Mục lục [Ẩn]
Nếu là một bệnh nhân tiểu đường, bạn nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất xơ mỗi ngày. Vì sao lại như vậy?
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn biết đến 3 lợi ích tuyệt vời của chất xơ với người bệnh tiểu đường và cách bổ sung chất này sao cho hiệu quả nhất. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
3 lợi ích tuyệt vời của chất xơ với người bệnh tiểu đường
3 lợi ích từ chất xơ giúp kiểm soát tiểu đường
Chất xơ là chất có trong rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu… với cấu tạo chính là các phân tử cacbohydrat như monosaccarit hoặc là polisaccarit. Chất xơ mang lại nhiều lợi ích trên sức khỏe con người, đặc biệt là với những ai mắc bệnh tiểu đường, cụ thể:
Chất xơ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn
Chất xơ giúp làm giảm hoạt lực men tiêu hóa tinh bột là amylase, từ đó giúp các phân tử đường glucose và maltose được giải phóng ra từ từ, làm chậm lại tốc độ tăng đường huyết sau ăn.
Đây là một trong các mục tiêu bác sĩ rất muốn đạt được khi điều trị cho bệnh nhân tiểu đường, giúp họ phòng ngừa tình trạng tăng đường huyết đột biến sau ăn và phòng ngừa biến chứng hiệu quả.
Chất xơ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn
Chất xơ giúp hỗ trợ giảm cân
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 2. Trong quá trình điều trị căn bệnh này, nếu bị thừa cân thì người bệnh cần đưa cân nặng về tiêu chuẩn nếu muốn kiểm soát đường huyết tốt hơn và giảm nguy cơ gặp biến chứng trên tim, thận, mắt, thần kinh.
Trong khi đó, đặc điểm của chất xơ đó là không bị phân hủy và không được hấp thu vào máu, chúng được giữ ở trong dạ dày lâu hơn và tạo cảm giác no lâu hơn, từ đó giúp hỗ trợ giảm cân.
Ngoài ra, nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ có xu hướng ít calo góp phần giúp chúng ta giảm cân hiệu quả.
Chất xơ giúp hỗ trợ giảm cân
Chất xơ góp phần giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường trên hệ tim mạch
Đường huyết tăng cao trong máu sẽ gây tổn thương mạch máu và các dây thần kinh kiểm soát hoạt động của tim và hệ mạch, từ đó gây các biến chứng tiểu đường như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não… Nguy cơ biến chứng này tăng lên khi người bệnh có nồng độ cholesterol trong máu cao.
Nghiên cứu cho thấy, chất xơ ngăn cơ thể bạn hấp thụ một số chất béo và cholesterol xấu, làm giảm mức chất béo trung tính và cholesterol để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho người bệnh.
Ngoài ra, bổ sung chất xơ đúng cách còn mang lại nhiều lợi ích khác như làm mềm phân, giảm táo bón, chất xơ hòa tan là thức ăn để lợi khuẩn phát triển, giúp tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư đại tràng.
Những nguy cơ gặp phải khi bổ sung quá nhiều chất xơ
Chất xơ có hai loại đó là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Cả hai loại này đều tốt cho sức khỏe khi chúng được bổ sung đúng cách và vừa đủ. Nếu ăn quá nhiều hoặc sai cách, con người có thể gặp phải một số tình trạng như sau:
- Gây đầy hơi, tiêu chảy và một số vấn đề về tiêu hóa khác: Việc bổ sung quá nhiều chất xơ trong thời gian ngắn kết hợp với uống không đủ nước, không vận động khiến hơi được sinh ra trong đường tiêu hóa tăng lên, phân bị nhão, lỏng và một số vấn đề khác như đau bụng, mất nước, buồn nôn, tắc ruột, ợ nóng, ợ chua…
- Giảm khả năng hấp thụ khoáng chất: khi dung nạp nhiều hơn 50g chất xơ mỗi ngày, cơ thể chúng ta có thể gặp nguy cơ không thể hấp thụ một số loại khoáng chất như canxi, magie, phốt pho, từ đó làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
Bổ sung quá nhiều chất xơ có thể gây đầy hơi
Hướng dẫn bổ sung chất xơ đúng cách
Để bổ sung chất xơ sao cho mang lại nhiều lợi ích nhất cho cơ thể và phòng tránh các nguy cơ kể trên, bạn nên:
- Bổ sung chất xơ với lượng vừa đủ: Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA) khuyến nghị những người mắc bệnh tiểu đường nên ăn ít nhất 14g chất xơ/1.000 calo mỗi ngày. Lượng khuyến nghị chất xơ có thể thay đổi theo giới tính và độ tuổi:
- Nữ giới 19-30 tuổi nên tiêu thụ khoảng 28g chất xơ/ngày, từ 31-50 tuổi là 25g/ngày.
- Nam giới 19-30 tuổi là 34g/ngày; 31-50 tuổi là 31g và 28g chất xơ với nam giới từ 51 tuổi trở lên.
- Bổ sung chất xơ từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau như: rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt…
- Rau, củ: Hầu hết các loại rau đều có nhiều chất xơ, điển hình là rau họ cải, cà rốt… một số loại củ cũng chứa nhiều chất xơ, điển hình là củ khoai lang.
- Ngũ cốc nguyên cám và các loại hạt: gạo lứt, lúa mạch, hạnh nhân, hạt chia, mì ống nguyên cám, hạt lanh, …
- Ăn các loại đậu: các loại đậu như đậu que, đậu lăng, đậu hà lan,…
- Ăn thêm trái cây nhiều chất xơ như lê, dâu tây, bơ, mâm xôi, chuối, táo,…
Bơ là loại trái cây giàu chất xơ
- Bổ sung chất xơ từ từ, chia đều trong các bữa ăn trong ngày: Bổ sung nhiều chất xơ đột ngột trong chế độ ăn có thể dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa như đầy hơi, táo bón, tiêu chảy,... Do đó, người bệnh nên chia đều lượng chất xơ trong bữa ăn đều đặn, uống nhiều nước. Bạn có thể đặt mục tiêu ăn 3-5 phần rau không chứa tinh bột (một phần là 1/2 chén nấu chín hoặc một chén sống); hai phần trái cây như quả mọng, táo hoặc lê mỗi ngày.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ vào món tráng miệng: các món tráng miệng có thêm chất xơ sẽ rất có lợi cho sức khỏe. Bạn có thể thêm hạt lanh, hạt chia cho vào sữa chua; cho các loại đậu vào món ăn để tăng cường protein và chất xơ.
- Uống đủ nước mỗi ngày và tăng cường vận động để tránh nguy cơ gặp tác dụng phụ khi bổ sung nhiều chất xơ trong ngày.
- Khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng có chứa chất xơ, bạn cần chú ý giảm lượng chất xơ được cung cấp từ thực phẩm trong thực đơn hàng ngày của mình.
- Khi đang gặp tình trạng tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng, nát, bạn nên hạn chế chất xơ.
Bạn cần lưu ý rằng, bổ sung chất xơ trong bữa ăn hàng ngày chỉ là một trong những điều cần làm để hạ và ổn định đường huyết, phòng ngừa biến chứng tiểu đường. Để kiểm soát tốt căn bệnh này, bạn cần chú ý sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, ăn kiêng theo hướng dẫn, tập thể dục điều độ để phòng ngừa biến chứng.
Nếu còn băn khoăn gì khác về chất xơ hay bệnh tiểu đường, bạn vui lòng liên hệ tổng đài miễn cước 0243.766.2222 để được giải đáp. Chúc bạn sức khỏe!
XEM THÊM: