Mục lục [Ẩn]
U mỡ dưới da là những khối u nhỏ, thường không đau nên nhiều người hay chủ quan. Thế nhưng thực tế, không ít trường hợp khối u to lên vừa gây mất thẩm mỹ vừa ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Vậy cụ thể u mỡ là gì? Có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây nhé!
U mỡ dưới da là gì?
U mỡ dưới da là gì?
U mỡ dưới da là khối u nội sinh do sự phát triển quá mức của các tế bào mỡ. Chúng thường có hình tròn, phát triển chậm và thường đạt kích thước khoảng 2-3cm. Một số trường hợp u mỡ khổng lồ có thể lên tới 10cm.
Vị trí xuất hiện u mỡ hay gặp ở vai, lưng, ngực, cổ, đùi, nách, nơi tập trung các tế bào mỡ. Có trường hợp, chúng mọc bên trong các cơ quan nội tạng, xương hoặc cơ bắp.
U mỡ dưới da thường mềm, không gây đau, có thể di chuyển nhẹ khi bị tác động. Chúng được xem là khối u lành tính, tuy nhiên vẫn có thể gây đau, để lại biến chứng hoặc các vấn đề khác.
Bất kỳ ai cũng có thể xuất hiện u mỡ nhưng phổ biến nhất là phụ nữ tuổi trung niên.
Nguyên nhân hình thành u mỡ dưới da
Nguyên nhân hình thành các khối u mỡ dưới da chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, người ta nhận thấy có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự hình thành của chúng, cụ thể:
- Di truyền: Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ bị u mỡ phổ biến nhất. Ở những gia đình có cha mẹ, ông bà bị u mỡ thì con cháu họ dễ gặp tình trạng này hơn.
Gen di truyền làm tăng nguy cơ bị u mỡ
- Hội chứng Gardner (là một dạng của bệnh đa polyp tuyến) hoặc hội chứng đa u lành tính (Cowden). Hai hội chứng này được xem là nguyên nhân hình thành của rất nhiều khối u lành tính, thậm chí ác tính có thể xuất hiện ở mọi vùng cơ quan trên cơ thể, trong đó có u mỡ dưới da.
- Tuổi tác và giới tính: Những người độ tuổi từ 40 đến 60 có tỷ lệ mắc bệnh u mỡ cao hơn bình thường. Thêm nữa, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn ở nam giới.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học: Những người có khẩu phần ăn nhiều chất béo, ít vận động cũng có nguy cơ hình thành các khối u mỡ dưới da.
U mỡ dưới da có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia, phần lớn u mỡ lành tính, không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh.
Thế nhưng nếu bạn chủ quan, để u mỡ phát triển quá mức cũng sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng, cụ thể là:
- Với các khối u xuất hiện trong ổ bụng, nó làm trướng bụng, đau bụng, gây chèn ép một số cơ quan nội tạng, dẫn đến rối loạn chức năng của nhiều bộ phận trong cơ thể.
- Các khối u to ở đầu cổ, vai gáy sẽ gây chèn ép lên dây thần kinh gây đau nhức, tê bì, khó chịu. Thậm chí khi chúng to lên còn chèn ép vào mạch máu, cản trở lưu thông máu trong cơ thể.
U mỡ ở cổ dễ gây chèn ép lên dây thần kinh
- Bệnh nhân có thể bị khó thở, khó nuốt, thậm chí suy hô hấp, nếu khối u mỡ phát triển vào sâu trong thành hầu, họng, ngực, gan, trung thất.
- U mỡ có thể xuất hiện ở mọi nơi trong cơ thể nhưng nguy hiểm nhất là u mỡ ở ruột, gan.
Như vậy, tùy vị trí và kích thước mà u mỡ có thể gây những vấn đề khác nhau cho sức khỏe. Do đó, khi thấy dấu hiệu khối u sưng lên ở bất cứ đâu, bạn cũng nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Biện pháp chẩn đoán và điều trị khối u mỡ dưới da
Thông thường, để chẩn đoán u mỡ, bác sĩ chỉ cần dựa vào các triệu chứng mà bạn đang có và khám tổng quát.
Ngoài ra, để có kết quả chính xác nhất, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp sinh thiết. Đây là thủ thuật rất phổ biến, lấy ra một mô nhỏ ở khối u để xét nghiệm qua kính hiển vi.
Với những khối u lành tính, bác sĩ sẽ khuyên không cần điều trị mà về nhà tự theo dõi. Nếu u mỡ có tiến triển xấu, bạn mới phải đến bệnh viện để cắt bỏ nó đi, chẳng hạn như các trường hợp dưới đây:
- Khối u phát triển nhanh, kích thước quá to.
- Khối u gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người bệnh.
- Các khối u gây đau đớn nếu chúng đè lên dây thần kinh hoặc nếu chúng có nhiều mạch máu bên trong.
- Phần da phủ lên u mỡ bị viêm.
Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ u mỡ là một can thiệp nhỏ, đơn giản, thường chỉ cần gây tê tại chỗ. Người bệnh sẽ được chỉ định phương pháp này khi u mỡ dưới da có đường kính dưới 3cm, những u mỡ ở sâu hoặc có lẫn nhiều thành phần xơ. Phương pháp này giúp hạn chế u mỡ tái phát lại, nhưng thường để lại sẹo cho cơ thể.
Sau khi phẫu thuật u mỡ, người bệnh không cần phải ăn kiêng, nhưng cần chú ý vệ sinh sạch sẽ vết thương để tránh nhiễm trùng.
Bạn lưu ý nên thay băng hằng ngày. Sau khoảng 7-19 ngày tính từ thời điểm phẫu thuật, bạn cần đi tái khám để tránh biến chứng.
Một số biến chứng thường gặp sau khi mổ u mỡ là bao gồm: Chảy máu sau mổ; tụ dịch, tụ máu sau mổ; nhiễm trùng vết mổ…
Tuy u mỡ lành tính nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe của bạn. Bởi vậy, nếu thấy hiện tượng dưới da nổi lên một cục nhỏ, mềm, không đau, bạn nên đi thăm khám sớm để được chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời. Chúc các bạn khỏe mạnh!
XEM THÊM:
- Nghiên cứu mới: Thuốc nhỏ mũi giúp tăng khả năng hồi phục sau đột quỵ
- Bệnh gai đen: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa