Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Rượu ngâm, rượu thuốc - Lợi bất cập hại

Thứ hai, 30-12-2024 16:36 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Ở Việt Nam, việc ngâm rượu với các loại động vật, thực vật với mong muốn mang lại tác dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, lợi đâu chưa thấy, nhiều người đã phải gánh chịu những hậu quả khôn lường do hạn chế về kiến thức và cách ngâm sai lầm.

 

Rượu ngâm, rượu thuốc - Lợi bất cập hại

Rượu ngâm, rượu thuốc - Lợi bất cập hại

 

Gan nhiễm độc nặng do uống rượu ngâm lá cây

   Nhiều người thường có thói quen sưu tầm lá, rễ, củ, quả cây rừng hoặc động vật, nội tạng của động vật về ngâm rượu vì nghĩ rằng nó là rượu thuốc, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi áp dụng sai cách, người dùng có thể gặp nguy hiểm.

    Như theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đơn vị này vừa tiếp nhận một trường hợp người đàn ông 62 tuổi bị suy gan cấp do viêm gan nhiễm độc sau khi uống rượu ngâm lá cây.

   Được biết, bệnh nhân không có tiền sử bệnh gan mà có tiền sử đặt 2 stent động mạch vành và dùng thuốc uống theo đơn ngoại trú, phẫu thuật thủng dạ dày cách đây 40 năm.

    Thông tin từ gia đình, bệnh nhân được người dân trong xóm giới thiệu tác dụng của một số loại lá cây, ông đã tự đi lấy, nấu thành cao và ngâm rượu. Trong suốt thời gian một tháng,  mỗi ngày bệnh nhân đều uống khoảng 500ml loại rượu ngâm này.

    Sau thời gian sử dụng, bệnh nhân thấy trong người mệt mỏi, mức độ ngày càng tăng dần, vàng mắt và da. Sau 1 tuần điều trị tại một bệnh viện tư nhân ở Tuyên Quang, thấy tình trạng bệnh không tiến triển, gia đình lập tức chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

   Bệnh nhân vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng  ý thức suy giảm, lơ mơ, da niêm mạc, củng mạc mắt vàng đậm. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng rất cao. Bệnh nhân được nhận định suy gan cấp, chỉ định theo dõi do viêm gan nhiễm độc.

   Bệnh nhân được lọc thay huyết tương, điều trị hồi sức tích cực nâng đỡ gan, chống phù não kết hợp các biện pháp giảm amoniac trong máu, đảm bảo hô hấp và dinh dưỡng. Sau 6 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, ăn uống tốt, ngủ ngon, da không còn vàng, các chỉ số xét nghiệm đã trở về gần giới hạn bình thường và được xuất viện.

   Trên thực tế, tình trạng nhập viện vì sử dụng rượu thuốc “vô tội vạ” không phải là hiếm. Trước đó, vào tháng 8/2024 hai người đàn ông ngoài 40 tuổi co giật, tím tái toàn thân, vào viện đã ngừng thở, nguy kịch sau khi uống rượu ngâm rễ cây rừng. Theo chia sẻ của người nhà, trước đó, bệnh nhân có sử dụng rượu ngâm rễ cây. Sau khi uống, cả hai xuất hiện kích thích, co giật, gọi hỏi không trả lời, kèm tím tái, ngừng thở. Rễ cây bệnh nhân sử dụng nghi ngờ là rễ cây hồi, vốn sử dụng để xoa bóp. Các bác sĩ chẩn đoán nạn nhân bị ngộ độc cấp tính, diễn biến phức tạp, nguy cơ tử vong cao. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bệnh nhân bị suy đa tạng, tổn thương sọ não.

   Theo thống kê của Bộ Y tế, trong các vụ ngộ độc từ rượu thì các vụ ngộ độc từ rượu trắng chiếm khoảng 42%, rượu ngâm cây “thuốc” khoảng 36%, rượu ngâm động vật và phủ tạng (ong đất, tắc kè, mật động vật các loại) khoảng 10%. Những con số này là lời chuông cảnh tỉnh cho những người có sở thích uống rượu không rõ nguồn gốc.

 

Một lượng lớn cây thuốc phiện được bán để ngâm rượu bị công an thu giữ.

Một lượng lớn cây thuốc phiện được bán để ngâm rượu bị công an thu giữ.

 

Hậu quả tai hại khi sử dụng rượu ngâm, rượu thuốc sai cách

    Hàng năm, có hàng trăm trường hợp ngộ độc do rượu ngâm, nhẹ thì nôn mửa, rối loạn hành vi, nặng hơn thì bệnh nhân hôn mê sâu, trụy mạch, mặc dù được cứu chữa  nhưng vẫn có thể phải mang di chứng nặng nề.

    Trên thực tế, trong y học cổ truyền,  rượu là chất dẫn thuốc, nhiều loại dược liệu như thảo dược hay động vật có tác dụng tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc động vật thì việc sử dụng không đúng cách rất dễ gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

   Một số tác hại có thể gặp phải khi ngâm rượu thuốc sai cách là:

  • Trong máu của động vật thường bị nhiễm ký sinh trùng. Bên cạnh đó, trong quá trình lấy máu của chúng lại không đảm bảo vệ sinh, thêm việc ngâm rượu sai cách sẽ khiến ký sinh trùng sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi uống rượu và gây bệnh.
  • Hiệu quả của các loại rượu ngâm vẫn chưa được kiểm chứng và chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm. Rượu thuốc nếu uống tùy tiện sẽ gây ra ngộ độc, dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận, tăng huyết áp hoặc nhiễm khuẩn đường ruột…
  • Với rượu ngâm động vật, khi nồng độ cồn của rượu giảm dần theo thời gian thì các chất đạm tiết ra từ động vật rất dễ bị ôi, hư và nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn… từ đó làm tăng nguy cơ ngộ độc.
  • Nguồn rượu dùng để ngâm dược liệu không đảm bảo gây ngộ độc rượu. Trên thực tế, không hiếm vụ ngộ độc rượu do nguồn rượu chưa loại bỏ các chất độc hại aldehyt, furfurol, methanol... sinh ra trong quá trình lên men và chưng cất. Các chất này gây độc thần kinh, dễ gây tử vong.
  • Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, người sử dụng bị sụt cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, suy gan, xơ gan, có thể ung thư gan, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần…

 

Lời khuyên cho người dân khi sử dụng rượu thuốc

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, hạn chế ngộ độc rượu, người dân cần lưu ý:

  • Tuyệt đối không dựa vào tin đồn mà mua nguyên liệu lạ về ngâm.
  • Khi có nhu cầu sử dụng, cần mua tại các cơ sở Đông dược có tư cách pháp nhân và cần có sự tư vấn của thầy thuốc y học cổ truyền.
  • Người dùng phải biết thể trạng, sức khỏe của bản thân, với sự tư vấn của thầy thuốc để có thể kết luận uống loại rượu thuốc nào, liều lượng ra sao, thời điểm nào.
  • Chỉ nên dùng 1 - 2 ly nhỏ cách ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, nên kết hợp ăn uống đầy đủ dưỡng chất và có chế độ rèn luyện phù hợp để đảm bảo sức khỏe.
  • Hạn chế rượu với người mất máu nhiều (chấn thương, vừa mới cho máu), nam giới sau khi uống rượu nhiều nên kiêng sinh hoạt tình dục.
  • Khi uống rượu nên hạn chế hút thuốc lá, dùng đồ uống có cafein.
  • Không uống rượu khi đang dùng thuốc có tương kỵ với rượu.
  • Không lái xe, vận hành máy móc sau khi uống rượu.

 

Các lưu ý để tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết sắp tới.

Các lưu ý để tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết sắp tới.

 

   Rượu thuốc có thể mang lại nhiều tác hại cho sức khỏe nếu không được sử dụng đúng cách. Người dân không nên tự ý nghe tin đồn mà tùy ý sử dụng các loại rượu thuốc khi chưa có sự tư vấn của các chuyên gia. Khi có triệu chứng ngộ độc như nôn, buồn nôn, đau bụng, đại tiện phân lỏng hay hôn mê, co giật, mất ý thức, phải tới ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222