Mục lục [Ẩn]
Mọi người thường đùa với nhau rằng, có hai thứ không thể quên: điện thoại và ví tiền. Điện thoại đang trở thành vật bất ly thân đối với mỗi người. Tuy nhiên, việc lạm dụng điện thoại sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mỗi người dân.
Lạm dụng điện thoại gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người Việt “ăn ngủ” cùng với điện thoại
Theo báo cáo của Q&Me, người Việt Nam dành khoảng 6,2 giờ/ngày cho việc sử dụng điện thoại thông minh. Chỉ riêng các ứng dụng mạng xã hội và nhắn tin đã tiêu tốn của mỗi người trung bình hơn 2,5 giờ/ngày. Tỷ lệ sử dụng điện thoại cao đặc biệt là ở giới trẻ.
Chúng ta sử dụng điện thoại với hầu hết mọi hoạt động: Ăn cơm, làm việc hay thậm chí là đi vệ sinh. Chúng ta không thể phủ nhận được vai trò của điện thoại thông minh trong cuộc sống thời ngày nay. Nó giúp chúng ta liên lạc, làm việc, học tập, giải trí với giá thành ngày càng rẻ.
Tuy nhiên, dùng điện thoại quá nhiều sẽ gây ra những vấn đề về tâm lý, thể chất của người sử dụng như tác động lên não, mắt, cơ xương khớp, trầm cảm…Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc, giao tiếp xã hội của chúng ta theo thời gian. Do đó, chúng ta cần nắm được các tác hại của việc lạm dụng điện thoại, từ đó tránh được những tác hại này.
Tác hại trên sức khỏe khi sử dụng điện thoại quá nhiều
Ảnh hưởng đến mắt
Sử dụng điện thoại quá nhiều gây ảnh hưởng xấu đến đôi mắt của bạn, nguyên nhân có thể do các hành động sau:
- Nhìn quá lâu vào màn hình điện thoại.
- Nằm xem điện thoại.
- Xem điện thoại ở nơi thiếu ánh sáng, trong bóng tối.
Các hành động này sẽ dẫn đến các tác hại như: Khô mắt, mỏi mắt, mờ mắt hoặc đỏ mắt, các tật về mắt như cận thị, loạn thị,...
Gây mất ngủ
Ánh sáng xanh từ điện thoại trước khi đi ngủ sẽ ức chế cơ thể tiết hormone melatonin - hormone điều hòa chu kỳ giấc ngủ. Điều này sẽ khiến cho nhịp sinh học bị đảo lộn, khiến cơ thể khó đi vào giấc ngủ, lâu dần có thể dẫn đến mất ngủ.
Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại để giải trí khiến chúng ta quên mất thời gian và ngủ trễ hơn. Vì vậy, thay vì lướt điện thoại trước khi ngủ, bạn hãy đọc một cuốn sách nhẹ nhàng, điều này sẽ giúp bạn dễ buồn ngủ và ngủ ngon hơn.
Sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ dễ dẫn đến mất ngủ.
Gây tổn thương hệ cơ xương khớp
Chúng ta thường sử dụng điện thoại trong tư thế không mấy thân thiện với xương khớp, như
- Cầm điện thoại ở dưới tầm mắt khiến cổ chúng ta thường xuyên phải cúi xuống. Điều này khiến cột sống cổ phải chịu gánh nặng rất lớn. Về lâu dài, bạn sẽ thấy mỏi cổ, đau vai gáy, thoái hóa đốt sống cổ. Thoái hóa đốt sống cổ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cuộc sống.
- Tư thế ngồi cong lưng, vẹo lưng: Khi ngồi dùng điện thoại, chúng ta thường ngồi cong, vẹo lưng. Việc sai tư thế trong thời gian dài có thể dẫn đến đau lưng, cong vẹo cột sống, thoái hóa cột sống. Điều này đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em đang trong lứa tuổi phát triển xương.
- Ngón tay lặp đi lặp lại những hoạt động không tốt: Lúc đầu, chúng ta có thể không để ý những tác động của việc này. Tuy nhiên theo thời gian, những hoạt động lặp đi lặp lại này có thể gây tổn thương lên các gân, khớp ở bàn tay tạo cảm giác đau, làm suy giảm chức năng vận động. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm bao gân ngón tay, hội chứng ống cổ tay khi sử dụng điện thoại.
Gây trầm cảm, rối loạn lo âu
Việc lạm dụng điện thoại khiến não của chúng ta luôn ở trạng thái căng thẳng thần kinh. Ngoài ra, khi sử dụng điện thoại, chúng ta ít giao tiếp với thế giới bên ngoài, ít trò chuyện cũng như trao đổi trực tiếp với bạn bè và gia đình. Dần dần, chúng ta sẽ có xu hướng tách xa thế giới thực tại và trở nên ít nói, không chịu chia sẻ với ai điều gì. Việc mất ngủ do sử dụng điện thoại cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu.
Hiện nay, con người có xu hướng lạm dụng điện thoại rất nhiều. Điều này gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe và tinh thần của chúng ta. Do đó, bạn nên lưu ý chỉ sử dụng điện thoại một cách vừa phải, không lạm dụng quá mức. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Hiểm họa khôn lường với sức khỏe khi ăn tiết canh
- Bói bài, thôi miên: Vấn nạn gắn mác “chữa lành” tâm lý!