Mục lục [Ẩn]
Hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở khám chữa bệnh không đảm bảo chất lượng. Họ dùng chiêu trò quảng cáo lạ, lời mời có cánh, đánh vào đúng tâm lý khách hàng. Bởi vậy mà nhiều người sa bẫy, tiền mất tật mang, chẳng hạn như dịch vụ gắn mác chăm sóc sức khỏe hút máu đông thải độc.
Hút máu đông thải độc: Nhiều người rước họa
Hút máu đông thải độc: Nhiều người rước họa
Đây là chiêu trò quảng cáo trên các diễn đàn mạng xã hội. Một người phụ nữ giới thiệu rằng, hút máu đen để chữa tê vai, mỏi gối, tê bì với phương châm “niềm vui mỗi ngày là lấy hết máu đông trong người khách hàng”.
Người bệnh sẽ được tư vấn liệu trình cụ thể, cam kết khỏi 100%. Mỗi buổi hút máu như vậy hết 200 nghìn đồng, trị liệu trong 1 tiếng và phải hẹn trước vì khách rất đông. Người phụ nữ cũng nói luôn không có bằng bác sĩ nên gọi phương pháp này là “thanh lọc, thải độc”.
Trong bài quảng cáo, một người khác xưng là bệnh nhân nói vọng vào điện thoại, khen kỹ thuật này tốt, khỏi bệnh tê bì chân, tay. Ông cũng chia sẻ thêm máu đông là khí độc, không hút ra thì nguy cơ tắc mạch, đột quỵ, phải làm sớm. Bởi vậy mà nhiều người tin tưởng, tìm đến để thực hiện kỹ thuật. Hậu quả là họ rước họa vào thân.
Chẳng hạn như chị Liên, 30 tuổi ở Cầu Giấy. Suốt 5 tháng nay, chị bị mọc mụn sưng viêm, chi chít ở vùng cằm. Chị tự tìm hiểu trên mạng thì thấy nguyên nhân gây mụn có thể do nội tiết hoặc cơ thể chứa nhiều độc tố. Chị có mua trà thảo mộc, thuốc giải độc nhưng mụn vẫn xuất hiện.
Người phụ nữ mọc mụn sưng viêm
Người quen giới thiệu chị đến phòng khám tư nhân ở quận Đống Đa. Tại đây, chị được giải thích “mụn sưng viêm do cơ thể nhiều chất thải, phải chích rạch ra máu đen mới khỏi”. Ngoài gói cơ bản, nhân viên giới thiệu gói nâng cao, như hút bằng ống tre không để lại sẹo đi kèm gói chăm sóc da, tặng kem dưỡng, mặt nạ, thuốc…
Sau khi nghe họ tư vấn, chị tin tưởng hoàn toàn, chi gần 5 triệu đồng mua 3 buổi thải độc da bằng cách chích rạch và nặn máu đen. Buổi đầu tiên, nhân viên dùng một con dao nhỏ, rạch nhẹ trên mụn, sau đó nặn nhân mụn kèm hút máu đông, không dùng thuốc tê. Người này giải thích máu đen này là viêm, phải cho ra hết đến khi thấy huyết tương vàng là hoàn thành.
Đây là lần đầu tiên chị nặn mụn bằng dao. Khi thấy máu đen hút ra thì chị càng tin tưởng hơn, hy vọng sẽ thải hết máu độc hại ra ngoài. Vài ngày sau, vùng da nặn có dấu hiệu viêm, sưng tấy, chảy nước dịch vàng. Chị Liên gọi đến phòng khám nhưng không được giải quyết, nhân viên còn "trách khách hàng vệ sinh không sạch".
Chị sợ bị nhiễm trùng nên đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám. Bác sĩ chẩn đoán bị viêm da, chị phải uống thuốc kháng sinh.
Một số cơ sở khác còn quảng cáo dịch vụ chích rạch ở tay, chân, bụng để chữa tê bì, đau nhức, đột quỵ. Họ giải thích máu đông là máu bệnh, phải hút ra, bởi càng để lâu bệnh càng nặng.
Quá trình hút máu đông theo như quảng cáo
Hút máu đông thải độc bản chất là chiêu trò lừa đảo
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM, phương pháp "hút máu đông thải độc" chỉ là chiêu trò lừa đảo. Họ kiếm tiền dựa trên lòng tin của người dân.
Thực chất, máu khi được lấy ra khỏi cơ thể sẽ đông lại. Còn hình ảnh mà các spa quảng cáo không phải là "cục máu đông - nguyên nhân gây đột quỵ”.
Năm 2014, một cơ sở chữa bệnh đông y ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM bị phạt vì thực hiện phương pháp này. Nhân viên dùng vật nhọn rạch vào vùng da bị đau rồi hút máu ra. Họ "tuyên bố chữa lành bách bệnh".
Năm 2020, một cơ sở "chữa bách bệnh" bằng cách chọc kim, nặn lấy máu độc tại xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương bị người dân phản ánh.
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 khuyến cáo, người dân nên cẩn trọng. Máu đông là hiện tượng máu bị vón cục lại, nguy cơ gây tắc nghẽn mạch máu. Nguyên nhân hình thành máu đông rất đa dạng bao gồm:
- Những mảng xơ vữa bị nứt vỡ
- Bệnh tiểu đường
- Tăng huyết áp
- Mỡ máu...
Ngoài ra, cục máu đông dẫn đến cơn đột quỵ còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực… Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não.
Muốn biết nguyên nhân cụ thể, người bệnh cần thăm khám để bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán. Phương pháp điều trị cũng tùy tình trạng bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp bằng dụng cụ chuyên dụng đưa vào lòng mạch máu để hút máu đông.
Cục máu đông phải can thiệp bằng thuốc hoặc dụng cụ chuyên dụng
Việc tự lấy máu đầu ngón tay hoặc bất kỳ hình thức chích máu nào không được thực hiện tại các cơ sở y tế đều là phương pháp không phù hợp, làm chậm trễ điều trị, gây hại người bệnh. Nhiều trường hợp áp dụng cách chích máu này mà bỏ lỡ thời điểm vàng điều trị dẫn đến tàn phế, thậm chí hôn mê, tử vong. Ngoài ra, các vật nhọn còn tăng nguy cơ gây nhiễm trùng, uốn ván, khiến bệnh chồng thêm bệnh.
Các bác sĩ nhận định, đôi khi người bệnh không tử vong vì đột quỵ, mà lại tử vong vì những bệnh lý nhiễm trùng kèm theo. Đồng thời, cơ thể vốn đã có cơ chế tự thải độc qua hoạt động tiết mồ hôi, đi vệ sinh, hít thở, vận động. Vì vậy, chúng ta không cần áp dụng các phương pháp thải độc như thông tin lan truyền trên mạng xã hội.
Để có sức khỏe tốt, bác sĩ khuyên mỗi người nên:
- Hạn chế ăn nhiều đường, bánh kẹo ngọt, thực phẩm chiên rán gây đầy bụng khó tiêu, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và rối loạn mỡ máu.
- Hạn chế đồ uống có gas, đồ uống chứa cồn (rượu bia)
- Không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên
- Giữ tinh thần thoải mái, giảm stress, ngủ đủ giấc để cơ thể khỏe mạnh.
Đến đây, hy vọng các bạn đã nắm được thông tin phương pháp lừa đảo hút máu đông thải độc. Chúng ta cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn phương pháp tác động đến sức khỏe. Nếu có vấn đề gì, tốt nhất bạn hãy đi thăm khám ở cơ sở y tế uy tín.
XEM THÊM: