Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Bệnh sởi ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Thứ hai, 29-05-2023 15:14 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus thường gặp ở trẻ em, có tốc độ lây lan rất nhanh. Bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần biết về bệnh sởi ở trẻ em, mời các bạn đón đọc.

 

Sởi là bệnh thường gặp ở trẻ em.

Sởi là bệnh thường gặp ở trẻ em.

 

Bệnh sởi ở trẻ em là gì?

   Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do virus sởi gây ra. Bệnh có khả năng lây truyền rất nhanh trong cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư…và tạo thành dịch. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm phòng đầy đủ.

 

Dấu hiệu, triệu chứng bệnh sởi ở trẻ em

   Bệnh sởi ở trẻ em có thể có các triệu chứng thể điển hình hoặc không điển hình, cụ thể:

Bệnh sởi ở trẻ em thể điển hình

   Ở thể điển hình, bệnh sởi sẽ tiến triển theo 4 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 7 - 21 ngày, trung bình là 10 ngày. Ở giai đoạn này, virus đã xâm nhập vào cơ thể nhưng chưa gây ra triệu chứng.
  • Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): Kéo dài 2 - 4 ngày. Trong giai đoạn này, trẻ thường có các triệu chứng sau:
  1. Sốt cao.
  2. Viêm đường hô hấp trên, đôi khi có viêm thanh quản cấp.
  3. Viêm kết mạc.
  4. Hạt Koplik: Hạt nhỏ có kích thước 0,5 - 1mm màu trắng, xám, có quầng ban đỏ. Hạt thường gặp trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).
  • Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2 - 5 ngày, xuất hiện sau khi sốt cao 3 - 4 ngày. Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu bị phát ban, ban hồng dát sẩn, biến mất khi căng da. Ban xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
  • Giai đoạn hồi phục: Thường bắt đầu vào ngày thứ 6 kể từ ngày mọc ban. Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Trẻ có thể bị ho kéo dài 1 - 2 tuần sau khi hết ban.

 

Hạt Koplik ở bệnh nhân sởi.

Hạt Koplik ở bệnh nhân sởi.

 

Bệnh sởi trẻ em thể không điển hình

   Bệnh sởi ở trẻ em thể không điển hình có 2 trường hợp sau:

  • Trẻ chỉ bị sốt nhẹ thoáng qua, viêm hô hấp nhẹ và phát ban ít. Do các triệu chứng nhẹ nên thể này dễ bị bỏ qua và dễ lây lan hơn.
  • Trẻ bị sốt cao liên tục và phát ban không điển hình. Lúc này, trẻ thường bị phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân kèm theo viêm phổi nặng.

 

Biến chứng bệnh sởi ở trẻ em

   Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sởi ở trẻ em có thể dẫn đến các biến chứng sau:

  • Biến chứng đường hô hấp: Như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi.
  • Biến chứng thần kinh: viêm não, viêm màng não, viêm tủy cấp, viêm màng não kiểu thanh dịch. Đây là biến chứng nguy hiểm, có khả năng để lại di chứng cao, thậm chí tử vong.
  • Biến chứng đường tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, viêm ruột. Biến chứng này thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
  • Biến chứng tai mũi họng: Viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai xương chũm, đặc biệt viêm tai giữa.

 

Chẩn đoán bệnh sởi ở trẻ em

Chẩn đoán xác định

   Bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định dựa trên các tiêu chí sau:

  • Yếu tố dịch tễ: Trẻ có tiếp xúc với bệnh nhân sởi hoặc khu vực dân cư có nhiều người mắc sởi cùng lúc.
  • Triệu chứng lâm sàng: Dựa theo các triệu chứng đặc trưng của bệnh.
  • Xét nghiệm cận lâm sàng: Xét nghiệm phát hiện có kháng thể IgM đối với virus sởi.

Chẩn đoán phân biệt

   Bác sĩ sẽ chẩn đoán phân biệt bệnh sởi với các bệnh sau:

  • Rubella: Phát ban không có trình tự, ít khi có viêm long đường hô hấp và thường có hạch cổ.
  • Nhiễm enterovirus: Phát ban không có trình tự, hay kèm rối loạn tiêu hóa.
  • Bệnh Kawasaki: Sốt cao khó hạ, môi lưỡi đỏ, hạch cổ, phát ban không theo thứ tự.
  • Phát ban do các virus khác.
  •  Ban dị ứng: Kèm theo ngứa, tăng bạch cầu ái toan.

 

Điều trị bệnh sởi ở trẻ em

Nguyên tắc điều trị bệnh sởi ở trẻ em

   Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi” của Bộ Y tế, nguyên tắc điều trị là:

  • Không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng.
  • Cần cách ly người mắc bệnh sởi.
  • Phát hiện và điều trị sớm biến chứng.
  • Không dùng corticoid khi chưa loại trừ sởi.

Điều trị hỗ trợ

  • Vệ sinh da, mắt, miệng họng. Chú ý không sử dụng chế phẩm chứa corticoid.
  • Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
  • Hạ sốt: Bằng các biện pháp vật lý và dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao.
  • Bù nước, điện giải qua đường uống. Chỉ truyền dịch khi trẻ nôn quá nhiều.
  • Bổ sung vitamin A:
  1. Trẻ dưới 6 tháng: uống 50.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.
  2. Trẻ 6 - 12 tháng: uống 100.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.
  3. Trẻ trên 12 tháng và người lớn: uống 200.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.
  4. Trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: lặp lại liều trên sau 4 - 6 tuần

Điều trị biến chứng

   Tùy theo biến chứng mà trẻ mắc phải, bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.

Những chú ý khi điều trị bệnh sởi ở trẻ em

   Cha mẹ có con mắc bệnh sởi cần chú ý những điều này:

  • Kiêng cho con ăn các loại hải sản, thịt gà thịt vịt, các loại đồ ăn cay nóng.
  • Không tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Cho trẻ nằm cách ly trong phòng thoáng mát, sạch sẽ, không có gió lùa.
  • Không cho trẻ uống nước ngọt, nước có ga.

 

Phòng bệnh sởi ở trẻ em

 

Trẻ cần được tiêm đủ vắc xin phòng bệnh sởi.

Trẻ cần được tiêm đủ vắc xin phòng bệnh sởi.

 

   Bạn cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ bằng cách:

  • Tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin cho trẻ theo độ tuổi quy định. Mũi tiêm đầu tiên bắt buộc tiêm lúc 9 tháng tuổi.
  • Tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, sát trùng mũi họng.
  • Giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh sởi. Người bệnh cần được cách ly tại nhà hoặc cơ sở y tế.
  • Dạy trẻ hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
  • Ăn uống lành mạnh, đủ chất.
  • Tập thể dục thường xuyên.

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh sởi ở trẻ em. Đây là một bệnh có tốc độ lây lan nhanh và tiến triển nhanh chóng. Để phòng bệnh hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ biến chứng, cha mẹ nên cho con tiêm phòng đầy đủ. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222