Mục lục [Ẩn]
Trong bối cảnh dân số toàn cầu già đi, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và các biến chứng liên quan đến nó tiếp tục tăng. Trong đó, teo cơ là vấn đề mà người bệnh tiểu đường cần đặc biệt quan tâm. Các chuyên gia đã cảnh báo nhiều tác động tiêu cực của tình trạng teo cơ lên người bệnh tiểu đường tuýp 2, đặc biệt là đối tượng bệnh nhân lớn tuổi.
Biến chứng teo cơ ảnh hưởng thế nào đến bệnh nhân tiểu đường?
Teo cơ ở người bệnh tiểu đường là gì?
Teo cơ là tình trạng suy giảm khối lượng và sức mạnh của cơ. Đây là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Theo nghiên cứu trên 6.381 người lớn trong độ tuổi trên 50, tỷ lệ teo cơ ở người mắc tiểu đường tuýp 2 là 28%.
Một nghiên cứu khác được đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ cho thấy, người bệnh tiểu đường có nguy cơ bị teo cơ gấp 3,06 lần so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Tỷ lệ này đã được điều chỉnh theo độ tuổi, giới tính, BMI, tiền sử hút thuốc, uống rượu, hoạt động thể chất, thuốc, tiền sử tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.
Bệnh teo cơ do đái tháo đường thường khởi phát trong thời gian ngắn, ảnh hưởng đến cơ vùng đùi, hông, mông, chân, gây đau, yếu cơ. Các đặc điểm chính của bệnh này là:
- Yếu chi dưới, mông hoặc hông.
- Teo cơ (thường gặp ở trước đùi).
- Đau ở đùi, hông, mông hoặc lưng (đôi khi đau dữ dội).
Một số bệnh nhân tiểu đường teo cơ có triệu chứng thay đổi cảm giác và ngứa ran ở đùi, hông hoặc mông, sụt cân. Các triệu chứng teo cơ thường ở một bên rồi lan sang bên còn lại của cơ thể. Tình trạng này diễn ra nhanh hoặc chậm hơn, thường không đối xứng.
Nguyên nhân gây teo cơ ở bệnh nhân tiểu đường
Teo cơ là tình trạng khá phổ biến ở người bệnh tiểu đường. Những nguyên nhân gây ra tình trạng này được biết đến như:
Tuổi tác
Mức độ và tốc độ mất đi khối lượng cơ tăng dần theo tuổi tác của người bệnh tiểu đường. Khối lượng cơ giảm kết hợp với tăng tích tụ mỡ và loãng xương gây không ít khó khăn cho người bệnh tiểu đường trong sinh hoạt hàng ngày.
Tổn thương mạch máu
Ở người bệnh tiểu đường, các mạch máu bị tổn thương do xơ vữa, lòng mạch bị hẹp hoặc xuất hiện huyết khối khiến mạch máu bị tắc nghẽn. Mạch máu bị tắc nghẽn khiến các cơ không được nuôi dưỡng đầy đủ, dần dần sẽ dẫn tới mất khối lượng cơ.
Tổn thương mạch máu diễn biến âm thầm, kèm theo tâm lý chủ quan khiến cho người bệnh dễ bỏ qua giai đoạn đầu của tình trạng teo cơ.
Minh họa tình trạng teo cơ.
Chế độ sinh hoạt không hợp lý
Một số người bệnh tiểu đường có lối ăn uống kiêng khem quá mức khiến cho cơ bắp không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển.
Người bệnh tiểu đường dễ gặp phải các vấn đề về tim mạch và xương khớp, khiến họ nhanh bị mất sức. Vì vậy, những vận động thể lực thường bị bỏ qua, gây hạn chế việc hấp thu chất dinh dưỡng để nuôi cơ.
Bệnh teo cơ ảnh hưởng thế nào đến bệnh nhân tiểu đường?
Để tìm hiểu tác động của teo cơ đến bệnh nhân tiểu đường, một nghiên cứu từ Khoa Lão khoa tại Bệnh viện Cao đẳng Y khoa Liên hợp Bắc Kinh trên 244 bệnh nhân cao tuổi bị tiểu đường tuýp 2 đã được tiến hành. Nghiên cứu này tập trung về nguy cơ tàn tật nặng, tái nhập viện và tử vong do mọi nguyên nhân của bệnh nhân tiểu đường bị teo cơ.
Với thời gian theo dõi trung bình là 5,6 năm, kết quả cho thấy:
- 25,4% bệnh nhân tiểu đường cao tuổi bị teo cơ.
- Người bị teo cơ có khả năng bị tàn tật nghiêm trọng cao gấp 4,7 lần so với những bệnh nhân tiểu đường không bị teo cơ.
- Nguy cơ nhập viện của bệnh nhân tiểu đường bị teo cơ cao gấp 1,7 lần so với những bệnh nhân tiểu đường khác.
- Nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào của bệnh nhân tiểu đường có biến chứng teo cơ cao gấp 2,3 lần những bệnh nhân tiểu đường khác.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy bệnh nhân tiểu đường bị teo cơ có tình trạng dinh dưỡng kém hơn, tỷ lệ tiểu không tự chủ cao hơn và nguy cơ té ngã cao hơn.
Biện pháp phòng ngừa tình trạng teo cơ ở người bệnh tiểu đường
Để hạn chế dược tình trạng teo cơ, người bệnh tiểu đường nên thực hiện những biện pháp như:
Thiết lập chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Để duy trì được khối lượng cơ, người bệnh tiểu đường cần duy trì chế độ dinh dưỡng với nhiều protein, vitamin và khoáng chất.
Protein là thành tố chính để tạo nên cơ bắp, có nguồn gốc từ cả thực vật và động vật. Để tốt cho sức khỏe tổng thể người bệnh nên lựa chọn nguồn protein từ những loại thực phẩm sau:
- Các loại cá, hải sản: Cá hồi, tôm, cua bể,…
- Các loại thịt trắng: ức gà bỏ da,…
- Các loại đạm từ thực vật: Đậu, ngũ cốc,…
- Một số nguồn khác: trứng, sữa (tách kem, tách béo),…
Những loại thực phẩm trên không chỉ cung cấp protein mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác như: Omega-3, acid folic, vitamin A, chất xơ,… rất có lợi cho sức khỏe người bệnh tiểu đường.
Duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý
Chế độ vận động hợp lý không chỉ giúp duy trì cơ bắp mà còn giúp kiểm soát cân nặng, cải thiện chức năng xương khớp, tuần hoàn và tim mạch. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, người bệnh tiểu đường nên hoạt động ít nhất 150 phút/ tuần, tức 30 phút/ ngày x 5 ngày/ tuần. Một số bài vận động nhẹ nhàng phù hợp với bệnh nhân tiểu đường là: Đạp xe, bơi lội, đi bộ, yoga, thể dục dưỡng sinh,…
Người bệnh tiểu đường nên tập thể dục thường xuyên.
Tập luyện thường xuyên còn giúp cải thiện tâm trạng, giúp người bệnh tiểu đường giảm stress và giữ tinh thần luôn thoải mái.
Teo cơ là một biến chứng gây nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh tiểu đường. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích để ngăn ngừa biến chứng này. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!