Với bệnh nhân bị tai biến mạch máu não thì cần phải được điều trị càng sớm càng tốt, phối hợp hồi sức cấp cứu và can thiệp ngoại khoa. Bên cạnh đó cần phải chọn thời điểm phẫu thuật thích hợp để nhanh chóng đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng hôn mê.
Dưới đây là 6 nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong điều trị tai biến mạch máu não:
Chăm sóc bệnh nhân
Bệnh nhân cần được bất động, tránh di chuyển nhiều, nếu vận chuyển thì phải hết sức nhẹ nhàng và phải dùng các phương tiện thích hợp.
Bệnh nhân phải được nằm yên tĩnh, tránh kích thích gây tái phát bệnh:
+ Phòng của bệnh nhân nên để hơi tối, tránh ánh sáng quá mạnh.
+ Nếu bệnh nhân giãy giụa thì phải cho dùng thuốc an thần hoặc thuốc ngủ.
+ Bệnh nhân vật vã do đau đầu thì phải dùng thuốc giảm đau.
+ Bệnh nhân co giật thì dùng thuốc chống co giật.
+ Cần phải chống táo bón cho bệnh nhân bằng thuốc nhuận tràng hoặc các phương pháp thụt tháo vì khi táo bón sẽ phải rặn đại tiện và nguy cơ bị tái phát xuất huyết cao.
+ Tránh hút đờm lâu quá 15 giây.
+ Tránh gây ho vì sẽ làm tăng áp lực nội sọ.
+ Đặt dụng cụ thông tiểu nếu bệnh nhân bị bí đái.
Thường xuyên vệ sinh cá nhân cho người bệnh để đề phòng lở loét, viêm nhiễm bội nhiễm.
Đảm bảo hô hấp
Bệnh nhân nên nằm với tư thế đầu hơi cao để tránh tụt lưỡi và có thể hút đờm dễ dàng.
Một số trường hợp người bệnh có thể dùng atropin liều nhỏ để tránh tiết đờm, dãi nhiều.
Duy trì thông khí cho bệnh nhân đảm bảo áp lực CO2 ổn định.
Một điều nữa không được quên trong điều trị tai biến mạch máu não là liệu pháp oxy, dùng bình thở oxy khi bệnh nhân có dấu hiệu thiếu oxy.
Đảm bảo tuần hoàn
Bệnh nhân cần phải được duy trì áp lực máu (huyết áp động mạch) ở mức hợp lý. Điều này quan trọng đứng hàng đầu trong sự đảm bảo lưu lượng tuần hoàn ổn định.
Điều trị tăng huyết áp
Sử dụng một số thuốc đặc trị cho bệnh nhân như:
+ Thuốc chẹn beta: propanolol, metoprolol, timolol, olonidine, labetalol… có thể dùng đơn trị liệu hoặc kết hợp với thuốc lợi tiểu hoặc thuốc chẹn kênh calci.
+ Thuốc nhóm hydralazin: hydralazin, diazoxit, minoxidil…
+ Thuốc chẹn kênh calci: hay dùng nifedipin, nicardipin, ít dùng diltiazem, verapamil…
+ Thuốc can thiệp vào hệ thống renin – angiotensin – aldosteron: captopril, cibacen, coversyl, enalapril, zestril…
+ Thuốc kích thích thành mạch tăng tiết prostacyclin: cicletanin.
+ Thuốc làm giảm thể tích dịch lưu hành: diurefar, fludex, furosemid, verospiron…
Điều trị hạ huyết áp
Dùng thuốc trợ tim mạch: Heptaminol hoặc dopamin tiêm truyền đường tĩnh mạch.
Bảo vệ thành mạch máu
Dùng vitamin C tiêm tĩnh mạch chậm hoặc pha dịch truyền nhỏ giọt tĩnh mạch.
Điều chỉnh rối loạn nước và điện giải
Cần phải đảm bảo lượng nước 2000 ml/ngày với người có trọng lượng 50kg, nếu bệnh nhân có biểu hiện sốt thì cần phải bổ sung nhiều nước hơn.
Nếu bệnh nhân dùng các thuốc lợi tiểu như lasilix, hypothiazid thì phải chú ý đến tình trạng hạ Kali máu.
Nên thử điện giải đồ cho người bệnh trong trường hợp bị hôn mê lâu để kịp thời điều chỉnh các ion Kali, Natri, Clo… trong máu. Tùy từng trường hợp mà sử dụng các dung dịch bổ sung điện giải thích hợp cho người bệnh bằng phương pháp tiêm truyền tĩnh mạch.
Điều chỉnh thăng bằng kiềm toan trong máu (độ pH)
Cần phải cho bệnh nhân thường xuyên làm các xét nghiệm pH máu, dự trữ kiềm, áp lực CO2. Bình thường pH máu sẽ trong khoảng 3,5-4,5, còn áp lực CO2 là khoảng 40 mmHg.
Nếu như bệnh nhân có những chỉ số này thất thường (cao hơn hoặc thấp hơn) thì phải nhanh chóng điều trị để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Chống bội nhiễm
Phòng chống bội nhiễm là 1 vấn đề vô cùng quan trọng để hạ thấp tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân tai biến mạch máu não. Trong đó cần thiết nhất là chống bội nhiễm phổi và tiết niệu.
Một số chú ý để tránh nhiễm khuẩn đường tiết niệu cho người bệnh là:
+ Nếu người bệnh đái dầm dề thì không đặt sonde dẫn lưu mà dùng capot nối ống ra ngoài.
+ Nếu người bệnh bí tiểu phải đặt sonde thì phải tuân theo nghiêm ngặt chế độ vô khuẩn.
Trên đây là 6 nguyên tắc cơ bản trong điều trị tai biến mạch máu não. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.
Mời các bạn xem thêm: