Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Ngộ độc khí trong đám cháy nguy hiểm thế nào? Cách phòng ngừa

Thứ năm, 14-09-2023 16:14 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Các chuyên gia cho biết, hung thủ chính gây thương vong trong các vụ hỏa hoạn gần đây không phải là lửa mà là do ngạt khói và khí độc. Vậy khói trong đám cháy nguy hiểm thế nào? Làm sao để phòng ngừa ngộ độc khí? Mời các bạn theo dõi bài viết sau!

 

Ngộ độc khí trong đám cháy nguy hiểm thế nào?

Ngộ độc khí trong đám cháy nguy hiểm thế nào?

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc khí trong đám cháy

   Khi có đám cháy diễn ra, các vật liệu xây dựng và nội thất trong nhà bị đốt cháy gây sản sinh nhiều loại khí độc khác nhau như:

  • Nhựa polymer sẽ sinh ra khí carbon monoxide (CO) và carbon dioxide (CO2). CO là khí không màu, không mùi, rất độc với hệ hô hấp và tuần hoàn. CO2 là khí không màu, không mùi. CO và CO2 là nguyên nhân chính gây tử vong. Cụ thể, chúng dẫn đến suy hô hấp, rối loạn thần kinh, mất kiểm soát.
  • Nhựa PVC sinh ra khí Hydrogen chloride (HCl) rất độc với phổi.
  • Các loại vật liệu bằng len, vải, nylon, polyurethane, urea-formaldehyde, acrylic fibre... khi cháy sẽ sinh ra khí HCN, khí NH3 (amoniac), NO, COCl2...

   Ngoài khói độc, đám cháy gây giảm oxy trong không khí. Khi nồng độ oxy trong không khí giảm dưới nồng độ tiêu chuẩn 21% sẽ dẫn tới các tác hại sau:

 

Nồng độ Oxy trong không khí

Tác hại đến con người

21%

Không gây ảnh hưởng

17%

Ảnh hưởng đến khả năng phối hợp của cơ thể

12%

Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi

9%

Bất tỉnh

6%

Ngừng thở, ngừng tim, tử vong

 

   Hiện nay, các kiến trúc nhà ở Việt Nam thường xây cao tầng. Đặc biệt, ở các thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc, nhà thường được xây như một chiếc hộp, ít cửa sổ, ban công thông thoáng. Do đó, khi có hỏa hoạn xảy ra thì tình trạng ngộ độc khí càng trở nên trầm trọng hơn.

 

Ngộ độc khí trong đám cháy nguy hiểm thế nào?

Dưới đây là các loại ngộ độc khí thường gặp:

Ngộ độc khí CO

   Ngộ độc khí CO chiếm tới 80% các ca tử vong do hít khói và phần lớn xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau phơi nhiễm.

   Ban đầu, khí CO không gây khó chịu nên rất khó phát hiện. Khi đi vào cơ thể, CO cạnh tranh với Oxy để kết hợp với hemoglobin trong máu tạo thành cacboxy hemoglobin (HbCO). Điều này dẫn đến mô bị thiếu oxy, từ đó gây thương tổn các cơ quan như hủy cơ, suy thận, gan,...

   Ngoài ra, khí CO còn gây độc cho hệ thần kinh dẫn đến các triệu chứng thần kinh như:

  • Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân cảm thấy đau đầu, buồn nôn, nôn ói.
  • Ở mức độ cao hơn, bệnh nhân hoa mắt, xây xẩm mặt mày, run chân tay, lờ mờ, lú lẫn, khó tập trung.
  • Nếu không ra khỏi vùng khí độc, nạn nhân có thể khó thở, đau ngực, hôn mê, ức chế thần kinh trung ương gây ngưng thở.

   Những tác động vào hệ thần kinh và máu có thể khiến bệnh nhân nhanh chóng ngất đi và tử vong mà không hay biết.

   Nồng độ CO trong không khí chỉ 1% là đủ gây tổn thương nặng cho cơ thể vì được hấp thu rất nhanh chóng qua biểu mô phổi và có ái lực cao với hemoglobin, cao gấp 200 - 250 lần so với Oxy.

 

Hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc khí CO

Hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc khí CO

 

Ngộ độc Hydrogen cyanide (HCN)

   Hydrogen cyanide có khả năng gắn với ion sắt và được vận chuyển trong máu bởi hồng cầu. Trong môi trường nội bào, HCN gắn với enzyme cytochrome oxidase gây ngưng trệ chu trình hô hấp và quá trình sản xuất năng lượng ATP cho cơ thể. Kết quả, nó gây nhiễm toan lactic nặng và tử vong trong vòng vài phút sau khi hít phải một lượng lớn HCN.

   Nạn nhân ngộ độc khí CO khi được cho thở trong buồng oxy cao áp sớm có thể được cứu sống, Nhưng với ngộ độc khí HCN, nạn nhân thường tử vong rất nhanh tại hiện trường. Hiện tại, nước ta vẫn chưa có thuốc giải độc cho ngộ độc HCN, vì đây là trường hợp hiếm gặp và thuốc có giá thành cao nên các bệnh viện không mua về trữ trong thời gian dài.

 

Cách sơ cứu ngộ độc khí trong đám cháy

   Khi gặp bệnh nhân đang bị ngạt khói, ngộ độc khí, bạn có thể cấp cứu theo hướng dẫn sau:

  • Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành và thoáng.
  • Gọi xe cấp cứu để được hỗ trợ y tế khẩn cấp.
  • Để nạn nhân ngồi xuống hoặc nằm nghiêng nếu tỉnh táo, sau đó nới lỏng quần áo và hỏi các triệu chứng họ đang gặp phải.
  • Nếu bệnh nhân bất tỉnh, bạn kiểm tra nhịp thở và mạch đập của nạn nhân. Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở hãy thực hiện hô hấp nhân tạo và nới lỏng quần áo, trong khi chờ cấp cứu đến.
  • Nếu trong miệng bệnh nhân có dị vật, có đàm nhớt trong mũi miệng cần lấy ra để thông thoáng đường thở.

 

Cách phòng ngừa ngộ độc khí trong đám cháy

   Khi có đám cháy xảy ra, bạn cần chú ý:

  • Giữ bình tĩnh: Bạn phải cố gắng giữ bình tĩnh, gọi điện báo ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy 114. Tiếp đó, bạn tìm cách chạy ra ngoài khu vực ban công hoặc sân thượng để tìm sự giúp đỡ.
  • Xác định nguồn khói: Nếu nguồn khói từ trên cao hoặc ngay trong tầng bạn đang ở, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy thoát xuống các tầng dưới. Lưu ý: Không sử dụng thang máy để thoát hiểm khi tòa nhà đang có đám cháy. Nếu nguồn khói xuất phát từ tầng dưới và bạn đang ở tầng thấp, di chuyển nhanh xuống dưới và thoát ra ngoài. Nếu đang ở tầng cao, bạn hãy di chuyển ngược lên trên tầng thượng.
  • Xác định hướng gió: Bạn nên xác định hướng gió để chọn được góc lánh nạn hợp lý, làm giảm tối đa sự ảnh hưởng từ ngọn lửa như sức nóng, khói, khí độc,...
  • Dùng mặt nạ phòng độc hoặc khăn ướt che kín mũi để thoát ra ngoài: Bạn làm ướt mình, sử dụng mặt nạ phòng độc nếu đã có chuẩn bị trước đó. Nếu không có mặt nạ phòng độc, bạn lấy khăn ướt che kín miệng, mũi. Lúc này, tấm khăn sẽ trở thành mặt nạ phòng độc giúp bạn lọc khí và thở dễ dàng hơn.
  • Cúi thấp người xuống sàn khi di chuyển: Khói nhẹ hơn không khí nên thường bốc lên cao. Do đó, phía dưới sàn thường có một lượng oxy để chúng ta thở và tránh được ngạt khói.

 

Bạn cần cúi thấp người xuống sàn khi di chuyển và che mũi miệng bằng khăn ướt

Bạn cần cúi thấp người xuống sàn khi di chuyển và che mũi miệng bằng khăn ướt

 

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của việc ngộ độc khí trong đám cháy, cách sơ cứu và phòng tránh ngộ độc. Mỗi chúng ta cần nắm rõ biện pháp sơ cứu và phòng tránh ngộ độc khí để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222