Mục lục [Ẩn]
Ngộ độc thực phẩm (dân gian còn gọi trúng thực) là một tình trạng khá phổ biến hiện nay. Trong nhiều trường hợp, nếu ngộ độc thức ăn không được nhận biết và xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm và cách sơ cứu.
Ngộ độc thực phẩm có những triệu chứng nào?
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm (Food poisoning) là tình trạng một người bị nhiễm phải độc tố sau khi ăn các thực phẩm nhiễm độc, thường là đồ ôi thiu, biến chất hay chứa quá nhiều chất phụ gia/ bảo quản,...
Các triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc thậm chí vài ngày sau khi ăn những thực phẩm không đảm bảo trên.
Ở mức độ nhẹ, ngộ độc thực phẩm gây ra rối loạn tiêu hóa và khiến người bệnh mệt mỏi. Với trường hợp nặng, các triệu chứng xuất hiện rầm rộ, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Thức ăn gây ngộ độc thường là những thực phẩm bị nhiễm độc do các sinh vật truyền nhiễm như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc độc tố của chúng.
Vi khuẩn
Đây là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất. Một số vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến là:
- Salmonella: Đây là vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn, nhức đầu, choáng váng, sốt, tiêu chảy. Người bệnh thường nhiễm Salmonella do ăn gia cầm hoặc trứng chưa nấu chín, sữa và nước trái cây chưa được tiệt khuẩn, ăn trái cây hoặc rau quả bị ô nhiễm. Để phòng chống vi khuẩn này, bạn nên ăn chín và uống sôi.
- E.Coli: Thường có trong thịt gia súc, đặc biệt là những động vật nhai lại như trâu, bò, dê,...Người bệnh có triệu chứng sốt, tiêu chảy và nôn. E.Coli còn gây ra nhiều tác hại khác như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu,...
- Độc tố tụ cầu Staphylococcus: tồn tại trong sữa, thịt gia cầm chưa nấu chín. Bệnh nhân bị chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mạch đập nhanh, tiêu chảy.
- Vi khuẩn Clostridium botulinum: có nhiều trong thịt cá bị ươn, ôi thiu. Độc tố này phá hủy hệ thần kinh trung ương và hành tủy, gây tử vong.
- Độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum: Gặp nhiều ở thực phẩm đóng hộp, rau củ quả, thịt, hải sản không được chế biến đúng cách. Ở Việt Nam đã có trường hợp tử vong do độc tố botulinum.
Vi khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc thực phẩm
Ký sinh trùng
Một số ký sinh trùng gây ngộ độc thực phẩm thường gặp là:
- Ký sinh trùng Toxoplasma: Do ăn thịt chưa nấu chín có chứa mô nang.
- Sán lá gan nhỏ trong các món ăn chế biến từ gỏi cá sống, cá nướng, ốc chưa luộc chín.
Virus
Ngộ độc thực phẩm cũng có thể do các loại virus như virus viêm gan A và Norwalk. Chúng sống trong các loại thực phẩm như rau sống, thức ăn chế biến nguội; các loại nhuyễn thể như sò, ốc, hến sống ở vùng nước bẩn.
Nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân trên ngộ độc thực phẩm còn do:
- Các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân, selenium…. trong thực phẩm.
- Rau, củ, quả, các loại thực vật còn tồn dư của chất bảo vệ thực vật.
- Trong thực phẩm có chứa các chất phụ gia, chất bảo quản,.. không được phép dùng hoặc dùng quá liều,...
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm
Các dấu hiệu thường gặp ở ngộ độc thực phẩm là:
- Đau bụng: Người bệnh thấy đau quặn từng cơ, co rút vùng bụng. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể, tăng nhu động ruột làm tăng tốc độ đào thải các chất độc hại.
- Tiêu chảy: Đây là triệu chứng phổ biến khi ngộ độc thực phẩm. Các chất độc gây viêm niêm mạc đường tiêu hóa, làm giảm khả năng hấp thu nước. Từ đó, bệnh nhân bị tiêu chảy. Trong trường hợp niêm mạc đường tiêu hóa bị viêm nặng, bệnh nhân thậm chí còn đi ngoài ra máu. Nếu bệnh nhân bị ngộ độc nhẹ, tiêu chảy thường không kéo dài quá 3 ngày.
- Buồn nôn và nôn: Đây cũng là phản xạ của cơ thể để đẩy các chất độc ra khỏi cơ thể. Lúc này, cơ hoành và cơ bụng co bóp mạnh khiến người bệnh buồn nôn và nôn.
- Sốt, vã mồ hôi: Là phản ứng của cơ thể để chống lại tác nhân gây nhiễm trùng. Nếu bệnh nhân bị ngộ độc nhẹ có thể không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ.
- Bệnh nhân bị nhiễm độc do hóa chất còn có các triệu chứng ở cơ quan khác, như:
- Hệ thần kinh: Đau đầu, chóng mặt.
- Tim mạch: Tim đập nhanh, trụy mạch.
Dưới đây là những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm nặng bạn cần cảnh giác:
- Rối loạn thần kinh: Bệnh nhân bị tê liệt cơ, co giật, nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nói ngọng,..
- Rối loạn tim mạch: Người bệnh bị tụt huyết áp, loạn nhịp tim và khó thở.
- Bệnh nhân đau bụng dữ dội, có máu và chất nhầy lẫn trong phân. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể đau cổ, đau họng và đau ngực.
Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nặng có thể dẫn đến khó thở
Hướng dẫn sơ cứu và xử trí người bị ngộ độc thực phẩm
Khi bị ngộ độc thực phẩm hoặc gặp người bị ngộ độc, bạn nên thật bình tĩnh để thực hiện các biện pháp sơ cứu sau:
Gây nôn
Khi nhận thấy dấu hiệu ngộ độc, bạn hãy kích thích để người nhiễm bệnh nôn hết thức ăn ra khỏi dạ dày, hạn chế các loại độc tố ngấm thêm vào cơ thể. Bạn chú ý, không gây nôn nếu bệnh nhân bị co giật, rối loạn ý thức vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Một số cách gây nôn:
- Bạn dùng ngón trỏ đã rửa sạch đè ép vào gốc lưỡi của người bệnh.
- Pha nước muối hòa tan trong nước ấm.
Sau khi bệnh nhân nôn ra được hầu hết thức ăn thì để người bệnh nằm nghỉ nhưng vẫn theo dõi sát sao. Nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng khác lạ nào thì nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Bạn nên giữ lại mẫu thực phẩm nghi ngờ bị bệnh và chất nôn để có thể xác định chính xác nguyên nhân gây ngộ độc.
Bù nước
Khi ngộ độc, người bệnh thường bị mất nước và điện giải do nôn và tiêu chảy kéo dài. Bạn nên bù nước và điện giải cho bệnh nhân bằng cách cho họ uống nước lọc hoặc oresol.
Khi pha oresol, bạn cần lưu ý:
- Pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn: Nếu uống oresol pha không đúng tỷ lệ, bệnh nhân có thể bị mất nước hoặc mất điện giải trầm trọng hơn.
- Chỉ sử dụng dung dịch đã pha trong vòng 24 giờ. Nếu để quá lâu, dung dịch đã pha có thể bị nhiễm khuẩn gây nguy hiểm cho người bệnh.
- Không đun sôi dung dịch vì khi nước bay hơi sẽ làm sai lệch nồng độ các chất điện giải .
Đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế
Nếu thấy bệnh nhân có những triệu chứng ngộ độc nặng như co giật, rối loạn ý thức,…bạn hãy gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để có hướng điều trị kịp thời.
Hướng dẫn ăn uống khi bị ngộ độc thực phẩm
Nhiều người bị ngộ độc thường không dám ăn vì sợ ăn vào càng đau bụng. Điều này là không nên vì nhịn ăn kéo dài sẽ khiến cơ thể càng thêm suy kiệt. Do đó, người bệnh cần ăn uống đúng cách để bù lại chất dinh dưỡng, giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.
Dưới đây là một số lưu ý khi ăn uống cho người bị ngộ độc thức ăn:
- Nên ăn các món ăn loãng, mềm như súp, cháo, canh để cung cấp đủ chất dinh dưỡng và dễ tiêu hóa.
- Tránh ăn các loại thực phẩm kích thích như đồ ăn cay, nhiều dầu mỡ, nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn, sữa, phô mai,...
- Khi bị khó chịu, buồn nôn, bạn nên ngậm gừng tươi hoặc pha nước gừng mật ong.
Bệnh nhân bị ngộ độc nên ăn cháo, súp hoặc canh
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn nắm được các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm và cách sơ cứu kịp thời. Hiện nay, các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, bạn nên cẩn thận khi lựa chọn thực phẩm, ăn chín, uống sôi để phòng tránh bị ngộ độc. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: