Mục lục [Ẩn]
Đau thần kinh tọa là tình trạng dây thần kinh bị chèn ép, gây đau vùng thắt lưng mạn tính, sau đó lan dần xuống chân theo đường đi dây thần kinh tọa. Nếu như trước kia, căn bệnh này thường chỉ thường khởi phát ở tuổi trung niên, thì ngày nay, căn bệnh này đã và đang có xu hướng trẻ hóa. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Làm sao để phòng ngừa? Mời bạn theo dõi bài viết sau để cùng tìm hiểu!
Đau thần kinh tọa ngày càng trẻ hóa.
Đau thần kinh tọa là gì?
Dây thần kinh tọa hay còn gọi là dây thần kinh hông to, khởi phát từ vùng mông, cơ mông và là dây thần kinh dài nhất và dày nhất trong cơ thể.
Đau dây thần kinh tọa (là Sciatica pain) là cơn đau toả ra dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, nhánh từ lưng dưới qua hông, mông và xuống dưới từng chân. Thông thường, đau thần kinh toạ chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể.
Người bị đau thần kinh tọa thường có các triệu chứng như:
- Đau lưng giữa hoặc lệch 1 bên, đau nhiều hơn khi cúi người hoặc ho, hắt hơi.
- Đau lan từ lưng xuống, lệch sang một bên mông, xuống đùi, khoeo chân, gót chân hoặc lan ngược lại từ gót chân lên lưng.
- Người bệnh có thể bị teo cơ bên chân đau.
- Cột sống bị cứng, đau khi nghiêng người.
- Ngày càng khó trở mình, cúi người xuống.
Nguyên nhân đau thần kinh tọa ở người trẻ tuổi
Một số nguyên nhân gây đau thần kinh tọa ở người trẻ tuổi là:
- Chấn thương hoặc nhiễm trùng: Bao gồm trượt đốt sống, gãy đốt sống gây chèn ép rễ dây thần kinh tọa, viêm cơ, gãy xương…
- Ngồi lâu: Thường gặp ở người làm văn phòng, học sinh – sinh viên…Người ngồi một chỗ trong thời gian dài hoặc ít vận động, ngồi sai tư thế có nguy cơ bị đau thần kinh tọa cao hơn so với người vận động thường xuyên.
- Mang vác nặng: Một số công việc đòi hỏi phải vặn lưng, mang vác đồ nặng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau thần kinh tọa ở người trẻ.
- Đi giày cao gót: Thói quen đi giày cao gót của phái đẹp gây ảnh hưởng xấu đến cột sống, tăng áp lực lên các dây thần kinh trong đó có thần kinh tọa.
- Tập thể dục thể thao không đúng cách (quá sức) gây chấn thương cột sống.
- Hội chứng cơ hình lê: Hội chứng cơ hình lê là một rối loạn thần kinh cơ hiếm gặp khi cơ hình lê chèn ép dây thần kinh tọa. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân gây đau thần kinh tọa ít gặp.
Ngồi trong thời gian dài ít vận động hoặc ngồi sai tư thế có thể bị đau thần kinh tọa.
Biện pháp phòng ngừa và cải thiện đau thần kinh tọa
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh đau thần kinh tọa, ngay từ sớm bạn nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa và chăm sóc xương khớp thật tốt, cụ thể:
- Chế độ dinh dưỡng khoa học: Bạn nên ăn đủ chất, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, giữ cân nặng vừa phải với cơ thể.
- Hạn chế căng thẳng kéo dài.
- Không nên nằm trên đệm quá mềm.
- Tập luyện thể dục thể thao: Mỗi người nên tích cực tập luyện thể thao với cường độ vừa phải, tốt nhất là 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày/ tuần, không tập các bài tập quá sức.
- Duy trì tư thế ngồi thẳng, có gối tựa thắt lưng nên chọn ghế ngồi có tay vịn và bánh xe để cơ thể chuyển động các khớp. Không nên ngồi xếp bằng, ngồi bắt chéo chân vì hai tư thế ngồi này khiến cột sống bị cong vẹo và hai đầu gối bị mài mòn. Thỉnh thoảng bạn nên đứng dậy, duỗi người và đi lại ít phút sẽ tốt cho các chi và giúp máu huyết lưu thông tốt hơn.
- Hạn chế ngồi xổm: Ngồi xổm có thể tạo áp lực lên cột sống và dây thần kinh tọa.
- Hạn chế bưng bê vật nặng: Hạn chế mang vác đồ nặng để thắt lưng không phải “gánh” thêm áp lực. Nếu là đặc thù công việc thì bạn nên sử dụng chi dưới hoặc dụng cụ hỗ trợ để nâng đồ vật, ôm giữ thẳng lưng và ngồi xuống nhặt đồ dưới thấp chứ không gập lưng.
Tư thế khi nâng vật nặng đúng cách.
- Thay đổi tư thế thường xuyên: Không nên ngồi quá lâu một tư thế, thay đổi tư thế, đứng lên và đi lại định kỳ để giảm áp lực lên cột sống và giữ cho cơ thể linh hoạt.
Đau thần kinh tọa ở người trẻ là tình trạng phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Để phòng tránh tình trạng này, bạn cần duy trì chế độ ăn uống - sinh hoạt khoa học, tránh mang vác nặng, hoạt động sai tư thế. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: