Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Tìm hiểu về vi khuẩn salmonella - Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm gần đây

Thứ sáu, 06-10-2023 15:06 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra mà nguyên nhân chính là do vi khuẩn salmonella. Vậy vi khuẩn salmonella là gì, có ở đâu? Các biểu hiện nhiễm khuẩn salmonella? Làm sao để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do Salmonella? Mời bạn theo dõi bài viết sau!

 

 Ngộ độc do vi khuẩn salmonella.

Ngộ độc do vi khuẩn salmonella.

 

Vi khuẩn salmonella là gì?

   Vi khuẩn salmonella là vi khuẩn Gram (-), thường khu trú trong ruột hay phân người và các loại động vật khác. Chúng ta dễ bị mắc bệnh nếu sử dụng nguồn nước hoặc thực phẩm chứa vi khuẩn này.

Salmonella có nhiều loại với khả năng gây bệnh khác nhau, như:

  • Vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn vào cơ thể qua đường tiêu hóa, xâm nhập vào ruột non. Sau đó chúng sẽ sinh sôi và giải phóng độc tố. Những độc tố này gây ra các triệu chứng tại đường tiêu hóa, hệ tim mạch và hệ thần kinh.
  • Một số chủng Salmonella gây nhiễm trùng đường tiêu hóa. Đây được gọi là tình trạng nhiễm độc thức ăn do Salmonella.

   Salmonella là loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm vô cùng nguy hiểm.

   Nó là thủ phạm khiến hàng trăm học sinh ở Nha Trang ngộ độc thực phẩm, trong đó một bé tử vong, hồi năm ngoái.

   Mới đây, ở Hội An có trường hợp 313 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phương. Theo tiến sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, nguyên nhân gây ngộ độc là thịt heo xíu và rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo trong bánh mì Phượng bị nhiễm khuẩn Salmonella.

   Trong một sự kiện mừng trung thu vào cuối tháng 9/2023, khoảng 50 người bị ngộ độc do bánh su kem, có một bé gái 6 tuổi đã tử vong. Mẫu xét nghiệm phân của hai trẻ bị ngộ độc cho thấy có vi khuẩn Salmonella.

 

Người mắc vi khuẩn Salmonella có biểu hiện gì?

   Không phải tất cả những người bị vi khuẩn Salmonella xâm nhập đều có triệu chứng. Những đối tượng có hệ miễn dịch, sức đề kháng kém có nhiều nguy cơ nhiễm Salmonella hơn và triệu chứng của bệnh nặng hơn. Các triệu chứng nhiễm khuẩn Salmonella thường bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi bị nhiễm khuẩn và kéo dài 4 - 7 ngày. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Người nôn nao, buồn nôn, nôn ói,...
  • Tiêu chảy: Phân lỏng, màu vàng hoặc nâu, có mùi khắm khó chịu, phân có thể lẫn máu. Tần suất tiêu chảy 4 - 6 lần/ ngày.
  • Sốt cao liên tục từ 39oC trở lên.
  • Chướng bụng và sôi bụng liên tục, đặc biệt ở vùng hố chậu phải.
  • Bạn có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu nhiễm độc thần kinh như: Ù tai, nói ngọng, mất ngủ, đau nhức đầu…
  • Phát ban nhỏ li ti khắp cơ thể, tập trung nhiều ở bụng, ngực và vùng mạn sườn. Các nốt ban xuất hiện khoảng 7 – 10 ngày thì lặn.
  • Cơ thể bủn rủn, li bì, đuối sức, mê sảng hoặc hôn mê.
  • Tiêu chảy quá nhiều dẫn tới mất nước. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

 

Vi khuẩn Salmonella lây nhiễm ra sao?

   Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều do sử dụng thực phẩm hoặc nước ô nhiễm có chứa vi khuẩn này, như:

Sử dụng thực phẩm và nguồn nước có chứa vi khuẩn Salmonella

   Các loại thực phẩm có thể chứa vi khuẩn Salmonella là:

  • Thịt gia súc, gia cầm: Vi khuẩn Salmonella có trong ruột động vật, chim chóc.
  • Hải sản: Hải sản có thể bị nhiễm vi khuẩn nếu sống trong môi trường nước ô nhiễm.
  • Sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng: Nếu sữa và sản phẩm sữa chưa tiệt trùng có thể chứa vi khuẩn này.
  • Trái cây và rau củ: Rau củ quả tươi có thể bị nhiễm khuẩn salmonella trong quá trình chăm sóc hoặc sơ chế làm sạch bằng nước.
  • Trứng sống hoặc nấu chưa chín: Gia cầm nhiễm bệnh có khả năng đẻ ra trứng chứa vi khuẩn salmonella (tồn tại trước khi vỏ được hình thành).

Thực phẩm được xử lý không đúng cách

   Quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh như rửa tay không kỹ trước khi chế biến, để chung thực phẩm sống với thực phẩm chín, thực phẩm chưa được nấu chín hoàn toàn,...

Lây nhiễm từ vật nuôi và các loại động vật khác

   Các loại vật nuôi, đặc biệt là chim và bò sát có thể mang salmonella trên lông, da và phân.

 

Phòng tránh ngộ độc do vi khuẩn Salmonella

   Để phòng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella, bạn cần chú ý phòng bệnh trong 3 vấn đề sau:

Đối với gia súc và gia cầm

  • Chú ý đề phòng bệnh tật cho vật nuôi, các loại gia súc, gia cầm.
  • Sau khi tiếp xúc với động vật và vật nuôi, bạn cần rửa tay, chân sạch sẽ với xà phòng.
  • Trước khi làm thịt động vật, phải đưa chúng đi kiểm tra thú y. Điều này càng làm tốt thì càng ít có cơ hội bán hoặc xuất ra các loại thịt đã nhiễm Salmonella.

Trong quá trình chế biến

  • Khi giết thịt, cần đảm bảo tính riêng rẽ để tránh lây lan vi khuẩn.
  • Rửa kỹ tất cả các bề mặt bếp, dao và các dụng cụ khác sau khi sử dụng;
  • Đun sôi thức ăn trước khi ăn là biện pháp tốt nhất.
  • Thịt đã ướp lạnh thời gian đun nấu phải kéo dài hơn bình thường, khi đun phải đảm bảo nhiệt độ sôi cả bên trong miếng thịt nên với các thực phẩm trong gia đình phải đun sôi ít nhất 5 phút.
  • Tuỳ theo loại thực phẩm mà thời gian đun sôi có thể phải kéo dài hơn.
  • Thức ăn còn thừa, thức ăn dự trữ phải đun lại trước khi ăn.

Trong bảo quản thức ăn

  • Với thức ăn để dành, sau khi nấu chín, để nguội, nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong.
  • Thức ăn chín đã lấy ra khỏi tủ lạnh thì phải ăn ngay, không để quá 4 giờ.
  • Bảo quản riêng rẽ thức ăn sống và thức ăn chín.
  • Không ăn thức ăn đã chế biến quá lâu (đặc biệt là đối với các loại thịt hay gây ra ngộ độc như thịt băm, pate).
  • Thịt nghiền mà không ướp lạnh ngay sau đó sẽ tạo điều kiện cho toàn bộ nguyên liệu nhiễm trùng mau chóng.
  • Không đặt thức ăn đã nấu chín lên đĩa trước đó đã đựng trứng sống hoặc nấu chưa chín, thịt, thịt gia cầm, hải sản.

 

Trong thịt gia cầm có thể chứa vi khuẩn Salmonella.

Trong thịt gia cầm có thể chứa vi khuẩn Salmonella.

 

Một số lưu ý khác

  • Đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, xử lý phân, rác triệt để, hợp vệ sinh, phòng chống ruồi.
  • Giữ nhà vệ sinh sạch sẽ, đi vệ sinh đúng nơi quy định, không sử dụng phân tươi để bón cây trồng.
  • Bảo đảm vệ sinh nơi ăn, tránh ruồi nhặng, chuột. Giám sát chế độ vệ sinh nơi ăn uống công cộng, vệ sinh dụng cụ và vệ sinh nhân viên thường xuyên.
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.
  • Khi đi ăn ở ngoài (ăn quán, cơm bụi, hàng rong, quà vặt, ăn chè, sinh tố... ở các quán cóc ven đường) cần chú ý không ăn ở những quán quá ẩm thấp, bụi bẩn, bàn ghế, bát đũa không sạch sẽ.
  • Rau ăn sống phải rửa sạch dưới vòi nước giúp trôi vi khuẩn, nên ngâm rau bằng thuốc tím.

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu hơn về vi khuẩn Salmonella và những triệu chứng ngộ độc do vi khuẩn Salmonella. Nếu thấy mình có các triệu chứng được nhắc đến trong bài, bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222