Mục lục [Ẩn]
Những dấu hiệu lạ khi mang thai luôn khiến các thai phụ và người nhà lo lắng. Một trong những điều mọi người quan tâm là hiện tượng đau bụng dưới khi mang thai. Vậy nguyên nhân nào khiến tình trạng này xảy ra? Trong trường hợp đó bà bầu cần xử lý như thế nào?
Nguyên nhân gây đau bụng dưới ở phụ nữ mang thai là gì?
Những nguyên nhân của hiện tượng đau bụng dưới khi mang thai
Tùy từng thời điểm mà có nhiều nguyên nhân gây ra đau bụng dưới khi mang thai như sau:
Đau bụng dưới khi mang thai trong 3 tháng đầu
3 tháng đầu mang thai là giai đoạn cực nhạy cảm, các thai phụ cần thật cẩn thận. Đặc biệt là khi thấy dấu hiệu đau bụng dưới, các mẹ bầu cần đến bệnh viện kiểm tra sớm, bởi đó có thể là do:
- Thai làm tổ trong buồng tử cung: Xảy ra trong thời gian đầu mang thai. Lúc này, người phụ nữ sẽ có cảm giác đau lâm râm bụng dưới. Nguyên nhân chính là do thai đã bắt đầu vào tử cung và làm tổ trong buồng tử cung. Tình trạng này chỉ xuất hiện trong khoảng 2 - 3 ngày rồi dần dần biến mất.
- Sảy thai: Bà bầu đau bụng dưới đi kèm với các triệu chứng như đau lưng, xuất huyết âm đạo kèm cục máu đông và các dấu hiệu mang thai không còn. Nếu gặp dấu hiệu này, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.
- Thai ngoài tử cung: Đây là tình trạng thai không nằm trong tử cung mà ở bên ngoài. Mang thai ngoài tử cung là một biến chứng trong thai kỳ nguy hiểm. Nguyên nhân gây ra có thể do nhiễm trùng sinh dục, bất thường vòi tử cung,... Thai phụ có những cơn đau bụng dưới kèm với triệu chứng ra máu âm đạo.
Đau bụng vào 3 tháng giữa thai kỳ
Ở giai đoạn này, hiện tượng đau bụng dưới khi mang thai có thể là do các nguyên nhân:
- Em bé lớn lên nhanh chóng: Đặc biệt khi bắt đầu bước vào tuần thứ 16 thai kỳ. Tử cung to lên làm căng thành bụng để tạo không gian cho bé phát triển. Nó sẽ tác động đến đáy dạ dày, khiến bạn thấy bụng đau, căng tức, buồn nôn. Để khắc phục, bạn chỉ cần chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và vận động nhẹ nhàng.
- Đau dây chằng tròn: Dây chằng tròn là dây chằng trải dài từ phần trước của dạ con đến bẹn. Khi tử cung to lên, dây chằng sẽ bị căng ra gây đau bụng dưới bên phải hoặc vùng bẹn. Thai phụ nên vận động nhẹ nhàng và tránh các chuyển động mạnh như hắt xì, ho, cười quá nhiều và liên tục, đứng lên quá nhanh.
Đau bụng dưới vào 3 tháng cuối thai kỳ
Ở giai đoạn này, cơ thể mẹ đã có những thay đổi đáng kể so với lúc mới mang thai. Các cơn đau bụng khi mang thai trong cuối thai kỳ có thể xảy ra thường xuyên hơn. Những trường hợp đau bụng dưới trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể là do các nguyên nhân:
- Cơn gò Braxton-Hicks: Đây là những cơn gò nhẹ thường kéo dài khoảng 30 giây đến 1 phút. Cơn gò này khiến bà bầu có cảm giác căng tức bụng dưới khi mang thai 3 tháng cuối. Nó được xem là những cơn đau chuyển dạ giả và sẽ không khiến cổ tử cung mở. Những cơn gò này cho bạn cảm giác quen dần đến khi quá trình chuyển dạ thực sự xảy ra.
- Những bất thường trong dạ con: Đau tức bụng có thể là dấu hiệu chỉ điểm cho tình trạng tiền sản giật hay thậm chí là thai chết lưu. Nếu tình trạng đau tức này đi kèm với xuất huyết âm đạo, sốt, ớn lạnh, buồn nôn hay rỉ dịch âm đạo, bạn nên đi khám.
- Nhau bong non: Nhau bong ra khỏi thành của tử cung sản phụ làm tử cung trở nên căng cứng, từ đó gây cảm giác đau bụng dưới cho người phụ nữ.
- Em bé trong bụng đạp: Đây là một biểu hiện rất phổ biến ở tất cả những người mẹ đang mang thai và là một dấu hiệu cho sự phát triển một cách bình thường và khỏe mạnh của bào thai nằm bên trong bụng của người phụ nữ.
- Dấu hiệu cho thấy con sắp chào đời: Đây có thể là biểu hiện của chuyển dạ thực sự. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy những cơn đau ngày càng dày hơn và cường độ đau tăng lên.
Cơn gò Braxton-Hicks khiến thai phụ bị đau bụng dưới khi mang thai.
Những nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, có một số nguyên nhân đau bụng dưới khi mang thai mà bạn nên chú ý, như:
- Thai phụ ăn uống thiếu dinh dưỡng: Trong quá trình mang thai, hệ tiêu hóa của người phụ nữ bị chèn ép dẫn đến việc tiêu hóa khó khăn hơn. Do đó, thai phụ cần một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Ngoài ra, việc nồng độ Progesterone tăng cao trong quá trình mang thai cũng dẫn đến tiêu hóa kém, từ đó gây đau bụng dưới ở các mẹ bầu.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Thai phụ sẽ thấy đau, khó chịu hoặc nóng rát khi đi tiểu. Nếu bạn có triệu chứng tiểu không kiểm soát, tiểu có mùi hoặc có máu thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thế tiến triển thành nhiễm trùng thận, làm tăng nguy cơ sinh non.
Dấu hiệu đau bụng khi mang thai nguy hiểm
Nếu mẹ bầu gặp phải tình trạng đau bụng khi mang thai đi kèm với những triệu chứng sau đây, thì cần tới bệnh viện để được thăm khám ngay:
- Đau bụng dữ dội kèm theo tình trạng xuất huyết đen lợn cợn như bã cà phê. Ngoài ra, thai phụ còn bị tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa, choáng váng và mệt mỏi... Đây là những dấu hiệu cảnh báo tình trạng chửa ngoài dạ con.
- Mẹ bầu bị đau bụng từng cơn và càng lúc càng nhiều kèm theo đó là ra máu từng cục. Đây là những dấu hiệu của hiện tượng dọa sảy và sảy thai.
- Cơ thể mệt mỏi, thường xuyên choáng váng và bị ngất xỉu.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn nắm được các nguyên nhân gây đau bụng dưới khi mang thai. Khi có bất cứ dấu hiệu nào của đau bụng dưới quanh rốn thì người phụ nữ mang thai không nên có tâm lý chủ quan, cần đến cơ sở y tế sớm để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
XEM THÊM:
- Nguy cơ nhiễm lao phổi ở người bệnh tiểu đường và những khó khăn khi điều trị
- Nghiên cứu mới: Thuốc nhỏ mũi giúp tăng khả năng hồi phục sau đột quỵ