứng thứ 15 trên thế giới về dân số, nhưng theo thống kê của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), hiện nước ta đã lọt nhóm 10 thị trường bia lớn nhất thế giới.

   Đi kèm với đó là gánh nặng bệnh tật do rượu bia ở Việt Nam tăng nhanh trong khi tại các nước Đông Nam Á đi ngang. Ước tính sử dụng rượu bia gây ra 46.000 ca tử vong trong năm 2021. Theo số liệu mới nhất do WHO về tỷ lệ thiệt mạng và bệnh tật do bia rượu, Việt Nam đứng nhóm 4 về mức độ nặng nề. WHO chia 5 nhóm, trong đó 1 là nhóm có gánh nặng bệnh tật và thiệt mạng do rượu thấp nhất thế giới, 5 là nhóm cao nhất.

   Theo các chuyên gia, tiêu thụ rượu bia tăng cao do giá rượu bia không tăng kịp so với thu nhập, nhìn chung giá có xu hướng giảm.

 

Tác hại của rượu bia với sức khỏe

   Khoa học hiện đại đã phát hiện ra rằng, tác hại của rượu bia là do các thành phần chuyển hóa của nó trong cơ thể gây ra, điển hình là acetaldehyde. Chúng tác động và gây hại đến nhiều bộ phận, cụ thể là:

Tại gan

   Gan là nơi chuyển hóa chủ yếu chất cồn từ rượu, bia trong cơ thể thành chất độc hại là acetaldehyde. Nếu lượng rượu ít, gan tiếp tục phân giải acetaldehyde thành chất không độc hại là acid acetic (giấm ăn).

   Thế nhưng, trên bàn nhậu, cánh mày râu thường chén tạc chén thù, không say không về. Khi rượu bia vào nhiều sẽ gây nặng gánh cho gan, dần dần có thể gây gan nhiễm mỡ độ 1, độ 2, độ 3, xơ gan, thậm chí ung thư gan.

Gây các bệnh ở đường tiêu hóa

   Việc uống rượu bia thường xuyên sẽ gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, tăng nguy cơ viêm loét dạ dày - tá tràng. Bởi vậy, những người uống rượu lâu năm thường mắc các bệnh về đường tiêu hóa, thể trạng gầy yếu, dễ suy dinh dưỡng.

Tác động đến hệ thần kinh

   Acetaldehyd tăng cao trong máu sẽ tác động và gây độc cho hệ thần kinh với các biểu hiện say xỉn như: Chóng mặt, đau đầu, không kiểm soát được hành vi, lời nói, khả năng giữ cân bằng cơ thể kém…

   Trong thời gian dài, nó gây thoái hóa chất trắng, bao myelin, dẫn đến suy giảm trí nhớ, loạn thần, viêm dây thần kinh ngoại biên gây tê bì chân tay. Nếu dùng rượu bia với liều lượng cao sẽ gây loạn thần, nói sảng, rối loạn hành vi, gây tác động xấu đến an ninh xã hội.

Gây tai nạn giao thông

   Tác hại này là hệ lụy của tình trạng hệ thần kinh bị đầu độc, khiến người uống mất khả năng kiểm soát hoạt động cơ thể, đi đứng xiêu vẹo... Đặc biệt, sau khi có chất cồn trong cơ thể, tính cách của người uống thường rất cố chấp, tự tin bản thân vẫn tham gia giao thông được. Từ đó, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra vì người uống rượu bia không làm chủ được tay lái, phóng xe nhanh, chạy ẩu.

Suy giảm khả năng sinh lý nam giới

   Việc uống quá nhiều rượu khiến cơ thể phái mạnh giảm sản xuất testosterone. Đây là loại hormone sinh dục quan trọng nhất, quyết định khả năng sinh lý của nam giới. Khi cơ thể thiếu testosterone, phái mạnh dễ bị suy giảm sinh lý với các biểu hiện: Rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, giảm ham muốn… Rượu bia còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn cho nam giới.

 

Tác hại của rượu bia với sức khỏe.

Tác hại của rượu bia với sức khỏe.

 

    Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật và tai nạn nguy hiểm do sử dụng rượu, bia, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:

  • Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Trong trường hợp có uống thì không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. (1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén  rượu mạnh 30ml (40%).
  • Không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
  • Dưới đây là một số khuyến nghị đối với người có uống rượu, bia trong dịp lễ, Tết:
  • Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống.
  • Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc.
  • Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
  • Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,…  Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia. 

   Việc sử dụng rượu, bia ở mức có hại là yếu tố chính góp phần vào gánh nặng các bệnh không lây nhiễm. Nó cũng là một yếu tố nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ, bạo lực và thương tích. Vì vậy, mỗi người dân nên hạn chế uống rượu, bia, bảo vệ sức khỏe bản thân. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222