Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Giảm cân có giúp bệnh tiểu đường của bạn thuyên giảm không?

Thứ sáu, 14-04-2023 15:17 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Chúng ta đều biết thừa cân, béo phì là một yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 của người thừa cân cao gấp khoảng 2,4 lần những người có cân nặng khỏe mạnh, còn nếu bạn bị béo phì, nguy cơ này cao gấp khoảng 6 lần. Một tin tức tốt dành cho những người mắc bệnh tiểu đường: nghiên cứu cho thấy giảm cân và thay đổi lối sống có thể giúp bạn đẩy lùi bệnh tiểu đường và ngăn ngừa các biến chứng về lâu dài. Bài viết này đưa ra những lưu ý cần thiết giúp bạn giảm cân và đẩy lùi bệnh tiểu đường tuýp 2.

 

bệnh nhân tiểu đường ở Mỹ thừa cân

90% bệnh nhân tiểu đường ở Mỹ thừa cân hoặc béo phì.

 

Tiêu chuẩn để kết luận bệnh tiểu đường tuýp 2 thuyên giảm? Nghiên cứu về khả năng làm thuyên giảm bệnh tiểu đường tuýp 2 của việc giảm cân.

   Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, bệnh tiểu đường được coi là thuyên giảm khi bệnh nhân duy trì được mức đường huyết bình thường trong phạm vi ba tháng trở lên mà không cần dùng thuốc trị tiểu đường.

   Giảm cân thông qua thói quen sinh hoạt lành mạnh hoặc phẫu thuật giảm béo đã được chứng minh là giúp bệnh tiểu đường thuyên giảm.

   Trong một thử nghiệm lâm sàng vào năm 2020, những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đã tuân theo chương trình can thiệp lối sống bao gồm chế độ ăn ít calo và tập thể dục thường xuyên. Kết quả, sau một năm, những người tham gia nghiên cứu đã giảm trung bình 11,7 kg và khoảng 61% số bệnh nhân đã thuyên giảm thành công bệnh tiểu đường.

   Bệnh tiểu đường tuýp 2 dễ thuyên giảm nhất trong giai đoạn đầu của bệnh. Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân tiểu đường chỉ cần giảm 10% - 15% tổng số cân nặng trong vòng hai năm sau khi chẩn đoán để thuyên giảm bệnh tiểu đường. Trong các giai đoạn sau của bệnh, khả năng sản xuất insulin của cơ thể đã yếu đi khiến bệnh tiểu đường khó thuyên giảm được hơn.

 

Mối liên hệ giữa cân nặng và bệnh tiểu đường tuýp 2

   Thừa cân và béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm bệnh tiểu đường tuýp 2. Béo phì là nguyên nhân của gần một nửa số trường hợp mắc bệnh tiểu đường mới ở Hoa Kỳ mỗi năm. Ngược lại, gần 90% trong số 37 triệu người Mỹ mắc bệnh tiểu đường loại 2 được phân loại là thừa cân hoặc béo phì.

   Bệnh tiểu đường tuýp 2 được đặc trưng bởi lượng đường (glucose) trong máu cao. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 khi khả năng sản xuất insulin của cơ thể bị suy giảm hoặc bệnh nhân bị kháng insulin. Thông thường, khi bạn ăn, tuyến tụy tiết ra insulin kích thích các tế bào khắp cơ thể của bạn hấp thụ glucose từ máu, giúp giảm glucose trong máu.

 

Mỡ nội tạng ở người béo phì ngăn chặn tác dụng của insulin.

Mỡ nội tạng ở người béo phì ngăn chặn tác dụng của insulin.

 

   Nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Leiden (Hà Lan) cho thấy mỡ thừa xung quanh gan và các mỡ nội tạng (mỡ bao quanh các cơ quan) đóng vai trò ngăn chặn tác dụng của insulin và khiến glucose không thể đi vào tế bào, gây tăng đường huyết. Tỷ lệ mỡ trong cơ thể một người càng cao thì cơ thể càng bị kháng insulin. Đặc biệt, những người có mỡ bụng dư thừa có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.

 

Các phương pháp giảm cân cho người bị tiểu đường tuýp 2

   Chúng ta đã biết rằng giảm cân giúp bạn ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh tiểu đường tuýp 2. Để kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2 tốt hơn, bạn chỉ cần giảm từ 3 – 5% trọng lượng cơ thể. Bệnh nhân tiểu đường có những phương pháp giảm cân sau:

Giảm cân thông qua thay đổi lối sống

 

Giảm cân bằng cách ăn một chế độ ăn lành mạnh.

Giảm cân bằng cách ăn một chế độ ăn lành mạnh.

 

   Phương pháp giảm cân tốt nhất là lựa chọn một lối sống lành mạnh và duy trì nó. Việc thay đổi lối sống để giảm cân giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu, tăng mức năng lượng, đồng thời cải thiện sức khỏe và hạnh phúc tổng thể của bạn. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn giảm cân thông qua thay đổi lối sống đã được chứng minh là đúng đắn, bao gồm:

  • Đặt một mục tiêu giảm cân cụ thể: Bạn hãy đặt một mục tiêu thực tế trong tầm khả năng của bạn (ví dụ giảm 1 cân mỗi tuần) và chúc mừng mỗi cột mốc bạn đạn được. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ ADA khuyến nghị hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường nên giảm ít nhất 5% trọng lượng cơ thể.
  • Ăn những khẩu phần thức ăn nhỏ hơn: Để giảm lượng calo nạp vào và giảm cân, bạn nên ăn những khẩu phần thức ăn nhỏ hơn trước, đặc biệt với những loại thức ăn chứa nhiều calo, chất béo bão hòa và đường bổ sung.
  • Tập trung vào những thực phẩm lành mạnh: Bạn nên ăn những thực phẩm lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng như trái cây, rau, các loại hoạt và ngũ cốc nguyên hạt thay vì thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh.
  • Uống nhiều nước: Uống nhiều nước lọc và hạn chế những loại nước ngọt, các loại nước chứa nhiều đường bổ sung và đồ uống có cồn.
  • Tập thể dục thường xuyên: Bệnh nhân tiểu đường nên đặt mục tiêu tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần (khoảng 21 phút mỗi ngày), ví dụ đi bộ nhanh, bơi lội hoặc đạp xe. Ngoài ra, việc tập các bài tập rèn luyện sức mạnh từ hai đến ba lần một tuần như cử tạ sẽ giúp bệnh nhân xây dựng cơ bắp, đốt cháy chất béo và thúc đẩy quá trình giảm cân.

   Một nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh béo phì và tiểu đường loại 2 sau khi tuân theo kế hoạch ăn kiêng và tập thể dục trong sáu tháng đã giảm trung bình 13,6 kg và gần một nửa đã thuyên giảm bệnh tiểu đường.

Phẫu thuật giảm cân

   Phẫu thuật giảm cân là một thủ thuật điều chỉnh dạ dày và ruột để điều trị bệnh béo phì và thúc đẩy quá trình giảm cân. Mục đích của thủ thuật này để giảm lượng thức ăn ăn vào và làm giảm cảm giác đói giúp bệnh nhân đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

 

Phẫu thuật giảm cân

Phẫu thuật giảm cân là một thủ thuật điều chỉnh dạ dày và ruột.

 

Phẫu thuật giảm cân chỉ được dành cho những đối tượng sau:

  • Bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) > 40 kg/m2
  • Bệnh nhân có BMI > 35 kg/m2 cộng thêm một biến chứng nghiêm trọng (ví dụ: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu,…) và giảm cân lành mạnh không thành công trong thời gian trước đó.

Các biện pháp phẫu thuật giảm béo phổ biến nhất là:

  • Nối tắt dạ dày kiểu Roux-en-Y (RYGB)
  • Cắt tạo hình dạ dày hình ống
  • Đai dạ dày điều chỉnh được

   Một nghiên cứu nhằm mục đích tìm hiểu lợi ích của phẫu thuật giảm cân đối với những người mắc đồng thời bệnh béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2 cho thấy, 64% người tham gian đã thuyên giảm trong vòng một năm sau khi làm thủ thuật. Một đánh giá nghiên cứu cho thấy phẫu thuật giảm cân đã giúp kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2 ở 80% số bệnh nhân. Đặc biệt, đối với một số bệnh nhân, đường huyết đã trở lại mức bình thường trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau thủ thuật.

Những điều cần chú ý sau khi bệnh tiểu đường thuyên giảm nhờ giảm cân

   Sau khi bệnh tiểu đường của bạn thuyên giảm nhờ giảm cân, bạn vẫn cần duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường của bạn tái phát sau khi tăng cân. Bạn nên duy trì cân nặng hợp lý bằng cách ăn uống bổ dưỡng và chăm chỉ vận động để giúp bệnh tiểu đường thuyên giảm.

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn biết thêm được tác dụng của giảm cân trong việc đẩy lùi bệnh tiểu đường. Thừa cân hoặc béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tiểu đường tuýp 2. Bạn nên thay đổi lối sống để hỗ trợ giảm cân bằng cách ăn chế độ ăn ít calo, hạn chế đường bổ sung và tập thể dục khoảng 150 phút mỗi tuần. Ngoài ra, bạn cần hiểu rằng, bệnh tiểu đường đã thuyên giảm không có nghĩa là bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn. Để ngăn ngừa tái phát, những người bệnh tiểu đường đã thuyên giảm thành công vẫn cần phải duy trì lối sống lành mạnh để giữ đường huyết ở mức bình thường. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì về bệnh tiểu đường, mời bạn gọi đến số điện thoại 0243.766.2222 để được các dược sĩ có chuyên môn tư vấn miễn phí. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222