Mục lục [Ẩn]
Gần đây, có trường hợp bệnh nhân 60 tuổi, sau 5 năm uống thuốc gia truyền để chữa đau nhức xương khớp thì bị sút cân, tiểu đêm, da khô, lở miệng, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.
Mắc bệnh tiểu đường sau 5 năm uống thuốc gia truyền.
Mắc bệnh tiểu đường sau 5 năm uống thuốc gia truyền
Đây là trường hợp của bà Thủy, 60 tuổi. Được biết, trong 5 năm, mỗi ngày bà Thủy uống 20 viên thuốc gia truyền (loại thuốc tễ màu đen chứa corticoid). Thời gian gần đây, bà thấy bị sút cân, tiểu đêm, da khô, lở miệng nên đi khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết cao, chỉ số HbA1c (đường huyết trung bình trong 2-3 tháng) 13,12% gấp đôi bình thường.
Đáng chú ý là trước đó bà không bị tiểu đường, tiền sử gia đình không ai mắc bệnh này, cân nặng bình thường. Bác sĩ điều trị cho biết, bà Thủy mắc bệnh tiểu đường, khả năng do uống thuốc tễ chứa corticoid trong thời gian dài. Ngoài ra, bà Thủy còn mắc thêm các biến chứng khác như loãng xương nặng, hội chứng cushing, dễ nhiễm nấm do hệ miễn dịch suy giảm, nồng độ cortisol trong máu tăng cao. Bà cũng bị tích mỡ ở bụng, huyết áp cao, đi đứng không vững, đau nhức toàn thân…
Bà được điều trị kiểm soát tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu, loãng xương, loét họng, miệng. Sau 2 tuần, tình trạng của bà ổn định, xương khớp giảm đau nhức. Do sử dụng corticoid trong thời gian dài nên phải cai thuốc dưới sự theo dõi của bác sĩ.
Tại sao corticoid lại có nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường?
Corticoid được dùng để điều trị các tình trạng viêm, đau, sưng, ngứa, dị ứng,... Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này cần có sự chỉ định của bác sĩ và chỉ được dùng trong một thời gian nhất định.
Thế nhưng, hiện nay rất nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc gán mác “thuốc nam”, “thuốc gia truyền” nhưng lại trộn corticoid khiến bệnh nhân vô tình dùng quá nhiều corticoid mà không biết.
Thuốc nam gia truyền không rõ nguồn gốc chứa corticoid.
Corticoid có tác dụng tương tự cortisol là một hormon steroid được sản xuất bởi tuyến thượng thận. Corticoid dẫn đến bệnh tiểu đường theo nhiều cơ chế, bao gồm:
- Giảm độ nhạy insulin ngoại biên và / hoặc thúc đẩy tăng cân.
- Tăng sản xuất glucose thông qua việc thúc đẩy tân sinh đường ở gan.
- Phá hủy các tế bào tụy, dẫn đến tổn thương tế bào (viêm) tuyến tụy.
- Gây rối loạn chức năng tế bào.
- Khả năng giải phóng insulin bị suy giảm.
- Ức chế tân tạo glycerol
Việc tăng đường huyết do sử dụng corticoid rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do tăng đường huyết kéo dài, gây ảnh hưởng xấu đến tiên lượng của bệnh nhân.
Sử dụng corticoid sai cách có thể gây ra tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa dẫn đến viêm loét dạ dày; biến chứng trên da, niêm mạc; ảnh hưởng đến thần kinh gây hưng phấn, loạn thần, rối loạn giấc ngủ, mê sảng; giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ nhiễm trùng,... Người bệnh cũng có nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như đục thủy tinh thể, loét giác mạc, béo phì, mỡ máu cao, rối loạn điện giải, hạ kali máu.
Do đó, bạn cần lưu ý không nên tự ý các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được Bộ Y tế công nhận và lưu hành. Nếu bạn mắc các bệnh lý khác phải dùng corticoid điều trị thường xuyên, cần lưu ý kiểm tra đường huyết thường xuyên, tránh trường hợp bệnh tiểu đường diễn biến nặng.
Việc sử dụng sản phẩm có trộn corticoid rất nguy hiểm đến sức khỏe. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc uống, tránh tự ý tăng thêm liều. Người có các triệu chứng bất thường trên cơ thể cần đi khám sớm để điều trị kịp thời, phòng xảy ra biến chứng. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: