Mục lục [Ẩn]
Các tỉnh Nam bộ đang trong mùa mưa, độ ẩm cao, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus sinh sôi, gây bệnh cho con người. Trong đó, người bệnh tiểu đường với hệ miễn dịch bị suy yếu do đường huyết cao sẽ dễ mắc các bệnh theo mùa hơn người bình thường.
Người bệnh tiểu đường dễ mắc các bệnh lý gì mùa mưa?
Những bệnh người tiểu đường có thể mắc trong mùa mưa
Dưới đây là một số bệnh người tiểu đường thường gặp trong mùa mưa:
Bệnh về da
Trong mùa mưa, có nhiều chỗ ẩm ướt cả trong và ngoài nhà, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vi khuẩn dễ xâm nhập vào cơ thể khiến người tiểu đường mắc bệnh về da, như bệnh nước ăn chân do nhiễm nấm Candida và Blastomyces. Nếu người bệnh ngâm tay chân trong nước lâu, làm tổn thương các kẽ ngón chân.
Nếu không điều trị kịp thời, vết loét có nguy cơ bị lan rộng và nhiễm khuẩn, khiến bệnh trở nên càng nghiêm trọng hơn. Ở những người bệnh không kiểm soát tốt đường huyết, hệ miễn dịch suy yếu sẽ làm cho vết thương lâu lành, dễ gây nhiễm trùng nặng, biến chứng bàn chân tiểu đường.
Sốt rét, sốt xuất huyết
Các vũng nước đọng khi trời mưa sẽ tạo môi trường sinh sản thuận lợi cho muỗi. Đặc biệt, muỗi Anopheles thường mang theo virus sốt rét, gây bệnh sốt rét ở người. Không chỉ người tiểu đường, người bình thường cũng có khả năng cao mắc bệnh sốt rét trong mùa mưa.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có nguy cơ bị sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, lây lan chủ yếu do muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus.
Người tiểu đường có hệ miễn dịch suy yếu, đường huyết tăng cao làm tăng nguy cơ viêm và biến chứng. Điều này khiến cho những đối tượng này bị sốt rét và sốt xuất huyết thường nghiêm trọng, dễ diễn tiến nặng và biến chứng hơn so với người không mắc bệnh tiểu đường.
Cảm cúm, cảm lạnh
Ở người bình thường, cảm cúm hay cảm lạnh chỉ là vấn đề nhỏ, có xu hướng tự khỏi trong 7-10 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở bệnh nhân tiểu đường, bệnh có thể diễn biến nặng hơn và dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Theo các nghiên cứu, người bệnh tiểu đường nhiễm cúm sẽ làm tăng nguy cơ nhập viện và tử vong. Cụ thể, theo dữ liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), 30% số trường hợp người trưởng thành phải nhập viện do mắc cúm có bệnh nền là tiểu đường. Thêm nữa, nguy cơ tử vong do biến chứng cúm ở người bệnh tiểu đường cao gấp 3 lần so với người khỏe mạnh.
Bệnh cúm có thể trở nên nghiêm trọng ở bệnh nhân tiểu đường.
Viêm mắt
Các virus phát triển khi nguồn nước bị ô nhiễm cũng khiến người bệnh tiểu đường phải đối diện với nguy cơ viêm mắt. Bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm trùng hơn người bình thường. Phần lớn do đường huyết không được kiểm soát đúng cách, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm giảm khả năng chống nhiễm trùng.
Người bệnh tiểu đường nên làm gì để phòng bệnh khi mùa mưa?
Có thể thấy, bệnh tiểu đường gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, người bệnh tiểu đường phải cẩn thận hơn và tuân theo các bước phòng ngừa để tránh các mối lo ngại về sức khỏe trong thời gian này, như:
Kiểm soát tốt đường huyết
Đường huyết cao khiến hệ miễn dịch của bệnh nhân tiểu đường suy giảm, họ dễ bị nhiễm trùng hơn và các vết thương lâu lành hơn. Vì vậy, để phòng bệnh, việc kiểm soát đường huyết là vô cùng nghiêm trọng. Bên cạnh việc duy trì chế độ ăn uống phù hợp, người bệnh tiểu đường phải duy trì hoạt động và duy trì thói quen tập thể dục đều đặn. Ví dụ, một bài tập thể dục ngắn 30 phút hoặc đi bộ trong nhà có thể giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát đường huyết.
Bổ sung các loại thực phẩm tăng cường miễn dịch
Bệnh tiểu đường làm giảm khả năng miễn dịch của bạn, vì vậy, bệnh nhân tiểu đường cần chú ý bổ sung các loại thực phẩm tăng cường miễn dịch và giàu chất chống oxy hóa, giàu vitamin C và các khoáng chất cần thiết giúp nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
Bên cạnh đó, những người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn uống ở những quán ăn ngoài đường, hạn chế nguy cơ mắc bệnh qua đường ăn uống.
Chăm sóc bàn chân
Những người mắc bệnh tiểu đường phải chăm sóc đôi chân nhiều hơn trong mùa mưa, như:
- Tránh đi bộ qua nước hoặc bùn.
- Mang giày thoải mái, khô và sạch.
- Làm sạch móng tay và bàn chân bằng xà phòng nhẹ. Đặc biệt là ở khu vực giữa các ngón chân. Ngăn ngừa ẩm ướt hoặc nấm mốc.
- Cắt móng chân có đầu thẳng và duy trì độ ngắn hợp lý.
Người bệnh tiểu đường cần rửa chân sau khi tiếp xúc với nước mưa
Phòng cảm cúm, cảm lạnh
Bên cạnh việc tiêm vắc xin, để phòng ngừa nhiễm cúm, bệnh nhân tiểu đường nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Rửa tay thường xuyên.
- Virus cúm có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt, vì vậy hãy rửa các bề mặt bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng khác.
- Giữ không gian sinh hoạt thoáng mát, sạch sẽ.
- Đeo khẩu trang khi ra nơi đông người.
- Theo dõi tình hình lây lan bệnh cúm trong cộng đồng của bạn và cân nhắc việc ở nhà nếu số ca mắc cao.
Bảo vệ đôi mắt của bạn
Người bệnh cần chú ý:
- Không chạm tay vào mắt, nếu cần thiết thì chỉ chạm vào mắt khi đã rửa tay sạch sẽ.
- Hãy đảm bảo kiểm tra mắt thường xuyên để loại trừ bệnh võng mạc tiểu đường.
- Tránh để nước mưa rơi thẳng vào mắt: Khi ra ngoài trời mưa hãy dùng ô hoặc đeo kính bảo hộ để che mắt khỏi tiếp xúc trực tiếp với nước mưa.
Trên đây là một số vấn đề sức khỏe mà người bệnh tiểu đường có thể gặp phải trong mùa mưa. Để phòng các bệnh trên, người bệnh tiểu đường cần chú ý kiểm soát đường huyết ổn định, nâng cao sức đề kháng, bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố gây bệnh. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!