Mục lục [Ẩn]
Viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là một bệnh lý thường gặp ở mắt. Nó rất dễ lây lan và gây ra những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy nguyên nhân gây ra viêm kết mạc là gì? Triệu chứng của căn này ra sao? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh viêm kết mạc? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi đó.
Viêm kết mạc là bệnh về mắt thường gặp ở cả người lớn và trẻ em
Viêm kết mạc là gì?
Kết mạc là một màng nhầy trong suốt và chứa các mạch máu, bao phủ bề mặt của mắt, chạy từ rìa giác mạc đến bờ tự do của mặt sau mi mắt, có chức năng bảo vệ bề mặt mắt, giúp nhãn cầu vận động nhờ vào nếp gấp ở cùng đồ và nếp bán nguyệt.
Viêm kết mạc là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc, thường do nhiễm trùng (do virus, vi khuẩn) hoặc dị ứng.
Ở bệnh nhân bị viêm kết mạc, các mạch máu tại vị trí kết mạc sung huyết và làm cho kết mạc phù, đỏ. Vì vậy, người ta thường gọi viêm kết mạc với tên gọi khác là bệnh đau mắt đỏ.
Nguyên nhân gây ra viêm kết mạc là gì?
Viêm kết mạc do nhiều nguyên nhân gây ra, như:
- Vi khuẩn: Thường gặp do vi khuẩn lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), vi khuẩn bạch hầu (C. Diphtheria) và liên cầu (Streptococcus Pyogenes), phế cầu,... hiếm gặp do não mô cầu (Neisseria Meningitidis).
- Virus: Như Adenovirus, Enterovirus,...
- Dị ứng: Ở những người có tiền sử dị ứng khi tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, bụi nhà, lông thú nuôi,... thì những tác nhân đó sẽ kích thích cơ thể sản sinh các phản ứng viêm, khiến mắt bị đỏ và ngứa.
- Do tiếp xúc với các hóa chất như mỹ phẩm không phù hợp, clo trong bể bơi,...
Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm kết mạc
Triệu chứng đặc trưng nhất của viêm kết mạc là các mạch máu bên trong mắt bị sưng và giãn rộng ra, khiến tròng trắng của mắt xuất hiện các đường màu đỏ. Ngoài ra, tùy vào nguyên nhân gây ra viêm kết mạc, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng khác nhau như:
Viêm kết mạc do vi khuẩn Gram (-)
Còn gọi là viêm kết mạc cấp tiết tố có mủ, do các loại vi khuẩn lậu cầu và não mô cầu gây ra. Bệnh nhân có những triệu chứng như sau:
- Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài ngày, bệnh diễn biến rất nhanh.
- Các triệu chứng xuất hiện ở một mắt và sau đó lan ra hai mắt.
- Trong mắt bệnh nhân xuất hiện nhiều tiết tố mủ bẩn, sau khi lau đi lại xuất hiện rất nhanh. Bệnh nhân thường có mủ nhiều nhất vào ngày thứ 5 mắc bệnh.
Viêm kết mạc do vi khuẩn Gram (+)
Bệnh nhân bị viêm kết mạc do các loại vi khuẩn Gram (+) như vi khuẩn bạch hầu, liên cầu và phế cầu,... có những triệu chứng như sau:
Triệu chứng tại mắt:
- Mi mắt phù nề, căng cứng khó mở và mềm dần sau 1 - 3 ngày.
- Kết mạc mắt cương tụ, phù nề. Sau 1 - 3 ngày, trên bề mặt kết mạc mắt của bệnh nhân thấy xuất hiện màng thật hoặc màng giả. Màng thường bẩn và màu xám. Màng thật khi bóc ra sẽ lộ lớp tổ chức liên kết phía dưới và chảy máu nhiều. Màng giả bóc dễ dàng và ít chảy máu.
- Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị biến chứng là viêm loét giác mạc, viêm nội nhãn.
Triệu chứng toàn thân: Bệnh nhân thường bị sốt, khó thở.
Viêm kết mạc do virus
Bệnh nhân bị viêm kết mạc do virus có những triệu chứng sau:
Triệu chứng tại mắt:
- Bệnh nhân thấy cộm như có bụi trong mắt.
- Mi mắt phù nề.
- Kết mạc cương tụ, phù nề, có ra nhiều tiết tố trắng hoặc dịch hồng.
- Sau 3 - 5 ngày, bệnh nhân có thể thấy giả mạc màu trắng ở kết mạc mi mắt (phần kết mạc bao phủ phía dưới mi mắt), có độ dày mỏng tùy trường hợp.
- Bệnh nhân có khả năng bị viêm chấm biểu mô ở giác mạc.
Triệu chứng toàn thân:
- Nhức đầu nhẹ, đau mỏi người, sốt nhẹ,...
- Bệnh nhân có hạch ở tai.
Biểu hiện của viêm kết mạc do vi khuẩn
Viêm kết mạc do dị ứng
Viêm kết mạc do dị ứng thường có các triệu chứng như sau:
- Chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều.
- Thường kèm theo viêm mũi dị ứng.
- Triệu chứng xảy ra ở cả hai mắt.
Biến chứng viêm kết mạc là gì?
Một số biến chứng đáng lo ngại do viêm kết mạc có thể gây ra như:
- Viêm kết mạc mùa xuân: Nhú gai quá phát ở kết mạc sụn mi trên, gây loét trợt nông giác mạc.
- Mắt hột gây sẹo giác mạc, lông quặm, biến dạng bờ mi, khô mắt, mất thị lực.
- Viêm kết mạc do Adenovirus có thể gây viêm giác mạc chấm nông.
- Vi khuẩn lậu gây viêm kết mạc có thể nhanh chóng diễn tiến sang viêm loét giác mạc, biến chứng thủng nhãn cầu.
Phương pháp điều trị viêm kết mạc là gì?
Hầu hết các trường hợp viêm kết mạc do virus đều nhẹ và sẽ tự khỏi sau 7 – 14 ngày mà không cần điều trị và không để lại di chứng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nhân bị viêm kết mạc kéo dài 2 - 3 tuần mới đỡ. Do đó, để giảm các triệu chứng một cách nhanh chóng, cũng như phòng ngừa biến chứng và lây lan, bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị.
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra những hướng điều trị khác nhau.
Dưới đây là phác đồ điều trị viêm kết mạc của Bộ Y tế:
Điều trị tại mắt:
- Bóc màng mắt hàng ngày.
- Rửa mắt liên tục bằng nước muối sinh lý 0,9% để loại trừ mủ và tiết tố.
- Trong những ngày đầu, bệnh diễn biến nhanh, bạn nên tra nhiều lần (15 - 30 phút/ lần) các thuốc nhỏ mắt chứa một trong các thành phần sau: Aminoglycosid (tobramycin), fluoroquinolon (ofloxacin, ciprofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin,...) và thận trọng khi dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid (Prednisolon acetat, Fluorometholone,...)
- Khi bệnh thuyên giảm, bệnh nhân sẽ giảm số lần tra mắt.
- Bệnh nhân nên phối hợp sử dụng thuốc mỡ tra mắt nhóm trên vào buổi tối.
Điều trị toàn thân: Chỉ sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị viêm kết mạc do lậu cầu, bạch hầu. Bác sĩ sử dụng các loại kháng sinh sau trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, kèm theo triệu chứng toàn thân: Cephalosporin thế hệ 3 dạng tiêm, fluoroquinolon,..
Cách phòng ngừa viêm kết mạc
Viêm kết mạc là bệnh tuy không nguy hiểm nhưng rất dễ lây lan và tái phát. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh này, bạn nên chú ý những điều dưới đây:
- Không dụi tay vào mắt, đặc biệt khi tay đang bẩn. Vì tay chứa rất nhiều vi khuẩn, hành động này có thể khiến vi khuẩn từ tay lên mắt và gây bệnh.
- Không sử dụng chung khăn mặt và vật dụng cá nhân như kính, chậu rửa mặt, thuốc nhỏ mắt,... với người khác.
- Tránh tiếp xúc với môi trường có nhiều dị nguyên như lông động vật, bụi bặm, không khí ô nhiễm và nếu bắt buộc làm trong môi trường đó, cần phải có kính và đồ bảo hộ che chắn đầy đủ.
- Khi nhỏ mắt, tránh chạm đầu của lọ thuốc vào mắt vì rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Chú ý đến hạn sử dụng sau khi mở nắp của các loại thuốc nhỏ mắt: Thường thuốc nhỏ mắt có hạn sử dụng khá dài có thể đến hàng năm, tuy nhiên sau khi đã mở nắp và sử dụng thì hầu hết chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn, tầm 15 ngày sau khi mở nắp.
- Giặt vỏ gối, ga trải giường, khăn mặt và khăn tắm thường xuyên bằng nước nóng và xà bông.
- Không dùng lại những mỹ phẩm trang điểm mắt hết hạn, không dùng chung mỹ phẩm với người khác.
- Điều trị dứt điểm bệnh lậu đường sinh dục (nếu có).
- Tiêm phòng đầy đủ các bệnh cho trẻ.
- Nâng cao sức đề kháng.
Không dụi tay lên mắt để phòng tránh viêm kết mạc
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn nắm được viêm kết mạc là gì, các triệu chứng bệnh viêm kết mạc cũng như cách điều trị và phòng ngừa. Viêm kết mạc, nhất là viêm kết mạc do vi khuẩn rất dễ gây ra những ảnh hưởng xấu cho thị lực. Vì vậy, bạn nên tích cực phòng bệnh, đặc biệt là duy trì vệ sinh cá nhân. Khi có dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm kết mạc, bạn nên nhanh chóng đến các trung tâm y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
XEM THÊM: