Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Viêm mí mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Thứ năm, 12-10-2023 14:14 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Viêm mí mắt là căn bệnh ở mắt thường gặp và hay tái phát. Bệnh này gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc nhìn và cử động mí mắt. Vậy nguyên nhân gây ra bệnh viêm mí mắt là gì? Triệu chứng bệnh như thế nào? Làm sao để điều trị và phòng ngừa? Mời bạn theo dõi bài viết sau!

 

Viêm mí mắt là gì?

Viêm mí mắt là gì?

 

Viêm mí mắt là gì?

   Mí mắt là một hệ cơ quan phức tạp, gồm cơ vòng mi, sụn mi, mô dưới da, da, kết mạc để đảm nhiệm chức năng bảo vệ cho đôi mắt.  Bộ phận này có cấu tạo kín, có thể đóng mở hoàn toàn để bảo vệ mắt tốt hơn dưới tác động của môi trường cũng như điều tiết hoạt động cho mắt. Mi mắt khỏe mạnh dẻo dai sẽ giúp mắt tránh được các tác nhân có hại từ bên ngoài.

  Viêm mí mắt là tình trạng mí mắt bị viêm, nhiễm trùng gây sưng, ngứa vùng mắt, đặc biệt vùng gần lông mi. Đây là bệnh mạn tính nhưng không gây ảnh hưởng đến thị lực và không lây nhiễm.

   Dựa vào vị trí mí mắt bị viêm, người ta phân loại viêm bờ mi thành 3 loại sau:

  • Viêm mí mắt trước: Bệnh nhân bị viêm mặt trước của mí mắt, nơi lông mi mọc ra gây sưng, đỏ hơn bị thường và có gỉ trên lông mi.
  • Viêm mí mắt sau: Bệnh nhân bị viêm ở mép trong của mí mắt, thường xảy ra do tuyến dầu ở mí mắt bị tắc nghẽn.
  • Viêm mí mắt hỗn hợp: Bệnh nhân bị cả viêm mí mắt trước và viêm mí mắt sau.

 

Nguyên nhân gây viêm mí mắt

Nguyên nhân gây viêm mí mắt trước

   Một số nguyên nhân gây viêm bờ mi trước là:

  • Nhiễm trùng: Thường do tụ cầu Staphylococcus gây ra. Vi khuẩn này thường có ở da, mắt, mũi, mông, nách.
  • Viêm da tiết bã: Viêm da tiết bã gây ra gàu, gàu bong ra dính vào mắt gây kích ứng mí mắt và viêm.
  • Khô mắt: Mắt bị khô làm giảm sức đề kháng, vi khuẩn dễ tấn công và gây viêm.
  • Ký sinh trùng: Ký sinh trùng như rận hoặc ve làm chặn các nang, tuyến lông mi trong mắt, gây tắc nghẽn và viêm bờ mi.
  • Dị ứng: Do kính áp tròng, thuốc nhỏ mắt hoặc trang điểm khiến mí mắt bị kích ứng gây viêm.

Nguyên nhân viêm mí mắt sau

   Bệnh nhân bị viêm mí mắt sau chủ yếu do rối loạn chức năng tuyến Meibomian (tuyến trong mí mắt có tác dụng tiết dầu lên bề mặt giúp mắt giữ được độ ẩm cần thiết). Tuyến meibomian bị viêm khiến dầu không tự chảy được dẫn đến viêm và nhiễm trùng.

 

Triệu chứng viêm mí mắt

   Một số triệu chứng thường gặp của viêm mí mắt:

  • Chảy nước mắt.
  • Mắt đỏ, khô, có cảm giác cộm, nóng hoặc châm chích trong mắt.
  • Mí mắt xuất hiện nhờn, ngứa, đỏ, sưng, bong da quanh mắt.
  • Lông mi dính vào nhau.
  • Bệnh nhân chớp mắt thường xuyên.
  • Nhạy cảm với ánh sáng, gió, bụi, mờ mắt…

 

Mắt bị viêm mí mắt

Mắt bị viêm mí mắt

 

Biến chứng viêm mí mắt

   Viêm mí mắt không nguy hiểm, tuy nhiên nó có thể dẫn tới các biến chứng sau:

  • Các vấn đề về lông mi: Viêm mí mắt có thể gây rụng lông mi hoặc lông mi phát triển bất thường.
  • Sẹo mắt.
  • Lẹo mắt: Viêm mí mắt gây viêm tới các tuyến Meibomian phát triển thành lẹo. Đây là hiện tượng viêm cấp của tuyến bã quanh chân lông mi hoặc tuyến lệ phụ ở chân các lông mi hướng ra phía bờ mi.
  • Chắp: Các tuyến Meibomian bị tắc nghẽn gây tình trạng viêm lộ tuyến và hình thành chắp. Chắp là một dạng khối u lành tính trên mí, sưng phồng xuất hiện ngay trên vùng bị tắc nghẽn các ống tuyến Meibomius.
  • Viêm kết mạc mạn tính: Viêm mí mắt có thể khiến bệnh nhân bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc) tái phát thường xuyên.
  • Tổn thương giác mạc: Tuyến Meibomian bị tắc khiến mắt khô làm tăng nguy cơ nhiễm trùng giác mạc. Ngoài ra, mí mắt bị viêm liên tục trong thời gian dài có thể gây kích ứng dẫn tới loét giác mạc.

 

Điều trị viêm mí mắt

Phương pháp điều trị

   Tùy vào mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp, như:

  • Vệ sinh mắt: Sử dụng dung dịch nước muối sinh lý 0.9% vệ sinh mắt trực tiếp hoặc sử dụng gạc đắp lên mắt. Vệ sinh nhỏ nước muối sinh lý từ 3 - 5 lần mỗi ngày cho đến khi triệu chứng mắt được kiểm soát.
  • Thuốc kháng sinh tại chỗ: Nếu bệnh nhân bị viêm mí mắt do nhiễm khuẩn hoặc đang bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh tại chỗ (dạng nhỏ hoặc mỡ tra mắt). Ngoài ra, bệnh nhân sử dụng thêm nước mắt nhân tạo để cải thiện tình trạng khô mắt.
  • Thuốc kháng sinh toàn thân: Trong trường hợp bệnh nhân sử dụng kháng sinh tại chỗ không có cải thiện nhiều, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc kháng sinh dạng uống.
  • Thuốc kháng viêm corticoid: Các bác sĩ sẽ cẩn trọng khi kê đơn corticosteroid để điều trị nhằm kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, đồng thời ngăn chặn những biến chứng tiềm ẩn có khả năng xuất hiện.
  • Đeo kính bảo vệ mắt: Mắt của bệnh nhân viêm mí mắt sẽ nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn. Do đó, bệnh nhân nên đeo kính bảo vệ để tránh bụi bẩn hay vi khuẩn xâm nhập.

Lưu ý khi điều trị

   Bệnh nhân bị viêm bờ mi nên chú ý những vấn đề sau trong quá trình điều trị:

  • Không trang điểm mắt cho đến khi kiểm soát được tình trạng viêm nhiễm để giảm kích ứng cho mí mắt.
  • Chườm ấm mắt: Sử dụng gạc y tế hoặc chiếc khăn sạch, làm ướt bằng nước ấm. Vắt nước và đắp lên mí mắt. Sau đó, bạn dùng miếng gạc sạch khác lau hết gỉ và dịch bám ở mí mắt. Bạn cần nhớ phải đảm bảo tay thật sạch khi chườm ấm mắt.
  • Bổ sung omega - 3 trong chế độ ăn uống giúp các tuyến trong mắt hoạt động tốt. Một số thực phẩm giàu omega - 3 là: Cá hồi, mỡ cá, hạt lanh, cá thu, cá trích, cá mòi, hàu…
  • Điều chỉnh lại chế độ ăn, kiêng những thực phẩm nhiều fructose và chất béo.
  • Không sử dụng kính áp tròng trong quá trình điều trị.
  • Tránh nặn, trích hay làm rách, xước vùng viêm vì nếu không được vệ sinh sạch sẽ dễ gây nhiễm trùng.
  • Ngủ đủ giấc để cho mắt có thời gian được nghỉ ngơi.
  • Không nên dùng nhiều điện thoại hay tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào mắt.

 

Làm sạch gỉ và dịch bám trên mí mắt

Làm sạch gỉ và dịch bám trên mí mắt

 

Phòng ngừa viêm mí mắt

   Một số biện pháp giúp bạn giảm nguy cơ bị viêm mí mắt là:

  • Giữ tay, mặt và da đầu sạch sẽ.
  • Không chạm vào mắt, không dùng tay dụi mắt.
  • Tẩy trang mắt sạch trước khi đi ngủ.
  • Lau sạch nước mắt hoặc thuốc nhỏ mắt dư và dính ở mi mắt bằng khăn giấy sạch.
  • Hạn chế đeo kính áp tròng, vệ sinh tay và kính sạch trước khi đeo.
  • Thay đổi đồ trang điểm mắt như bút kẻ mắt, bóng mắt, mascara khi sử dụng thời gian dài.

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh viêm mí mắt. Bệnh này mặc dù không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng có thể dẫn đến biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, nếu bạn thấy có những dấu hiệu bất thường trong bài, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm. Chúc bạn nhiều sức khỏe!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222