Mục lục [Ẩn]
Viêm tai giữa ở trẻ là bệnh về tai phổ biến vào thời điểm giao mùa. Đây là bệnh lành tính nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây những thông tin bạn cần biết về viêm tai giữa ở trẻ em.
Viêm tai giữa là một bệnh về tai phổ biến ở trẻ.
Viêm tai giữa ở trẻ là gì?
Viêm tai giữa ở trẻ là một bệnh nhiễm trùng gây viêm ở vùng tai giữa (khoảng trống phía sau màng nhĩ).
Ở trẻ em, viêm tai giữa là bệnh lý phổ biến thứ 2, chỉ ngay sau bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên:
- Trung bình cứ có 3 trẻ thì 2 trẻ từng mắc viêm tai giữa.
- Hơn 30% trẻ mắc phải trung bình 6 đợt viêm tai giữa trước 7 tuổi.
- Mỗi năm, có trung bình 20 triệu lượt khám viêm tai giữa.
Các loại viêm tai giữa ở trẻ
Có 3 loại viêm tai giữa bao gồm
- Viêm tai giữa cấp tính: Viêm tai giữa cấp là do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào tai giữa, thường đi cùng với nhiễm trùng đường hô hấp trên. Các biểu hiện đặc trưng của viêm tai giữa cấp tính bao gồm màng nhĩ phồng lên khi soi tai, có nhiều dịch phía sau màng nhĩ, thủng màng nhĩ và chảy dịch trong ống tai. Khi bị viêm tai giữa cấp tính, trẻ lớn sẽ thấy đau tai và trẻ nhỏ thường có biểu hiện giật hoặc gãi tai, quấy khóc. Ngoài ra trẻ còn các triệu chứng toàn thân như sốt, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy,...
- Viêm tai giữa ứ dịch (còn gọi là viêm tai giữa thanh dịch): Thường xảy ra sau viêm tai giữa cấp tính, các triệu chứng của viêm tai giữa cấp tính đã hết nhưng vẫn còn dịch trong tai gây ra mất thính lực nhẹ và tạm thời.
- Viêm tai giữa mãn tính: Là viêm tai giữa liên tục kéo dài hơn 3 tháng. Bệnh nhân viêm tai giữa mãn tính không đau, không sốt nhưng thính lực giảm nhiều do viêm kéo dài gây thủng màng nhĩ.
Viêm tai giữa ở trẻ do nguyên nhân gì?
Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus là nguyên nhân chính gây viêm tai giữa ở trẻ em, phổ biến là vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, tiếp theo là Haemophilus influenzae và cuối cùng là Moraxella catarrhalis.
Ngoài ra dưới đây là một số yếu tố nguy cơ gây viêm tai giữa ở trẻ em:
- Hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, không đủ khả năng để chống lại sự tấn công của vi khuẩn hoặc virus.
- Vòi Eustachian ( vòi nhĩ - nối hòm tai với vòm mũi họng) có cấu trúc và chức năng chưa trưởng thành, ngắn hơn và góc của vòi tai nằm ngang hơn so với người lớn, do đó vi khuẩn dễ đi từ mũi họng sang tai gây viêm.
- Yếu tố di truyền cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm tai giữa ở trẻ.
- Trẻ bị mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Người thân trong gia đình hút thuốc lá.
- Trẻ bú bình thay vì bú sữa mẹ sẽ có nguy cơ mắc viêm tai giữa cao hơn.
Các triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em
Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em là:
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao lên đến hơn 39 độ C: Trẻ sốt do nhiễm trùng tai.
- Thường xuyên thấy ngứa tai, dùng tay cho vào lỗ tai, gãi hoặc kéo vành tai;
- Trẻ quấy khóc, trằn trọc, khó ngủ;
- Chán ăn, bỏ ăn hoặc ăn không ngon miệng: Áp lực trong tai giữa thay đổi khi trẻ nuốt sẽ khiến trẻ đau và lười ăn.
- Hay buồn nôn, nôn khan hoặc tiêu chảy;
- Tai chảy dịch màu vàng, nâu trắng hoặc có mủ hôi. Lúc này cần cho trẻ đi kiểm tra màng nhĩ sớm để xử trí kịp thời.
- Suy giảm thính lực, phản ứng với âm thanh kém: Dịch phía sau màng nhĩ làm giảm chuyển động của xương con khiến trẻ nghe kém hơn
- Đau tai, đau đầu;
Viêm tai giữa ở trẻ gây ra những biến chứng gì?
Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ nếu không được điều trị thích hợp, dịch mủ từ tai giữa có thể lan sang các vị trí giải phẫu lân cận và dẫn đến các biến chứng ở nhiều mức độ khác nhau.
Một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em là:
- Thính lực suy giảm, khả năng dẫn truyền và tiếp nhận âm thanh đều kém đi;
- Thủng màng nhĩ;
- Viêm xương chũm và viêm mê đạo;
- Bệnh Cholesteatoma: Là tình trạng vùng da ở tai giữa hình thành các khối (không phải u), có khả năng phá hủy xương tai và làm mất thính lực vĩnh viễn;
- Liệt mặt;
- Xẹp màng nhĩ, xơ cứng màng nhĩ;
- Biến chứng nội sọ: Viêm màng não, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, áp xe ngoài màng cứng…
Bệnh Cholesteatoma ở bệnh nhân mắc viêm tai giữa mạn tính.
Chẩn đoán viêm tai giữa ở trẻ em
Viêm tai giữa ở trẻ em được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng bệnh kết hợp với khám thực thể (nội soi tai giúp phát hiện xung huyết, tụ mủ, vỡ mủ và dấu hiệu màng nhĩ phòng) và tiền sử bệnh của trẻ.
Điều trị viêm tai giữa ở trẻ em
Phác đồ điều trị viêm tai giữa ở trẻ phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh: sưng huyết, ứ mủ và vỡ mủ, cụ thể:
- Giai đoạn sung huyết: Ở giai đoạn này, bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng kháng sinh. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc chống viêm, chống phù nề, giảm đau hạ sốt,..
- Giai đoạn ứ mủ: Khi sang giai đoạn này, bên cạnh việc dùng thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc phương án chích rạch màng nhĩ để dẫn lưu mủ.
- Giai đoạn vỡ mủ: Lúc này, màng nhĩ có nguy cơ bị phá vỡ do dịch mủ ứ đọng trong tai, gây thủng màng nhĩ. Vì thế, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp làm thuốc tai (là thủ thuật rửa, nhỏ hoặc phun thuốc vào vị trí tổn thương trong tai giúp làm sạch và để thuốc thấm sâu trong tai).
Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa như thế nào?
Dưới đây là những lưu ý cho cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa:
- Vệ sinh tai, mũi, họng: Tai mũi họng có liên quan mật thiết với nhau. Vì vậy khi trẻ bị viêm tai giữa, bạn cần vệ sinh sạch sẽ cả ba bộ phận này cho trẻ:
- Vệ sinh tai: Bạn cần làm sạch tai cho trẻ nếu tai trẻ bị chảy mủ. Để vệ sinh tai, bạn dùng bông tăm làm sạch nhẹ nhàng, chú ý không cho bông tăm vào quá sâu vì như vậy rất dễ khiến tai bị tổn thương.
- Vệ sinh mũi: Bạn nên dùng nước muối sinh lý để rửa mũi hàng ngày cho trẻ.
- Vệ sinh họng: Để vệ sinh họng cho trẻ nhỏ, bạn cần rơ lưỡi và vệ sinh miệng hàng ngày. Còn với trẻ lớn thì bạn cho trẻ đánh răng thường xuyên và súc miệng bằng nước muối.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ: Trẻ bị viêm tai giữa sẽ chán ăn. Vì vậy, bạn nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, giàu dinh dưỡng và chia thành nhiều bữa trong ngày để trẻ ăn được nhiều hơn. Ngoài ra, bạn nên cho trẻ uống nhiều nước lọc, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, bạn nên cho trẻ bú nhiều hơn, tăng lượng sữa hàng ngày.
- Tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ: Bạn nên cho trẻ uống thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc hoặc uống thêm thuốc không có trong đơn.
- Đưa trẻ đến bệnh viện khi thấy tình trạng bệnh không thuyên giảm hoặc trở nên nặng hơn.
Không đưa tăm bông vào quá sâu rất dễ làm thủng màng nhĩ của trẻ.
Cách phòng tránh viêm tai giữa ở trẻ
Để phòng tránh viêm tai giữa ở trẻ, cha mẹ cần chú ý:
- Trong sữa mẹ có chứa rất nhiều kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng và khả năng chống lại bệnh tật. Do đó, hãy cho trẻ bú sữa mẹ tối thiểu trong 6 tháng đầu và không nên cai sữa quá sớm.
- Vệ sinh tai - mũi - họng sạch sẽ, hạn chế tối đa khả năng bị sổ mũi, viêm họng.
- Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là cổ, gan bàn chân khi trời lạnh hoặc khi nằm phòng điều hòa.
- Không nên để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc môi trường bị ô nhiễm.
- Khi trẻ bị viêm họng, sổ mũi, viêm Amidan... cần điều trị dứt điểm.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh ẩm mốc, khói bụi.
- Hạn chế tiếp xúc với các trẻ bị ốm, để ngăn ngừa các lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp trên, tiền đề dẫn đến viêm tai giữa.
- Không cho trẻ đi bơi trong các hồ nước, hồ bơi không đảm bảo vệ sinh
Mong rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh viêm tai giữa ở trẻ. Mặc dù đây là bệnh lành tính nhưng bạn không nên chủ quan vì các biến chứng của bệnh có thể ảnh hưởng tới thính lực của trẻ suốt đời. Khi trẻ có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: