Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Bỏng thực quản ở trẻ và cách xử lý dành cho cha mẹ

Thứ hai, 28-10-2019 11:20 AM

bỏng thực quản ở trẻ

Hằng năm, khoa TMH - bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng trên dưới 10 trường hợp bỏng thực quản do trẻ cố ý hoặc uống nhầm hóa chất, thường gặp nhất là nước tẩy rửa (javel), acid và nguy hiểm nhất là nước tro tàu.

Sau giai đoạn bỏng, niêm mạc nơi thực quản bị tổn thương sẽ hình thành sẹo co rút, làm lòng thực quản teo nhỏ dần, khiến trẻ không thể ăn uống được. Hậu quả là trẻ suy kiệt dần, phải ăn qua ống hoặc mở dạ dày qua da và có thể dẫn đến tử vong.

 

Trẻ có thể bị bỏng thực quản trong những tình huống nào?

 

Tình huống thường gặp nhất là trẻ uống nhầm nước tẩy rửa (javel). Hiện nay, loại dung dịch này đã trở nên khá quen thuộc và cần thiết đối với mỗi gia đình. Tuy nhiên, sau khi làm vệ sinh xong, người lớn thường để chai nước tẩy rửa trong tầm với của trẻ mà không để ý. Do đó, trẻ có thể uống phải dung dịch này và lập tức bị bỏng thực quản. Một loại hóa chất nguy hiểm khác mà trẻ dễ uống nhầm gây bỏng thực quản là axit, thường thấy ở những gia đình sản xuất pin hay làm ắc-quy thủ công. Nguyên nhân cũng xuất phát từ sự chủ quan của người lớn.

Ngoài ra, xút (soude) cũng là loại hóa chất gây bỏng thực quản nghiêm trọng khi uống phải. Thường xảy ra ở những gia đình sản xuất xà phòng tại nhà có những chai đựng xút. Trẻ tưởng là chai nước nên dễ uống nhầm.

Đáng chú ý là thời điểm mùng 5 tháng 5 âm lịch, trung thu hoặc vào những dịp lễ tết, người dân thường pha nước tro tàu để làm bánh tro và trẻ có thể uống nhầm nước này gây bỏng thực quản nghiêm trọng.

 

Trẻ bị bỏng thực quản sẽ có những biểu hiện gì?

 

Biểu hiện của trẻ khi bị bỏng thực quản sẽ diễn tiến qua 3 giai đoạn:

-  Đầu tiên là giai đoạn cấp tính, ngay sau khi uống nhầm chất gây bỏng, trẻ sẽ thấy nóng rát, bỏng rộp môi, lưỡi, họng. Sau đó, trẻ sẽ không ăn uống được vì đau rát và có thể kèm theo sốt. Bề mặt môi, miệng, lưỡi có những mảng trắng, gọi là giả mạc.

-  Tình trạng trên kéo dài khoảng 5-6 ngày thì chuyển sang giai đoạn 2. Lúc này, do giả mạc bong tróc ra nên trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, bớt đau rát, ăn uống khá hơn và bớt sốt. Đây là giai đoạn mà cơ thực quản bắt đầu hình thành lớp sẹo xơ, dần dần gây hẹp lòng thực quản. Tuy nhiên, vì thấy trẻ khỏe hơn nên gia đình tưởng lầm trẻ đã khỏi bệnh. Vì vậy, người ta gọi đây là giai đoạn hết bệnh giả.

-  Khoảng 7-8 ngày sau, trẻ sẽ cảm thấy nuốt nghẹn, nuốt khó cho thấy bệnh đã chuyển sang giai đoạn 3: sẹo hẹp thực quản. Ban đầu là nuốt nghẹn khi ăn đồ cứng như cơm, dần dần trẻ ăn đồ mềm như cháo cũng thấy nghẹn và cuối cùng trẻ nghẹ ngay cả khi uống nước. Đó là do sẹo hẹp tăng dần làm lòng thực quản ngày càng chít hẹp. Trẻ sẽ luôn cảm thấy đói khát, mệt mỏi và sụt cân nhanh chóng do không ăn uống được.

 

Làm gì khi trẻ bị bỏng thực quản?

 

-  Ngay sau khi người lớn thấy trẻ uống hóa chất, hoặc có những biểu hiện nghi ngờ thì lập tức đưa đến bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng càng sớm càng tốt.

-  Tại bệnh viện trẻ sẽ được thăm khám kỹ lưỡng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh và có cách điều trị nội khoa hợp lý như: sử dụng thuốc kháng viêm, băng dạ dày và kháng sinh ngừa bội nhiễm.

-  Sau đó, sẽ tiến hành nội soi thực quản để đánh giá toàn bộ tổn thương một cách chính xác.

-  Tiếp theo, trẻ được đặt ống bằng nhựa từ 1 bên mũi xuống họng và vào lòng thực quản. Đây là ống sonde dạ dày. Mục đích đặt ống này là để nong thực quản và không cho thực quản hẹp hơn nữa. Ngoài ra, có thể cho trẻ ăn uống qua ống này để không bị suy kiệt.

-  Trẻ phải mang ống này khá lâu, từ 6 tháng đến 1 năm. Và sau mỗi tháng đi tái khám, trẻ sẽ được soi lại để đánh giá lại và tiếp tục đặt ống nong.

-  Trong thời gian mang ống, trẻ sẽ không được ăn đồ cứng mà chỉ nên ăn những thực phẩm mềm như cháo, súp, sữa…

-  Trường hợp trẻ bỏng thực quản đã diễn tiến đến giai đoạn 3, khả năng nong thực quản để trẻ ăn uống được là rất thấp. Do đó, thường bác sĩ ngoại nhi sẽ cắt bỏ đoạn thực quản bị hẹp rồi nối ruột từ dưới lên để thay thế. Tuy nhiên, phẫu thuật này khá khó khăn, tốn kém, nguy hiểm và kết quả không phải lúc nào cũng như ý.

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222