Mục lục [Ẩn]
Cứ mỗi năm đến các kỳ nghỉ lễ, số người bị ngộ độc rượu lại tăng lên. Tình trạng này rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến ngộ độc rượu? Các triệu chứng và biến chứng của tình trạng này là gì? Làm thế nào để xử lý? Mời bạn theo dõi bài viết sau!
Ngộ độc rượu có những triệu chứng nào?
Ngộ độc rượu là gì? Phân loại ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể dẫn tới các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác.
Có 2 loại ngộ độc rượu chính là:
- Ngộ độc rượu ethanol: Bệnh nhân uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn. Ngộ độc rượu ethanol gồm 2 dạng là cấp tính và mạn tính, phụ thuộc vào số lượng uống, tần suất và thời gian uống rượu của người bệnh.
- Ngộ độc rượu methanol: Methanol hay còn gọi là cồn công nghiệp, là cồn được lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ), được sử dụng để làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, mực in máy photo,… Methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm và oxy hóa thành Formol (Formaldehyde) và axit Fomic. Chỉ cần 5 - 15ml methanol có thể gây ngộ độc nặng, 15ml gây mù lòa và 30ml gây đe dọa đến tính mạng.
Triệu chứng ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu ethanol
Ngộ độc rượu cấp tính:
Giai đoạn đầu, bệnh nhân có biểu hiện nói nhiều, mất điều hòa vận động phối hợp, giảm khả năng kiểm soát cảm xúc, dễ kích động.
Ở giai đoạn sau, bệnh nhân có biểu hiện:
- Phản xạ gân xương của bệnh nhân giảm.
- Tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, giãn mạch ngoại vi.
- Hơi thở của bệnh nhân có mùi rượu, buồn nôn, nôn đau bụng.
- Khó thực hiện các động tác đơn giản; nói líu.
- Đi lảo đảo.
- Biểu hiện lơ mơ, nhìn mờ.
- Có khi co giật, mất ý thức, hạ huyết áp…
Ngộ độc rượu mạn tính
Ngộ độc rượu mạn tính xảy ra khi bệnh nhân uống rượu trong một thời gian dài. Các dấu hiệu của tình trạng này là:
- Sút cân.
- Chán ăn.
- Tiêu chảy do tổn thương gan và ruột.
- Da niêm mạc nhợt do thiếu máu.
- Xơ gan.
- Ung thư.
Bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt, lơ mơ, nhìn mờ
Ngộ độc rượu methanol
Bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol thường có những triệu chứng sau:
- Ngộ độc methanol nhẹ: Bệnh nhân có cảm giác say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu.
- Ngộ độc methanol nặng: Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.
Biến chứng ngộ độc rượu
Khi bị ngộ độc rượu, nếu không được xử lý đúng cách người bệnh có thể gặp phải các biến chứng sau:
- Hạ thân nhiệt.
- Nôn mửa nghiêm trọng gây mất nước.
- Hạ đường huyết gây co giật, mất ý thức.
- Nghẹt thở, ngưng thở do vô tình hít phải dị vật khi đang nôn.
- Rối loạn nhịp tim, tim đập không đều thậm chí là mất mạch, tim ngừng đập.
- Nhiễm toan ceton do rượu, làm ức chế thần kinh trung ương.
- Suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Cách xử trí ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu là một trường hợp khẩn cấp, do đó nếu bạn thấy ai đó đang có dấu hiệu bị ngộ độc rượu, hãy gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời. Trong trường hợp bạn biết được loại rượu và lượng rượu người đó uống, hãy cung cấp cho bác sĩ hoặc y tá cấp cứu.
Trong lúc đó, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sơ cứu sau:
- Không để bệnh nhân bất tỉnh một mình, cố gắng giữ cho bệnh nhân tỉnh táo, tránh mất ý thức.
- Nếu bệnh nhân có biểu hiện nôn, bạn hãy cố gắng giữ anh ấy hoặc cô ấy ngồi lên. Nếu người đó phải nằm xuống, hãy chắc chắn quay đầu sang một bên - điều này giúp ngăn ngừa nghẹt thở.
- Thấy bệnh nhân có dấu hiệu thở yếu hay ngừng thở, bạn thực hiện các biện pháp hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện và điều kiện tại chỗ.
- Không để người bệnh ngã hoặc va đập vào các vật cứng hay cho các vật cứng vào miệng.
Hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân nếu thấy dấu hiệu thở yếu hay ngừng thở
Phòng chống ngộ độc rượu
Để hạn chế nguy cơ ngộ độc rượu, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Không uống quá nhiều rượu (<30ml/người/ngày với nồng độ từ 30o trở lên).
- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol >0.005% vì gây nguy cơ mù mắt và tử vong cao.
- Không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Không uống rượu pha chế từ nhiều loại rượu khác nhau, rượu ngâm với các loại lá, rễ cây, động vật không rõ độc tính.
- Không uống rượu bia khi bụng đói hoặc có biểu hiện mệt mỏi trước đó.
>>> Xem thêm:
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc nắm được các dấu hiệu của ngộ độc rượu và các biện pháp xử lý tình trạng này. Ngộ độc rượu là tình trạng khẩn cấp, do đó bạn nên liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất khi thấy các triệu chứng bất thường. Chúc bạn sức khỏe!