Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Gần Một Nửa Bệnh Nhân Tiểu Đường Type 2 Thiếu Vi Chất

Thứ sáu, 04-07-2025 15:53 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Khi nói đến bệnh tiểu đường type 2, hầu hết mọi người thường tập trung vào kiểm soát đường huyết, cân nặng và chế độ ăn kiêng. Nhưng có một vấn đề âm thầm không kém phần nguy hiểm đang bị bỏ sót: thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Một nghiên cứu mới công bố đã cho thấy, gần một nửa bệnh nhân tiểu đường type 2 đang bị thiếu ít nhất một loại vi chất thiết yếu. Đây không chỉ là một con số thống kê – mà là lời cảnh tỉnh nghiêm túc đối với cộng đồng y tế và từng bệnh nhân.

 

Gần một nửa bệnh nhân tiểu đường tuyp 2 bị thiếu vi chất.

Gần một nửa bệnh nhân tiểu đường tuyp 2 bị thiếu vi chất.

 

Vi chất – “nạn nhân bị lãng quên” trong điều trị tiểu đường

   Nghiên cứu quy mô toàn cầu do nhóm chuyên gia thực hiện đã phân tích dữ liệu từ 132 nghiên cứu, bao gồm hơn 52.000 bệnh nhân tiểu đường type 2 từ nhiều quốc gia. Kết quả gây chú ý: 45,3% bệnh nhân bị thiếu ít nhất một loại vi chất. Đáng nói hơn, tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ (48,6%) so với nam giới (42,5%).

Một số vi chất thiếu phổ biến nhất bao gồm:

  • Vitamin D: có tới 60,45% bệnh nhân thiếu hụt.
  • Magnesium (Magie): khoảng 42%.
  • Vitamin B12: từ 23,8 – 28,7%, đặc biệt tăng cao ở người dùng thuốc metformin lâu dài.
  • Sắt: khoảng 28%.

   Tỷ lệ thiếu vi chất cao nhất được ghi nhận ở các quốc gia thuộc khu vực Châu Mỹ và Đông Nam Á. Phần lớn dữ liệu được thu thập từ môi trường bệnh viện – nơi có xu hướng ghi nhận tỷ lệ thiếu vi chất cao hơn so với cộng đồng.

 

Tỷ lệ các vi chất bị thiếu hụt nhiều nhất ở  bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

Tỷ lệ các vi chất bị thiếu hụt nhiều nhất ở  bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

 

Vì sao người tiểu đường dễ thiếu vi chất hơn người bình thường?

   Không ít bệnh nhân khi phát hiện thiếu hụt vitamin hay khoáng chất thường thắc mắc: "Tôi ăn uống bình thường, sao vẫn thiếu chất?" Câu trả lời nằm ở chính đặc điểm bệnh lý, lối sống và cách điều trị ở người mắc tiểu đường type 2. Dưới đây là những lý do chính khiến tình trạng thiếu vi chất xảy ra phổ biến ở nhóm bệnh nhân này:

  • Chế độ ăn thiếu cân bằng: Bệnh nhân tiểu đường thường hạn chế tinh bột và đường, nhưng lại chưa được hướng dẫn bổ sung đầy đủ thực phẩm giàu vi chất như rau xanh, cá béo, hạt, sữa, trái cây.
  • Biến đổi sinh lý bệnh: Bản thân bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, chuyển hóa và lưu giữ vi chất. Tình trạng tăng đường huyết kéo dài có thể làm rối loạn chức năng thận – ruột, làm thất thoát khoáng chất và vitamin.
  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị: Ví dụ, metformin – thuốc điều trị tiểu đường phổ biến – có thể làm giảm hấp thu vitamin B12 ở ruột non, dẫn đến thiếu hụt nếu sử dụng kéo dài.
  • Lối sống không lành mạnh: Hút thuốc, uống rượu, ít vận động và stress kéo dài đều góp phần làm giảm dự trữ vi chất trong cơ thể.
  • Bệnh nặng – Dinh dưỡng kém: Những bệnh nhân điều trị nội trú thường ăn uống kém, dẫn đến thiếu chất ngay cả khi khẩu phần ăn có vẻ đủ năng lượng.

 

Hậu quả của thiếu vi chất: Không chỉ là mệt mỏi

   Nhiều người thường đánh giá thấp ảnh hưởng của thiếu vi chất, cho rằng chỉ gây mệt mỏi nhẹ hoặc giảm sức đề kháng. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân tiểu đường type 2, thiếu hụt vi chất có thể làm rối loạn toàn bộ hệ thống chuyển hóa, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng:

  • Rối loạn kiểm soát đường huyết: Vitamin D giúp cải thiện chức năng tế bào beta của tuyến tụy – nơi sản xuất insulin. Cùng với đó, magie hỗ trợ tăng độ nhạy insulin ở mô. Khi thiếu hai chất này, quá trình sử dụng glucose trong cơ thể bị rối loạn, dẫn đến đường huyết tăng cao và kiểm soát bệnh kém hiệu quả.
  • Tổn thương hệ thần kinh: Thiếu vitamin B12 ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của dây thần kinh ngoại biên và não bộ. Ở người tiểu đường, tình trạng thiếu B12 kéo dài có thể làm nặng thêm biến chứng thần kinh – gây tê bì, đau rát bàn chân, suy giảm trí nhớ và nhận thức.
  • Thiếu máu và suy nhược kéo dài: Sắt và B12 là hai yếu tố cần thiết để tạo hồng cầu. Khi thiếu, bệnh nhân dễ bị thiếu máu nhược sắc, dẫn đến da xanh xao, hoa mắt, giảm vận động và kiệt sức kéo dài, làm giảm khả năng sinh hoạt thường ngày.
  • Gia tăng nguy cơ biến chứng tim mạch: Magie có vai trò duy trì nhịp tim đều đặn và kiểm soát huyết áp. Ở bệnh nhân tiểu đường đã có sẵn nguy cơ tim mạch cao, thiếu magie càng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong sớm.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Sự thiếu hụt kéo dài của các vi chất còn gây rối loạn giấc ngủ, dễ mắc nhiễm trùng, viêm nhiễm mạn tính và khiến người bệnh dễ rơi vào trầm cảm. Đây là những yếu tố làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng sống và hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường.

 

Giải pháp phòng ngừa: Kiểm soát đường huyết chưa đủ

   Để đối phó với tình trạng thiếu vi chất ở bệnh nhân tiểu đường type 2, cần một chiến lược toàn diện hơn là chỉ kiểm soát đường huyết:

Tầm soát định kỳ:

Hãy trao đổi với bác sĩ để được xét nghiệm vitamin D, B12, magie, sắt… khi khám định kỳ. Việc phát hiện sớm thiếu hụt giúp can thiệp kịp thời.

Ăn uống khoa học:

  • Tăng cường thực phẩm giàu vi chất: cá béo, trứng, sữa, các loại hạt, đậu, rau xanh đậm, gan, trái cây.
  • Ưu tiên thực phẩm toàn phần (whole food), tức là các loại thực phẩm giữ nguyên cấu trúc tự nhiên, chưa qua tinh chế hoặc chế biến sâu – ví dụ như rau củ tươi, gạo lứt, thịt cá tươi, đậu hạt. Những thực phẩm này giữ lại phần lớn vitamin, khoáng chất và chất xơ tự nhiên.
  • Hạn chế thực phẩm siêu chế biến như xúc xích, mì ăn liền, nước ngọt, bánh kẹo đóng gói – vì chứa ít vi chất và nhiều đường, muối, chất bảo quản.
  • Sử dụng thực phẩm tăng cường (fortified food), tức là những sản phẩm đã được bổ sung thêm vi chất trong quá trình sản xuất – ví dụ như sữa có bổ sung vitamin D, ngũ cốc ăn sáng có thêm vitamin B12,...

 

Người bệnh tiểu đường ưu tiên thực phẩm toàn phần.

Người bệnh tiểu đường ưu tiên thực phẩm toàn phần.

 

Bổ sung vi chất khi cần thiết:

  • Theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt với vitamin D, B12, magie và sắt.
  • Chọn sản phẩm có kiểm định rõ ràng, tránh dùng tùy tiện.

Thay đổi lối sống:

  • Tăng vận động thể chất, kiểm soát cân nặng.
  • Ngủ đủ, tránh stress.
  • Ngưng thuốc lá, hạn chế rượu bia – cả hai đều cản trở hấp thu và làm mất vi chất.

   Thiếu vi chất là một “cơn đói ẩn giấu” đang âm thầm làm trầm trọng thêm tình trạng tiểu đường type 2. Việc điều trị tiểu đường hiệu quả không chỉ là kiểm soát chỉ số đường huyết, mà còn cần quan tâm đến những dưỡng chất nhỏ bé nhưng thiết yếu cho toàn bộ cơ thể. Đừng để cơ thể gục ngã vì những thiếu hụt mà bạn có thể phòng tránh được.

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222