Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Thận trọng: Những cách giải rượu hại người say

Thứ tư, 10-01-2024 16:39 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Năm hết tết đến, những bữa tiệc rượu liên hoan tất niên là khó có thể tránh khỏi. Lúc này, người tửu lượng thấp thường tìm cho mình cách giải rượu nhanh và hiệu quả. Họ hy vọng sẽ uống được nhiều hơn, lâu say, người đỡ mệt hơn. Tuy nhiên, thay vì chọn cách an toàn thì nhiều người lại áp dụng biện pháp giải rượu hại sức khỏe.

 

Những cách giải rượu sai lầm nào bạn cần tránh?

Những cách giải rượu sai lầm nào bạn cần tránh?

 

Cơ chế gây say xỉn của rượu

   Các loại đồ uống chế biến sẵn thường hấp thu chậm và chuyển hóa nhanh trong cơ thể. Tuy nhiên, rượu lại khác. Chúng hấp thu rất nhanh nhưng lại chuyển hóa và thải trừ chậm. Chính vì vậy mà người uống rượu dễ bị say.

   Phần lớn, thành phần chất cồn (ethanol) trong rượu khi được hấp thu sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde ở gan. Đây là một chất độc hại, gây say xỉn và độc cho cơ thể. Chúng tác động lên hệ thần kinh gây đau đầu, rối loạn vận động, choáng váng, khiến người uống không kiểm soát được hành động của bản thân, dễ gây tai nạn giao thông. Trên hệ tiêu hóa, acetaldehyde gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy…

    Thông thường, nếu chỉ uống 1-2 chén rượu, bạn vẫn sẽ tỉnh táo. Bởi lúc này, chất gây say xỉn (acetaldehyde) được gan chuyển hóa tiếp thành chất không độc hại là acid acetic nhờ enzym aldehyde dehydrogenase (ALDH) và glutathione.

   Tuy nhiên, các enzyme trong gan có hạn. Khi bạn uống quá nhiều rượu, gan sẽ bị quá tải, không chuyển hóa kịp, làm nồng độ acetaldehyde tăng cao trong máu và gây say. Về lâu dài, rượu gây tổn thương gan và các bộ phận khác trong cơ thể, dần hình thành các bệnh lý như viêm gan, xơ gan, loét dạ dày, tăng huyết áp, rối loạn giấc ngủ…

   Dù biết uống rượu có hại nhưng thực tế, nhiều người vẫn phải có mặt trên bàn nhậu vì công việc, các mối quan hệ xã hội. Để tránh say xỉn, họ cũng áp dụng một số cách giải rượu. Thế nhưng, do thiếu hiểu biết, không ít người đã lựa chọn biện pháp sai lầm, khiến tình trạng say càng nghiêm trọng hơn.  

 

Giải rượu không đúng cách càng làm tình trạng say nghiêm trọng hơn

Giải rượu không đúng cách càng làm tình trạng say nghiêm trọng hơn

 

Những cách giải rượu sai lầm

Uống rượu chung với nước ngọt

   Nhiều người hay uống rượu xen kẽ với nước ngọt. Họ cho rằng, càng uống nước ngọt càng giảm say xỉn. Thực tế, nước ngọt có ga thường chứa nhiều CO2, khiến quá trình hấp thu cồn trong rượu nhanh hơn, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

   Chẳng hạn như trường hợp chị Hà, 31 tuổi nhập viện với tình trạng tim đập nhanh, khó thở, bủn rủn tay chân. Nguyên nhân là hôm 2/1, công ty liên hoan đầu năm, chị uống rượu xen kẽ lượng lớn nước ngọt. Khi vào viện, chị được chỉ định dùng thuốc kết hợp truyền, bổ sung dinh dưỡng để hồi phục.

Uống rượu chung với đồ uống chứa caffeine

   Để có cách giải rượu cho bản thân, nhiều người thường tìm kiếm thông tin trên mạng. Thực tế, mạng xã hội có nhiều nguồn thông tin sai lệch, không chính thống. Chẳng hạn như trường hợp anh Tiến, 37 tuổi, lên mạng tìm hiểu cách giải rượu và áp dụng biện pháp uống thêm nước tăng lực chứa caffeine để tỉnh táo hơn.

   Hậu quả, anh phải nhập viện cấp cứu, được bác sĩ chẩn đoán ngộ độc rượu. Các bác sĩ cho biết, việc uống rượu với nước tăng lực chứa lượng caffeine cao rất nguy hại. Bởi lúc này, người uống cảm thấy tỉnh táo, không đánh giá được mức độ say của mình, làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu.

 

Uống rượu chung với nước tăng lực làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu

Uống rượu chung với nước tăng lực làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu

 

Móc họng để tống cồn ra khỏi cơ thể

   Cách giải rượu này cũng gây nhiều tác hại cho sức khỏe. Khi móc họng trong lúc say, người uống không kiểm soát được lực ngón tay. Họ ấn mạnh xuống, cộng thêm móng tay nhọn hoặc móng tay dài sẽ làm họng tổn thương.

   Bên cạnh đó, hành động gây nôn trong lúc say làm acid dạ dày theo rượu đi qua thực quản. Nó kích thích, gây viêm loét hay chảy máu thực quản. Chưa hết, việc chủ động gây nôn và nôn còn làm rối loạn hệ tiêu hóa, khiến cơ thể mất nước và điện giải.

   Không chỉ vậy, móc họng trong trạng thái quá say, hỗn hợp rượu, thức ăn, acid dạ dày có thể đi vào trong phổi, làm tổn thương phổi. Tình trạng này tái diễn nhiều lần sẽ gây viêm phổi, tồi tệ hơn là ngạt thở dẫn tới tử vong.

Tắm, xông hơi

   Nhiều người cho rằng, việc tắm, xông hơi sẽ giúp cơ thể bài tiết rượu qua mồ hôi, từ đó giảm say xỉn. Tuy nhiên, cách giải rượu này hoàn toàn có hại cho sức khỏe. Thực tế, chất cồn vào cơ thể sẽ làm giãn mạch máu. Nếu gặp hơi nóng đột ngột khi tắm nước nóng hoặc xông hơi, mạch máu càng giãn to hơn. Hậu quả là người uống tụt huyết áp, choáng váng, khó thở, ngất xỉu. 

 

Tắm nước nóng dễ gây giãn mạch máu, tăng nguy cơ tụt huyết áp

Tắm nước nóng dễ gây giãn mạch máu, tăng nguy cơ tụt huyết áp

 

   Nếu tắm nước lạnh, mạch máu đang giãn nở sẽ đột ngột co lại. Từ đó, huyết áp người uống tăng lên, làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt ở những người có tiền sử cao huyết áp.

   Ngoài ra, những người tắm sau uống rượu có thể bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản.

   Có thể thấy, không phải cách giải rượu nào cũng an toàn, thậm chí còn hại sức khỏe, đe dọa tính mạng người uống. Vậy phải làm gì để giảm bớt tình trạng say xỉn?

 

Cách giải rượu an toàn cho người say là gì?

   Các chuyên gia khuyến cáo để hạn chế tình trạng say rượu, tốt nhất bạn không uống hoặc uống với lượng ít nhất. Ngoài ra, bạn nên áp dụng thêm một số cách giải rượu an toàn sau đây:

  • Uống nhiều nước lọc và điện giải: Cách này vừa giúp cơ thể tránh bị mất nước, vừa tăng cường đào thải rượu ra ngoài. Bạn nên uống nước từ từ, đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể.
  • Bổ sung các loại nước hoa quả như nước cam, nước mía, trà gừng tươi, nước bột sắn dây, nước lá dong…
  • Không nên để bụng đói khi uống rượu, lựa chọn loại rượu có nồng độ cồn thấp, uống rượu từ từ từng chút một. 
  • Ăn những món ăn mềm dễ tiêu như cháo loãng, phở, bún…

   Đến đây, hy vọng các bạn đã biết cách giải rượu sai lầm cần tránh. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết, chúc các bạn sức khỏe!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222