Mục lục [Ẩn]
Rụng tóc có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như quá trình lão hóa tự nhiên, di truyền, stress, bệnh lý, tiếp xúc nhiều hóa chất… Bên cạnh đó, thiếu chất cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho mái tóc ngày càng yếu và rụng nhiều. Vậy thiếu hụt loại vitamin và dưỡng chất nào có thể dẫn đến rụng tóc? Mời bạn theo dõi bài viết sau!
Thiếu hụt vitamin và dưỡng chất nào có thể dẫn đến rụng tóc?
Thiếu hụt vitamin và dưỡng chất nào có thể dẫn đến rụng tóc?
Vitamin đóng vai trò quan trọng trong mọi giai đoạn của chu kỳ phát triển tóc. Chúng nuôi dưỡng tế bào nang tóc, để nang tóc phát triển và hoạt động trơn tru. Ví dụ, chúng thúc đẩy quá trình tổng hợp protein, chống oxy hóa để bảo vệ tế bào tóc khỏi stress oxy hóa. Nghiên cứu cho thấy, việc thiếu hụt vitamin phá vỡ chức năng, sự phát triển và sản xuất protein của nang tóc khỏe mạnh.
Dưới đây là một số loại vitamin và dưỡng chất có thể dẫn đến rụng tóc nếu cơ thể bị thiếu hụt.
Biotin
Biotin hay còn gọi là vitamin B7, giúp tăng cường và củng cố lớp keratin của tóc, giúp mái tóc chắc khỏe, cải thiện độ đàn hồi và kích thích tóc mọc nhanh hơn, ngăn ngừa tình trạng gãy rụng, đặc biệt là với những người thường xuyên sấy, nhuộm, tạo kiểu cho tóc.
Rụng tóc có thể là triệu chứng của tình trạng thiếu hụt biotin. Khi đó, việc bổ sung biotin đã được chứng minh sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng rụng tóc.
Các dấu hiệu thiếu hụt biotin bạn cần lưu ý là:
- Tóc giòn, rụng tóc.
- Mệt mỏi, mất ngủ hoặc khó ngủ.
- Ăn không ngon, buồn nôn.
- Nứt ở khóe miệng.
- Da khô hoặc có vảy.
- Phát ban đỏ trên da, đặc biệt là mặt.
- Khô mắt.
Bạn có thể bổ sung biotin qua một số loại thực phẩm như:
- Các loại đậu: Đậu phộng, đậu nành,…
- Các loại hạt: Hạt hướng dương, hạnh nhân,..
- Cà rốt, súp lơ và nấm.
- Trứng, đặc biệt là lòng đỏ trứng;
- Các chế phẩm từ sữa như: Sữa, sữa chua, phô mai,…
- Ngũ cốc nguyên hạt: lúa mạch, ngô,…
- Hải sản.
Vitamin D
Vitamin D rất quan trọng trong việc hỗ trợ, nuôi dưỡng nang tóc khỏe mạnh. Nghiên cứu cho thấy, việc thiếu hụt vitamin D dẫn đến tình trạng rụng tóc, trong đó có rụng tóc từng mảng. Việc bổ sung vitamin D đã chứng minh giúp cải thiện tình trạng rụng tóc hiệu quả trong trường hợp này.
Người lớn nên bổ sung 600 IU vitamin D, tương đương 15 mcg mỗi ngày. Bạn có thể bổ sung vitamin D qua:
- Tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để cơ thể tăng sản xuất vitamin D tự nhiên
- Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D như cá béo, lòng đỏ trứng,..
Các thực phẩm giàu vitamin D.
Sắt
Nguyên tố sắt là vi chất quan trọng trong cấu tạo phân tử hemoglobin của hồng cầu. Hồng cầu đảm nhiệm chức năng vận chuyển dưỡng chất và oxy đến nang tóc, giúp tóc phát triển.
Do đó, nếu thiếu hụt sắt, số lượng hồng cầu giảm, nang tóc kém được nuôi dưỡng sẽ gây ra tình trạng tóc suy yếu và dễ rụng.
Các dấu hiệu cơ thể đang thiếu sắt là:
- Da và tóc trở nên khô hơn.
- Móng giòn, rất dễ nứt gãy, móng tròn có hình thìa.
- Da tái, xanh xao và nhợt nhạt.
- Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tập trung kém.
Để phòng ngừa thiếu hụt sắt, trong chế độ ăn uống hàng ngày, bạn cần ưu tiên tăng cường các loại thịt đỏ (thịt bò), các loại rau màu xanh đậm (rau bina), gan động vật và ngũ cốc.
Kẽm
Tương tự như sắt, thiếu kẽm khiến tóc dễ bị tổn thương hơn. Kẽm đóng vai trò trong quá trình tổng hợp protein và cân bằng nồng độ hormone. Thiếu chất này sẽ làm tăng hormone DHT (dihydrotestosterone) gây ra tình trạng rụng tóc bất thường. Hơn nữa, thiếu kẽm sẽ kéo theo sự thiếu hụt protein cản trở quá trình phát triển của nang tóc.
Các dấu hiệu cơ thể thiếu kẽm:
- Vết thương lâu lành.
- Sụt cân nhanh.
- Tóc khô xơ và rụng nhiều, móng giòn dễ gãy và có đốm trắng.
- Cơ thể dễ bị lạnh.
- Thị lực suy giảm.
- Sương mù não.
Axit Folic
Axit folic, còn được gọi là vitamin B9, rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phân chia và phát triển của tế bào. Khi cơ thể không đủ axit folic, quá trình phân chia của tế bào suy yếu, khiến quá trình sản xuất tóc mới của nang tóc bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến tình trạng rụng tóc nhiều hơn và quá trình mọc lại tóc chậm hơn.
Bên cạnh đó, thiếu hụt acid folic cũng ảnh hưởng đến quá trình tạo máu của cơ thể, khiến cơ thể có nguy cơ thiếu máu, tóc không được nuôi dưỡng đầy đủ, dần suy yếu, dễ rụng và bạc màu.
Các dấu hiệu thiếu hụt acid folic bạn cần lưu ý là:
- Da nhợt nhạt.
- Cáu kỉnh.
- Thiếu năng lượng hoặc dễ mệt mỏi.
- Tiêu chảy.
- Ăn uống không ngon miệng và sụt cân.
- Nhức đầu, chóng mặt, ù tai.
- Đánh trống ngực, khó thở.
Hầu hết mọi người nhận đủ folate từ thực phẩm. Để phòng ngừa thiếu hụt vitamin này, bạn hãy hãy xây dựng một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Các thực phẩm chứa nhiều acid folic là:
- Rau có màu xanh đậm: bông cải xanh, rau bina, bắp cải Brucxen.
- Các loại đậu.
- Các loại trái cây: chuối và dưa, cam, quýt, cà chua,..
- Trứng.
- Nấm.
- Ngũ cốc.
Thực phẩm giàu acid folic.
Rụng tóc thế nào là bất thường?
Thông thường sẽ có 50 - 100 sợi tóc bị rụng mỗi ngày, đây là rụng tóc sinh lý thông thường.
Tuy nhiên, nếu tóc bạn bị rụng quá 100 sợi mỗi ngày, rụng tóc không rõ nguyên nhân và rụng liên tục trong một thời gian dài thì bạn đang bị rụng tóc bất thường, rất có thể do nguyên nhân bệnh lý.
Một số dấu hiệu nhận biết rụng tóc bất thường:
- Bạn bị rụng tóc nhiều, đặc biệt khi gội đầu, khi vuốt tóc và khi chải đầu thấy tóc rụng nhiều hơn bình thường.
- Sau khi tóc rụng thì tóc con mọc lên yếu, mảnh, xoăn, thậm chí không có tóc con mọc lên.
- Tóc rụng kèm theo da đầu bị bong tróc, ngứa ngáy hoặc có nhiều vết hồng ban.
- Rụng tóc tập trung thành mảng, chỉ rụng ở một vị trí nhất định và ít khi mọc lại.
- Tóc mỏng, thưa, có thể thấy rõ da đầu ở nữ.
Để cải thiện tình trạng rụng tóc, ngoài việc bổ sung đầy đủ các vitamin và dưỡng chất, mọi người nên:
- Hạn chế sử dụng gel vuốt tóc hoặc sấy, chải tóc khi tóc ướt.
- Kiểm soát căng thẳng bằng cách tập thể dục khoảng 150 phút một tuần.
- Mọi người bổ sung đủ nước, nên uống 6-8 ly nước mỗi ngày.
- Phụ nữ không nên buộc tóc quá chặt hoặc sử dụng các kiểu tóc phức tạp, cần hóa chất vì có thể làm nặng tình trạng rụng tóc.
- Mọi người nên cắt tóc thường xuyên để loại bỏ các phần tóc chẻ ngọn và giảm trọng lượng tóc, giảm tác động lên chân tóc, da đầu.
Trên đây là một số lưu ý về tình trạng rụng tóc do thiếu vi chất. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!