Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Viêm phế quản phổi ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa

Thứ bảy, 26-08-2023 09:11 AM

Mục lục [Ẩn]

 

   Viêm phế quản phổi là bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp thường gặp ở trẻ em. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Do đó, cha mẹ cần nắm được những biểu hiện của bệnh để có thái độ xử lý đúng đắn nhất.

 

 Viêm phế quản phổi ở trẻ có nguy hiểm không?

Viêm phế quản phổi ở trẻ có nguy hiểm không?

 

Viêm phế quản phổi là gì?

   Viêm phế quản phổi là bệnh lý nhiễm trùng ở phế quản và nhu mô phổi. Các phế nang tại phổi của bệnh nhân chứa nhiều dịch và mủ khiến chức năng phổi bị suy yếu, gây ra các vấn đề hô hấp thường gặp.

   Viêm phế quản phổi là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bởi đây là những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém.

 

Các nguyên nhân dẫn đến viêm phế quản phổi ở trẻ

Bệnh viêm phế quản phổi hình thành thường do các loại vi sinh vật, như:

  • Do virus: Đây là tác nhân phổ biến gây bệnh, các virus thường gặp là adenovirus, rhinovirus, virus cúm, virus hợp bào ( RSV ) và virus parainfluenza ( loại virus gây nên viêm thanh quản).
  • Do vi khuẩn:  Các vi khuẩn thường gặp là phế cầu, Hemophilus influenza (HI), M Catarrhalis, tụ cầu, liên cầu,... , vi khuẩn không đặc hiệu như Mycoplasma.
  • Do ký sinh trùng và nấm.

   Bệnh viêm phế quản phổi thường khởi phát sau khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Sau đó, các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng sẽ theo đường hô hấp di chuyển đến phổi và gây bệnh.

   Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản phổi ở trẻ là:

  • Trẻ nhỏ hơn 1 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
  • Trẻ sinh non, sinh thiếu cân, suy dinh dưỡng hoặc có mắc các bệnh lý bẩm sinh.
  • Khí hậu lạnh, độ ẩm cao, thời tiết thay đổi thất thường,..
  • Sống trong môi trường ô nhiễm như: Nhà ở chật chội, ẩm thấp, nhiều khói bếp, khói thuốc lá, bụi,...
  • Cha mẹ bị hen suyễn.
  • Trẻ có cơ địa dị ứng.

 

Các triệu chứng viêm phế quản phổi

   Các triệu chứng viêm phế quản phổi được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn khởi phát và toàn phát.

Giai đoạn khởi phát

   Trong giai đoạn khởi phát, trẻ có thể có 2 dạng triệu chứng như sau:

Khởi phát từ từ

   Khi bệnh khởi phát từ từ, trẻ sẽ có các triệu chứng giống với các bệnh viêm đường hô hấp khác, như:

  • Sốt nhẹ.
  • Ho khan.
  • Hắt hơi.
  • Ngạt mũi.
  • Quấy khóc.

   Do triệu chứng ban đầu khá nhẹ nên các bậc phụ huynh thường chủ quan không đưa trẻ đi khám.

Khởi phát đột ngột

   Ở dạng này thì các triệu chứng khởi phát bệnh của trẻ khá rõ ràng, như:

  • Trẻ sốt cao, khó thở, tím tái.
  • Rối loạn tiêu hóa như chán ăn, nôn trớ, chướng bụng, tiêu chảy…

>>> Xem thêm: Cách chăm sóc khi trẻ bị sốt.

Giai đoạn toàn phát

   Nếu ở giai đoạn khởi phát, bệnh không được kiểm soát kịp thời thì sẽ diễn tiến đến giai đoạn toàn phát. Lúc này, trẻ sẽ có những triệu chứng như sau:

  • Trẻ sốt rất cao, thậm chí có thể lên đến 40 độ C và ít đáp ứng thuốc hạ sốt.
  • Ngủ li bì, co giật, thậm chí hôn mê nếu không hạ sốt kịp thời.
  • Ho dữ dội và liên tục, ho co thắt, có thể xuất tiết đờm, chảy mũi đặc và vàng.
  • Trẻ khó thở, cánh mũi phập phồng, đầu gật gù theo nhịp thở, co rút lồng ngực.
  • Tím tái ở lưỡi, quanh môi, đầu chi.
  • Nhịp thở không đều, có thể xuất hiện cơn ngừng thở trong các trường hợp nặng.
  • Rối loạn tiêu hóa (bỏ ăn, chán ăn, chướng bụng, nôn trớ, tiêu chảy…).

 

Các triệu chứng thường gặp là sốt, ho khan, hắt hơi,...

Các triệu chứng thường gặp là sốt, ho khan, hắt hơi,...

 

Viêm phế quản phổi ở trẻ em có nguy hiểm không?

   Theo chuyên gia, viêm phế quản phổi ở trẻ em nguy hiểm hơn ở người lớn, do:

  • Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, chưa sản xuất đủ các yếu tố chống lại các tác nhân gây hại khi chúng xâm nhập vào cơ thể.
  • Hệ bạch mạch và hệ mạch máu ở trẻ rất phong phú, đan xen lẫn nhau như mạng nhện khiến các tác nhân gây bệnh khi xâm nhập vào cơ thể có rất nhiều đường đi nên lây lan rất nhanh.
  • Cây phế quản ở trẻ em còn tương đối ngắn và hẹp, do đó khi bị viêm phổi thì trẻ rất dễ bị bít tắc mũi, khó thở do niêm mạc bị phù nề và đờm dãi.

 

Khi nào nên đưa trẻ đi bệnh viện ngay?

   Cha mẹ cần sớm đưa bé đến các cơ sở y tế để được xử lý nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Trẻ sốt cao trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Ngoài ra, triệu chứng sốt cao có thể đi kèm với cơn co giật, mất ý thức.
  • Trẻ tím tái, khó thở: Do dịch tắc trong thanh quản khiến trẻ không thở được. Nhịp thở của trẻ càng nhanh thì mức độ khó thở càng cao, càng nguy hiểm. Ngoài ra bé thường có thêm biểu hiện tím tái, chân tay lạnh,…
  • Trẻ bỏ bú, ho, mất ý thức.

 

Điều trị viêm phế quản phổi như thế nào?

   Các bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân, dấu hiệu và mức độ nặng hay nhẹ của bệnh.

  • Nếu viêm phế quản do yếu tố virus gây ra, thì biện pháp điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc để giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng đồng thời tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ tự phục hồi.
  • Nếu xác định nguyên nhân do vi khuẩn gây ra thì bắt buộc phải dùng kháng sinh điều trị.
  • Trong trường hợp viêm phế quản phổi nhẹ và chưa có biến chứng, bố mẹ có thể chăm sóc tại nhà theo sự tư vấn của bác sĩ.

 

Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản phổi

   Khi trẻ bị viêm phế quản phổi, phụ huynh nên thực hiện các biện pháp chăm sóc sau:

  • Vệ sinh mũi: Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý NaCl 0.9% giúp làm sạch dịch trong mũi.
  • Chườm ấm toàn thân cho trẻ khi bị sốt. Đặc biệt khi trẻ sốt cao vào ban đêm. Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
  • Cho trẻ uống nhiều nước để giúp hạ sốt và làm loãng đờm, giúp trẻ ho dễ dàng hơn, giảm tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp.
  • Vào những ngày thời tiết chuyển mùa hoặc lạnh đột ngột các mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ, không được để trẻ bị ngấm ngược nước tiểu, mồ hôi.
  • Đảm bảo rằng môi trường ở phải sạch sẽ, thoáng mát
  • Cách ly trẻ  hoàn toàn với khói thuốc lá. Ngoài ra, trong thời gian con mắc bệnh, bạn cũng nên hạn chế cho trẻ ra ngoài vì bụi và các ô nhiễm khác sẽ khiến bệnh nặng hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn: Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung chất xơ, vitamin như A, C, E,... giúp tăng sức đề kháng, khả năng miễn dịch. Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn nhạt vì chế độ ăn quá nhiều muối có thể làm gia tăng triệu chứng viêm.

 

Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt như cháo, súp,...

Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt như cháo, súp,...

 

Phòng tránh viêm phế quản phổi ở trẻ em

Để phòng ngừa bệnh viêm phế quản phổi cho trẻ, cha mẹ nên chú ý những điều sau:

  • Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng mỗi ngày.
  • Trong 6 tháng đầu sau sinh, trẻ nên được cho  bú sữa mẹ hoàn toàn và bổ sung kẽm, vitamin D.
  • Tiêm chủng phòng bệnh viêm phổi đầy đủ và đúng lịch.
  •  Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi.
  • Phát hiện và điều trị sớm, dứt điểm nếu trẻ đang mắc bệnh về đường hô hấp.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với những người bị viêm đường hô hấp cấp tính.
  • Với trẻ trên 6 tháng tuổi, phụ huynh nên cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày.

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ em. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu trong bài, bạn hãy nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện kịp thời để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222