Mục lục [Ẩn]
Ngưng thở khi ngủ là hội chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến. Người bệnh thường mệt mỏi vào ban ngày, kém tập trung, có thể dẫn đến tai nạn, chất lượng cuộc sống giảm sút. Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ngưng thở khi ngủ, trong đó hút thuốc lá và uống bia rượu là một trong số đó.
Nghiện thuốc lá, bia rượu tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ
Tại sao nghiện thuốc lá làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ?
Theo các chuyên gia, việc nghiện thuốc lá, thuốc lào làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ do:
- Khói thuốc lá, thuốc lào, xì gà... gây kích ứng viêm biểu mô niêm mạc đường hô hấp, dẫn đến phù nề, làm hẹp đường dẫn khí. Điều này cản trở không khí lưu thông, hiệu quả cung cấp oxy và đào thải khí cacbonic bị giảm sút.
- Hoạt động lông mao của đường thở bị nicotin trong khói thuốc làm tê liệt, khiến chất nhầy, các bụi bẩn, vi trùng... tích tụ khó bị đào thải ra ngoài, dễ dẫn đến viêm nhiễm, tắc nghẽn.
- Nicotin cũng làm phản xạ bảo vệ thần kinh cơ của đường hô hấp cũng suy giảm, trương lực cơ giảm, không đảm bảo giữ được lòng ống dẫn khí đủ thông thoáng khi ngủ, cản trở sự trao đổi khí.
Không chỉ người hút thuốc trực tiếp, những người tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng làm tăng ức chế hô hấp, kích thích thanh quản, tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ. Một nghiên cứu, trên 101.800 trẻ em 3-18 tuổi ở Mỹ cho thấy tiếp xúc với khói thuốc thụ động làm tỷ lệ mắc ngưng thở khi ngủ cao gấp 1,48 lần so với trẻ không tiếp xúc.
Tại sao bia rượu làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ?
Theo các chuyên gia, bia rượu làm rối loạn và ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương, giảm phản ứng của não đến các cơ quan, khiến tín hiệu giữa não và các cơ hô hấp bị gián đoạn. Hệ quả là nhịp thở thường chậm hơn, hơi thở nông, khả năng thở suy giảm.
Ngoài ra, uống bia, rượu trước khi ngủ làm cơ ở cổ họng giãn ra và chùng xuống, cản trở lưu thông không khí. Vào ban đêm, điều này có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp trên, dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ phổ biến có biểu hiện lâm sàng là những cơn ngưng thở từng lúc khi ngủ với thời gian khoảng 5-10 giây. Hầu hết những người bị ngưng thở khi ngủ đều có các triệu chứng như ngáy to và cảm thấy mệt mỏi sau khi ngủ cả đêm.
Các triệu chứng phổ biến nhất của chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:
- Ngáy to
- Thở hổn hển trong khi ngủ
- Khó ngủ, mất ngủ
- Khô miệng sau khi ngủ dậy
- Đau đầu, mệt mỏi vào buổi sáng
- Buồn ngủ quá mức vào ban ngày
- Khó tập trung, chú ý
- Cáu gắt
- Có những giai đoạn ngừng thở trong khi ngủ (do người khác phát hiện).
5 tác hại của ngưng thở khi ngủ?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn góp phần gây ra một số bệnh lý và nguy cơ sức khỏe lâu dài khác, như:
- Tăng huyết áp hoặc các bệnh tim mạch khác: Người bệnh thường bị thức dậy vào ban đêm, gây mất ngủ, căng thẳng kéo dài. Tình trạng này làm tăng các loại hormone gây căng thẳng, ví dụ như cortisol gây tăng huyết áp. Hơn nữa, nồng độ oxy trong máu giảm đột ngột trong thời gian ngưng thở lặp đi lặp lại nhiều lần làm bệnh nhân có nguy cơ bị tăng huyết áp và các vấn đề tim mạch khác như đau tim, nhịp tim không đều, rung tâm nhĩ,… Ở các bệnh nhân có sẵn bệnh nền là bệnh tim, nhiều đợt thiếu oxy máu có thể dẫn đến đột tử.
- Bệnh tiểu đường tuýp 2: Hội chứng ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ kháng insulin, dẫn đến bệnh lý tiểu đường tuýp 2.
- Tổn thương não bộ: Hội chứng ngưng thở khi ngủ làm giảm oxy trong máu, dẫn đến tình trạng viêm trong cơ thể và não. Ngoài ra, hoạt động cung cấp máu lên não bất thường còn làm chết tế bào thần kinh, suy giảm chất trắng gây suy giảm nhận thức. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như mất tập trung, hay quên, phản ứng chậm và rối loạn trí nhớ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm tổn thương đến não bộ.
- Gây tăng cân: Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường có giấc ngủ kém, khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone ghrelin hơn. Đây là loại hormone làm tăng cơn thèm ăn tinh bột và đồ ngọt. Mệt mỏi cũng làm mất động lực tập thể dục hoặc hoạt động tích cực. Điều này khiến người bệnh dễ dàng bị tăng cân. Ngoài ra, nó còn làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Trầm cảm: Giấc ngủ bị xáo trộn khiến bạn kém tập trung trong mọi hoạt động, dễ bị căng thẳng, stress, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu.
Mong rằng bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn về các tác hại của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Rượu bia và thuốc lá đều làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này, vì vậy bạn nên từ bỏ thói quen này. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!