Mục lục [Ẩn]
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng không bình thường diễn ra ở đường tiêu hóa như nôn, buồn nôn, đau bụng… Hiện tượng này không chỉ gây phiền toái cho cuộc sống sinh hoạt mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị tích cực. Vậy nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa là gì?
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa?
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa là gì?
Rối loạn tiêu hóa thường xuất phát từ các nguyên nhân thường gặp dưới đây.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là một nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân thường có các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, sốt, vã mồ hôi. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị rối loạn thần kinh, tim mạch, nguy hiểm đến tính mạng.
Thực phẩm ôi thiu, không vệ sinh, chứa chất phụ gia, chất bảo quản cao quá mức an toàn, có độc tố mạnh như salmonella, staphylococcus, clostridium botulinum dễ dẫn đến ngộ độc.
Ăn quá nhiều, khó tiêu
Ăn quá nhiều thực phẩm dầu mỡ có thể dẫn đến khó tiêu, đau bụng, rối loạn tiêu hóa do hệ tiêu hóa chịu áp lực lớn. Do đó, bạn nên kiểm soát khẩu phần ăn hàng ngày, đảm bảo cân bằng các nhóm chất, ăn chậm, nhai kỹ.
Viêm dạ dày ruột, nhiễm trùng đường ruột
Viêm dạ dày ruột là bệnh lý về nhiễm trùng tiêu hóa gây nên hiện tượng tiêu chảy và một số triệu chứng khác như đau bụng hay buồn nôn. Các triệu chứng xảy ra sau vài giờ đến vài ngày. Nguyên nhân phổ biến là do sử dụng thức ăn, đồ uống có nhiễm vi khuẩn, virus, lây truyền mầm bệnh từ người bệnh khác.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý tiêu hóa phổ biến, có triệu chứng điển hình là cơn đau thắt bụng tái phát nhiều lần, kèm theo cảm giác khó chịu cho người bệnh. Để cải thiện bệnh này, bạn cần kiểm soát căng thẳng, thay đổi chế độ ăn uống, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, tập thể dục, uống thuốc theo chỉ định giúp cải thiện bệnh.
Căng thẳng
Hệ tiêu hóa cực kỳ nhạy cảm với sự thay đổi tâm trạng của con người. Dạ dày và ruột có nhiều tế bào thần kinh nên thường được coi hệ tiêu hóa chính là 1 bộ não nhỏ. Khi bị stress nặng, não sẽ sản sinh ra các hormone gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ tiêu hóa. Bệnh nhân thường có những triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội, chán ăn, buồn nôn và ói mửa, rối loạn đại tiện,...
Bệnh viêm ruột
Viêm ruột là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng viêm nói chung ở ruột gây ra do cả vi khuẩn lẫn virus. Viêm ruột gồm hai dạng chính là bệnh crohn và viêm loét đại tràng. Triệu chứng thường gặp như đau bụng, tiêu chảy, phân lẫn máu, sụt cân, viêm khớp, tổn thương mắt. Bệnh gây tổn thương đường tiêu hóa nghiêm trọng, cần chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc điều trị như thuốc kháng axit có chứa magie, kháng sinh, thuốc hóa trị, nhuận tràng, thuốc trị tiểu đường có thể gây kích ứng dạ dày, dẫn đến các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng,.... Các triệu chứng này thường hết sau vài ngày ngưng dùng thuốc. Người bệnh nên đi khám nếu đã ngưng sử dụng thuốc mà tình trạng vẫn kéo dài.
Uống nhiều rượu
Rượu làm tăng tốc độ co bóp đại tràng, giảm khả năng hấp thu nước ở đại tràng. Ngoài ra, một số loại rượu mạnh còn ảnh hưởng đến hệ vi sinh thường trú tại đường ruột, gây đau bụng, tiêu chảy, nôn ói. Do đó, uống nhiều rượu có thể dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Uống nhiều rượu cũng là một nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa
Mang thai
Thay đổi nội tiết tố, thói quen ăn uống trong thời gian mang thai dễ dẫn đến rối loạn đường tiêu hóa, thường xuyên đau bụng, tiêu chảy. Nếu các triệu chứng kéo dài nhiều ngày hoặc kèm theo bất thường như sốt, tiêu phân máu, đau bụng nghiêm trọng, thai phụ thì bà bầu nên đi khám càng sớm càng tốt nhé!
Làm sao để tránh bị rối loạn tiêu hóa?
Để phòng tránh rối loạn tiêu hóa, giữ gìn một hệ tiêu hóa khỏe mạnh bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Ăn uống hợp vệ sinh: Chọn lựa thực phẩm tươi ngon, sạch sẽ và an toàn, chế biến thực phẩm kỹ lưỡng, bảo quản thực phẩm cẩn thận.
- Chọn ăn thực phẩm tốt cho tiêu hóa: Với những người có hệ tiêu hóa yếu thì nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả.
- Tránh ăn quá no hoặc quá đói.
- Tránh sử dụng các thực phẩm, đồ uống gây kích ứng dạ dày như đồ cay nóng, cà phê, rượu bia…
- Uống nhiều nước cải thiện đường tiêu hóa.
- Tập thể dục tăng cường chức năng tiêu hóa.
Mong rằng bài viết sau đã giúp bạn đọc nắm được các nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa và cách phòng tránh bệnh. Rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau nên khi có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, người bệnh cần đi khám bác sĩ. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: