Mục lục [Ẩn]
Khi người bệnh gút không kiểm soát tốt axit uric máu, họ sẽ phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng, điển hình là hạt tophi. Nó không chỉ cản trở quá trình vận động mà còn phá hủy khớp, tàn phế, nhiễm trùng. Vậy cụ thể, hạt tophi là gì? Cách xử lý ra sao?
Hạt tophi là gì?
Hạt tophi là gì?
Hạt tophi là những cục u nhỏ, xuất hiện ở dưới da, được hình thành do sự lắng đọng muối urat ở các tổ chức. Chúng là biến chứng thường gặp nhất ở người bệnh gút.
Bệnh gút xảy ra do cơ thể rối loạn chuyển hóa, làm tăng axit uric máu. Theo thời gian, axit uric chuyển thành muối urat và tủa lại ở các tổ chức. Tại khớp, muối urat gây cơn đau gút cấp, khiến người bệnh đau đớn dữ dội. Khớp sưng đỏ, bỏng rát. Tình trạng này sẽ thuyên giảm nhanh sau khi họ dùng thuốc colchicin.
Nếu axit uric cứ tăng cao kéo dài, cơn gút cấp sẽ tái phát thường xuyên. Đồng thời, hạt tophi dần xuất hiện.
Đặc điểm hạt tophi
Theo cảm quan, hạt tophi trông như khối u nhỏ, mọc gồ lên trên da. Khi mới hình thành, chúng thường có màu trắng, nhỏ, có thể di động. Về sau, muối urat được tạo thành và tích tụ nhiều ở các mô sẽ làm hạt tophi lớn dần lên thành cục u cứng, cố định ở một vị trí. Bên trong hạt tophi thường chứa dịch lỏng, sệt hoặc tinh thể rắn giống bã đậu.
Vị trí xuất hiện hạt tophi bao gồm: Vành tai, mỏm khuỷu, cạnh các khớp tổn thương ở bàn chân, bàn tay và cổ tay.
Hạt tophi có nguy hiểm không?
Hạt tophi có nguy hiểm không?
Khi hạt tophi xuất hiện, chúng sẽ cản trở vận động bình thường của bệnh nhân gút, khiến họ gặp khó khăn trong việc đi lại. Kích thước hạt càng to, người bệnh càng khổ sở.
Hơn nữa, hạt tophi kích thước lớn còn gây biến dạng khớp. Nếu chúng to quá mức, phần da và phần cơ bao bọc chúng không chịu đựng được nữa sẽ vỡ ra và gây nhiều hậu quả nguy hiểm:
- Nhiễm trùng: Lượng muối urat rò rỉ ra khỏi hạt tophi sẽ khiến vết thương khó lành. Vi khuẩn dễ xâm nhập vào trong khớp gây nhiễm trùng khớp, nhiễm khuẩn huyết.
- Tàn phế khớp: Hệ lụy nhiễm trùng nếu không được xử lý kịp thời, bệnh nhân sẽ bị lở loét, tổn thương khớp nghiêm trọng. Nhiều trường hợp bắt buộc phải tháo khớp hoặc cắt cụt chi.
Không chỉ vậy, muối urat còn có thể lắng đọng ở các cơ quan khác như thận, tim, mạch máu, màng não... gây các biến chứng tại cơ quan đó như suy thận, đột quỵ đe dọa tính mạng người bệnh.
Cách chẩn đoán hạt tophi
Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán hạt tophi thông qua việc khám lâm sàng và khai thác tiền sử.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ soi dịch trong hạt tophi dưới kính hiển vi để xem có tinh thể muối urat hay không.
Nếu cần thiết, họ sẽ đề nghị người bệnh kiểm tra bằng một số phương pháp như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để đánh giá các hạt có kích thước lớn và mức độ thương tổn của xương, sụn khớp. Từ đó, họ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Soi dịch hạt tophi sẽ có tinh thể muối urat
Cách xử lý hạt tophi
Cách xử lý hạt tophi phụ thuộc vào kích thước của nó, cụ thể:
Với hạt tophi nhỏ
Các hạt tophi nhỏ thường không gây đau đớn, không cản trở nhiều đến hoạt động của người bệnh. Bởi vậy, cách xử lý thường là sử dụng thuốc hạ axit uric để ngăn nó phát triển thêm.
Các loại thuốc thường được dùng để hạ axit uric máu gồm có:
- Allopurinol, Febuxostat: Hai thuốc này có tác dụng ức chế cơ thể sản xuất axit uric, từ đó làm giảm nồng độ loại axit này trong máu. Tuy nhiên khi sử dụng các thuốc này, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, phát ban, hoại tử thượng bì, rụng tóc, suy tủy với giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu, viêm gan, vàng da, viêm mạch, suy thận tiến triển và tử vong…
- Pegloticase hoặc Rasburicase: Đây là nhóm thuốc hủy urat. Bản chất của nhóm thuốc này là kháng nguyên, nên cơ thể có thể sinh kháng thể chống lại chúng, làm giảm tác dụng của thuốc. Hơn nữa, bệnh nhân có thể gặp sốc phản vệ khi dùng nhóm thuốc này.
Ngoài ra, người bệnh gút cũng cần hạn chế các thực phẩm làm tăng axit uric máu như:
- Thịt đỏ: Thịt bò, thịt chó, thịt dê…
- Hải sản: Tôm, cua, cá biển…
- Nội tạng động vật: Gan, lòng, dạ dày…
- Các loại rau có tốc độ tăng trưởng nhanh như nấm, giá đỗ, măng tây…
- Rượu bia.
Với hạt tophi kích thước lớn
Trong trường hợp hạt tophi to và có nguy cơ cao bị vỡ, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định phương pháp phẫu thuật. Đây là cách chữa hạt tophi hiện đại và nhanh chóng, giúp người bệnh loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể.
Các phương pháp phẫu thuật tophi hiện nay bao gồm:
- Phẫu thuật cắt hạt tophi: Mục tiêu khi thực hiện phương pháp này đó là cắt hạt tophi, loại bỏ tối đa các cặn muối urat ở trong khớp. Cụ thể, bác sĩ sẽ rạch vết mổ trực tiếp ở những nơi có hạt tophi rồi loại bỏ và làm sạch chúng. Tuy nhiên, phẫu thuật cũng gây nhiều di chứng như: Đau đớn kéo dài, vết thương lâu lành, nhiễm trùng…
- Phẫu thuật hợp nhất khớp: Nếu hạt tophi đã phá hủy khớp và tạo ra những tổn thương vĩnh viễn, bác sĩ sẽ thực hiện nối các khớp hợp nhất lại với nhau. Phương pháp này sẽ giúp giảm đau và ổn định các phần khớp còn lại, tránh để hạt tophi gây tổn thương thêm. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, khớp có thể trở nên kém linh hoạt, bệnh nhân bị hạn chế vận động.
- Phẫu thuật thay khớp: Khi các tổn thương khớp đã quá nghiêm trọng và việc thực hiện hai phương pháp trên không còn ý nghĩa thì bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật thay khớp. Bác sĩ sẽ tiến hành thay khớp nhân tạo cho bệnh nhân để giảm đau và duy trì việc vận động hàng ngày.
Thực tế, các phương pháp phẫu thuật nêu trên không tác động đến bản chất hạt tophi là do axit uric máu tăng cao kéo dài. Bởi vậy, chúng sẽ lại xuất hiện ở các khớp khác. Không những thế, chi phí cho mỗi ca phẫu thuật cắt tophi cũng rất tốn kém. Do đó, phương pháp này chỉ được áp dụng khi bệnh nhân điều trị bằng nội khoa thất bại.
Đến đây, hy vọng các bạn đã biết rõ hơn về hạt tophi - biến chứng thường gặp nhất ở người bệnh gút. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 0243.766.2222. Cảm ơn các bạn!
XEM THÊM:
- Các bệnh xương khớp dễ gặp ở dân văn phòng
- Ngộ độc khí trong đám cháy nguy hiểm thế nào? Cách phòng ngừa