Mục lục [Ẩn]
Chúng ta đều biết rằng uống nhiều bia, rượu gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể như gan, não, tim mạch,... Nhiều người chia sẻ rằng sau khi đi nhậu thì thấy đau vùng thận. Vậy nguyên nhân gì dẫn đến điều này? Mời bạn theo dõi bài viết sau để tìm hiểu.
Nguyên nhân nào dẫn đến đau thận sau khi uống rượu?
Tổn thương thận cấp tính
Thận có vai trò quan trọng trong việc lọc chất thải từ máu, điều chỉnh sự cân bằng của nước và khoáng chất trong cơ thể và sản xuất hormone. Khi chúng ta uống nhiều rượu bia, thận sẽ phải làm việc nhiều hơn để lọc các chất độc hại ra ngoài.
Trong trường hợp bạn uống quá nhiều rượu bia (khoảng 5 ly trở lên cùng lúc), các chất thải tích tụ trong máu với tốc độ nhanh hơn tốc độ thận có thể loại bỏ sẽ có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận đột ngột, gọi là tổn thương thận cấp tính. Các chất thải tích tụ trong máu rất dễ gây viêm và tổn thương các mô. Vì vậy, dù có thể hồi phục sau khi điều trị, tổn thương thận cấp tính làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính. Theo Quỹ Thận Quốc gia Mỹ, thường xuyên uống nhiều rượu bia có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính.
Ngoài đau thận, người bị tổn thương thận cấp tính có thể nhận thấy các triệu chứng như:
- Đi tiểu ít.
- Kiệt sức.
- Sưng chân, mắt cá chân hoặc mặt.
- Khó thở, thở gấp.
- Buồn nôn hoặc nôn, lú lẫn.
- Đau tức ngực.
Nếu không được điều trị, người bệnh có thể lên cơn co giật hoặc hôn mê. Tổn thương thận cấp tính thường hồi phục theo thời gian, nhưng một số người bệnh cần chạy thận cho đến khi chức năng thận cải thiện. Tình trạng này cũng có thể gây ra tổn thương dai dẳng, dẫn đến các vấn đề lâu dài về thận.
Tổn thương thận cấp tính do rượu có thể dẫn đến đau thận.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Một nguyên nhân dẫn đến đau thận khi uống rượu là nhiễm trùng thận. Đây là loại nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi bệnh nhân bị nhiễm trùng từ niệu đạo hoặc bàng quang và lan đến thận. Nguyên nhân do rượu làm tăng tính axit của nước tiểu, gây kích ứng niêm mạc bàng quang. Bên cạnh đó, người uống rượu có thể bị mất nước, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu .
Người bệnh bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường có các triệu chứng sau: đau khi đi tiểu, buồn tiểu thường xuyên, cảm giác buồn tiểu dữ dội dù chỉ có một ít nước tiểu, nước tiểu sẫm màu hoặc có mùi hôi, tiểu máu, đau bụng hoặc đau lưng, sốt.
Khi thấy các triệu chứng này, người bệnh cần uống nhiều nước và đi khám sớm. Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng thận nặng sẽ phải nhập viện điều trị.
Sỏi thận
Rượu ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng nước và chất điện giải trong thận. Uống rượu trong thời gian dài sẽ dẫn đến mất nước, suy giảm chức năng của thận và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Sỏi thận có thể gây đau lưng dữ dội, đau ở bộ phận sinh dục khi cơ thể cố gắng đào thải sỏi. Nếu cơ thể không đào thải sỏi, người bệnh có thể bị nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn đường tiểu nghiêm trọng.
Nếu bạn uống rượu khi đã bị sỏi thận sẽ làm tăng cơn đau thận.
Biện pháp tăng cường chức năng thận
Uống nhiều bia rượu không chỉ gây tổn hại đến thận mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung. Dưới đây là một số điều cần lưu ý giúp hạn chế tác hại của rượu bia sau khi sử dụng các loại đồ uống có chứa cồn:
- Giảm lượng rượu tiêu thụ có thể làm hạn chế nguy cơ mắc bệnh thận liên quan đến rượu. Uống hơn 4 ly bia, rượu một ngày sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính, tổn thương thận.
- Người mắc bệnh thận mạn tính không nên uống rượu.
- Thay rượu mạnh bằng rượu có nồng độ nhẹ hơn hoặc bia.
- Sau khi uống rượu, nên uống nhiều nước để bù đắp lượng chất lỏng cơ thể bị mất. Có thể bổ sung nước ép hoa quả, nước chanh, nước dừa, socola nóng… để giải rượu nhanh hơn.
- Cải thiện sức khỏe thận và giảm nguy cơ mắc bệnh thận bằng cách không hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng phù hợp.
- Khám và đánh giá chức năng thận định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời những tổn thương gặp phải.
Nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.
Tóm lại, đau thận sau khi uống rượu là hiện tượng cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Bạn nên tiết chế lượng rượu bia nạp vào cơ thể để hạn chế gánh nặng cho gan, thận và các ảnh hưởng khác của bia rượu. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!