Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Hangxiety - Cảm giác lo lắng khi say rượu

Thứ sáu, 17-01-2025 14:33 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Sau một đêm uống rượu, bạn có bao giờ thức dậy với cảm giác lo lắng hoặc bồn chồn về những gì đã xảy ra đêm trước, bao gồm tim đập nhanh, u sầu và lo lắng không kiểm soát... Nếu bạn cũng gặp tình trạng này thì bạn không đơn độc, cảm giác lo lắng khi say rượu - Hangxiety (Hangover Anxiety) là một tình trạng phổ biến sau khi say rượu, giống như các triệu chứng khác về thể chất như đau đầu, buồn nôn,...

 

Thế nào là cảm giác lo lắng khi say rượu?

Thế nào là cảm giác lo lắng khi say rượu?

 

Lo lắng do say rượu là gì?

   Lo lắng khi say rượu là trạng thái một người cảm thấy buồn bã, lo lắng hoặc bồn chồn một cách bất thường sau một đêm uống rượu. Trạng thái này là tác dụng phụ thường gặp của việc uống rượu nhiều hơn mức mà cơ thể có thể xử lý được.

   Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trạng thái lo lắng do say rượu, như:

  • Biến động chất dẫn truyền thần kinh: Ban đầu, việc uống rượu làm tăng sản xuất dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến hạnh phúc và thư giãn. Khi cơ thể giải phóng nhiều dopamin, bạn sẽ có cảm giác thích thú, hưng phấn và tràn đầy năng lượng.Tuy nhiên, khi cơ thể bắt đầu chuyển hóa và đào thải rượu, nồng độ dopamine sẽ giảm rất nhanh. Sự sụt giảm đột ngột này rất dễ dẫn đến cảm giác chán nản và lo lắng.
  • Tác động lên nồng độ GABA trong não: Khi uống rượu, nồng độ GABA trong não tăng lên, đây là chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác bình tĩnh khiến chúng ta cảm thấy bình tĩnh. Tuy nhiên, khi rượu hết tác dụng, não sẽ cố gắng điều chỉnh lại trạng thái này bằng cách làm giảm nồng độ GABA khiến chúng ta cảm thấy lo lắng hơn.
  • Tăng mức độ Cortisol: Cortisol là một loại hormone căng thẳng, thường bắt đầu tăng vào nửa sau của đêm, đạt đỉnh vào sáng sớm, giảm dần trong suốt cả ngày và đạt mức thấp nhất vào nửa đầu của giấc ngủ. Uống nhiều rượu làm gián đoạn quá trình này bằng cách làm tăng mức cortisol và ngăn không cho nó giảm xuống như bình thường. Cortisol tăng cao khiến các tế bào thần kinh hoạt động nhiều hơn, tạo cảm giác lo lắng và bồn chồn.
  • Rối loạn giấc ngủ: Nhiều người thường cho rằng rượu giúp chúng ta dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế nó lại làm giảm đáng kể chất lượng giấc ngủ. Rượu làm giảm thời gian dành cho giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) - ảnh hưởng đến sự cân bằng cảm xúc và nhận thức, làm trầm trọng thêm cảm giác lo lắng.
  • Hối tiếc và lo lắng về những gì đã xảy ra khi say: Đôi khi, chúng ta thức dậy với ký ức mơ hồ về những gì khi say rượu, bạn lo lắng khi nghĩ về những gì đã làm trong cơn say và hối hận nếu lỡ làm gì đó không đúng đắn như lái xe khi say rượu, gây gổ với người thân, bạn bè,.... Khi say, con người thường khó tỉnh táo để làm chủ bản thân mình và dễ gây ra những điều khiến mình phải hối tiếc sau này.

 

Lái xe khi say rượu dễ dẫn đến những hiệu quả đáng tiếc.

Lái xe khi say rượu dễ dẫn đến những hiệu quả đáng tiếc.

 

Các mẹo để tránh tình trạng lo lắng khi say rượu

   Dưới đây là một số mẹo giúp bạn ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng lo lắng khi say rượu:

Kiểm soát lượng rượu bạn uống vào

    Một trong những cách hiệu quả nhất để tránh tình trạng lo lắng khi say rượu là kiểm soát lượng rượu bạn uống vào. Trong trường hợp cần uống rượu, chúng ta không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày đối với nam và một đơn vị cồn/ngày đối với nữ, không nên uống quá 5 ngày/tuần. Cụ thể, đối với nam không nên uống quá 1-1,5 chai/lon bia/ngày, 2 cốc bia/ngày và không quá 2 ly rượu vang/ngày, 2 ly rượu (40 độ)/ngày. Nữ thì bằng một nửa của nam và cũng không uống quá 5 ngày/tuần.

Giữ đủ nước

   Rượu là chất lợi tiểu, rất dễ dẫn đến mất nước và làm trầm trọng thêm cảm giác lo lắng khi say rượu. Để khắc phục điều này, bạn nên uống nhiều nước trước, trong và sau khi uống rượu. Bạn hãy cân nhắc sử dụng các loại đồ uống bổ sung điện giải để cân bằng tốt hơn.

Đảm bảo dinh dưỡng trước và sau khi uống rượu

    Ăn uống đầy đủ trước khi uống rượu để giúp làm chậm quá trình hấp thụ rượu vào máu, có thể làm giảm tác dụng của rượu. Bổ sung các thực phẩm giàu protein, chất béo và carbohydrate phức tạp mang lại hiệu quả rất tốt trong trường hợp này.

   Sau khi uống rượu, bạn nên ăn thực phẩm bổ dưỡng để giúp phục hồi sự cân bằng của cơ thể và cải thiện tâm trạng. Bạn nên tập trung vào các bữa ăn giàu vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc.

Nghỉ ngơi đủ chất lượng

   Một điều quan trọng khác bạn cần lưu ý sau khi uống rượu là ngủ đủ giấc.  Điều này có thể đặc biệt khó khăn đối với những người uống rượu vì rượu là nguyên nhân gây gián đoạn giấc ngủ.

    Theo các chuyên gia, để nghỉ ngơi đầy đủ sau một đêm uống rượu, bạn hãy uống cách giờ đi ngủ khoảng vài tiếng. Nồng độ cồn trong máu khi đi ngủ càng thấp thì nó càng ít gây rối loạn.

 

Không uống rượu quá gần giờ đi ngủ.

Không uống rượu quá gần giờ đi ngủ.

 

   Bạn cần hiểu rằng, rượu chỉ giúp thư giãn, giảm căng thẳng trong khoảnh khắc uống rượu chứ không phải là một cách để đối phó với căng thẳng, stress hiệu quả. Khi say rượu, nhiều người phải đối mặt với cảm giác lo lắng nhiều hơn. Hy vọng các mẹo trong bài sẽ giúp bạn giảm bớt phần nào cảm giác lo lắng khi say rượu.

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222