Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Tại sao tôi hay bị đổ mồ hôi ban đêm?

Thứ tư, 12-04-2023 16:22 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Chào chuyên gia, thời gian gần đây tôi hay bị đổ mồ hôi vào ban đêm, sáng dậy thấy gối và áo ướt đẫm, việc này khiến tôi thấy rất khó chịu. Chuyên gia cho tôi hỏi, đổ mồ hôi ban đêm là bệnh gì? Có cách nào để khắc phục không?

Nguyễn Ngọc Lan – 40 tuổi

 

Tại sao tôi hay bị đổ mồ hôi ban đêm?

Tại sao tôi hay bị đổ mồ hôi ban đêm?

 

Chuyên gia giải đáp

   Chào bạn, đổ mồ hôi ban đêm là hiện tượng phổ biến và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

   Chúng ta thường nghĩ nhiệt độ cơ thể người bình thường là khoảng 37oC, nhưng thực tế nhiệt độ đó thay đổi trong chu kỳ 24 giờ theo nhịp sinh học của chúng ta. Ngay trước khi chìm vào giấc ngủ, nhiệt độ cơ thể chúng ta bắt đầu giảm và đạt đến thân nhiệt thấp nhất là 36,5oC lúc 6 giờ sáng.

   Đây là mức hạ nhiệt độ khi ngủ tối thiểu của một người, nhưng để đạt được thân nhiệt này, nhiều người thường thoát nhiệt bằng cách đổ mồ hôi vào ban đêm – đặc biệt khi nhiệt độ bên ngoài quá nóng.

   Trong trường hợp này, bạn nên hạ nhiệt độ phòng xuống thấp. Ngoài ra, bạn nên sử dụng đồ ngủ và chăn ga giường làm bằng các chất liệu mát và thoáng khí như vải lanh, lụa hoặc đũi.

   Ngoài ra, uống rượu vào buổi tối sẽ làm bạn bị đổ mồ hôi ban đêm vì nó khiến các mạch máu của chúng ta giãn ra (đây cũng là lý do một số người bị đỏ mặt khi uống rượu). Từ đó khiến chúng ta cảm thấy nóng hơn và đổ mồ hôi.

   Hút thuốc cũng dẫn đến đổ mồ hôi, đó là do tác động của nicotin lên các dây thần kinh chịu trách nhiệm kích hoạt tuyến mồ hôi. Vì vậy, các bạn nên giảm hoặc ngừng hai hành vi này để cải thiện tình trạng đổ mồ hôi ban đêm.

   Một nghiên cứu cho thấy có tới hơn 41% người trưởng thành bị đổ mồ hôi vào ban đêm, nó không có nghĩa là tất cả họ đang gặp vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn thức dậy với quần áo ướt đẫm thì bạn nên gặp bác sĩ vì bạn có thể đã gặp một vài vấn đề trên sức khỏe.

   Một số vấn đề sức khỏe khiến bạn bị đổ mồ hôi ban đêm là:

 

Thay đổi nội tiết tố

 

Mãn kinh

Mãn kinh là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đổ mồ hôi ban đêm

 

   Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đổ mồ hôi ban đêm thời kỳ mãn kinh. Đây là một giai đoạn bình thường trong quá trình lão hóa ở phụ nữ khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc (vô kinh), thường dao động ở độ tuổi từ 45 – 55 tuổi. Ở thời kỳ này, nữ giới sẽ trải qua một quá trình thay đổi rất dài trong cơ thể, trong đó có sự dao động hormon, gây ra các cơn bốc hỏa.

   Nguyên nhân của các cơn bốc hỏa được cho là do rối loạn chức năng điều nhiệt vì sự sụt giảm nồng độ estrogen trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trung tâm điều nhiệt bị thu hẹp ở những phụ nữ bị bốc hỏa.

   Mức estrogen suy giảm tác động trực tiếp vào trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi, làm vùng này hiểu nhầm là nhiệt độ cơ thể đang cao hơn bình thường, dẫn tới hàng loạt đáp ứng giúp cơ thể tỏa nhiệt: Tim đập nhanh để bơm báu đi, các mạch máu ngoại biên giãn ra, đổ mồ hôi dẫn đến mất nhiệt nhanh chóng và đi kèm với lạnh run, thở nông và nhanh.

   Để giảm các cơn bốc hỏa, bạn nên:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Ăn nhiều rau củ, hạn chế các thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị. Bạn nên ăn nhiều tinh chất mầm đậu nành, sữa đậu nành, đậu phụ.
  • Mặc trang phục rộng rãi, thoải mái, không nên dùng nhiều chăn hoặc chăn quá dày khi ngủ.
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá, cà phê,...
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tập thiền, yoga, tập thể dục thể thao thường xuyên.
  • Trong trường hợp phụ nữ bị bốc hỏa thường xuyên và liên tục thì cần tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để có những biện pháp khắc phục kịp thời.

 

Cường giáp

Cường giáp gây đổ mồ hôi đêm ở cả nam và nữ

 

   Ngoài ra, một vấn đề về nội tiết tố khác cũng gây đổ mồ hôi ban đêm và ảnh hưởng đến cả nam và nữ - bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức). Ở bệnh nhân cường giáp, đổ mồ hôi ban đêm thường đi kèm với các triệu chứng khác như tiêu chảy, bồn chồn hoặc tăng nhịp tim. Bạn cần gặp các chuyên gia y tế để có những phương pháp điều trị hiệu quả.

 

Do tác dụng phụ của thuốc

   Hãy chú ý nếu gần đây bạn đang sử dụng một loại thuốc nào đó mới, vì nó có thể là nguyên nhân khiến bạn đổ mồ hôi ban đêm.

   Một số loại thuốc gây đổ mồ hôi ban đêm là:

  • Thuốc chống trầm cảm: Đây là loại thuốc phổ biến nhất khiến bạn bị đổ mồ hôi ban đêm, đặc biệt là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine. 10 – 15% những người sử dụng loại thuốc này bị tăng tiết mồ hôi. Nếu bạn bị đổ mồ hôi ban đêm quá nhiều và không thể chịu đựng được, bạn nên xin ý kiến của bác sĩ để đổi loại thuốc khác.
  • Albuterol: Thuốc dùng trong bệnh hen suyễn.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Thuốc dùng trong bệnh tăng huyết áp.

   Tuy nhiên, bạn cần đặc biệt lưu ý nếu bạn đang bị tiểu đường và dùng insulin trước khi ngủ. Đổ mồ hôi ban đêm có thể là dấu hiệu đường huyết của bạn xuống quá thấp. Lúc này, bạn nên kiểm tra lại đường huyết của mình và nếu thấp thì cần xử trí ngay (ví dụ uống một cốc nước đường), đồng thời bạn cần xin ý kiến của bác sĩ để điều chỉnh thuốc hợp lý.

 

Bệnh nhân tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường cần đặc biệt lưu ý nếu bị đổ mồ hôi vào ban đêm

 

Các bệnh nhiễm trùng

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn: Một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây đổ mồ hôi ban đêm, thường đi kèm với sốt và các dấu hiệu khác.
  • Bệnh Ehrlichiosis hoặc bệnh Lyme: 2 bệnh này cũng gây đổ mồ hôi ban đêm, đặc biệt cần chú ý nếu bạn ở vùng nông thôn và xung quanh nhiều cây cối, bọ chét.
  • COVID – 19: Khoảng 2% bệnh nhân mắc COVID – 19 bị đổ mồ hôi ban đêm.
  • Lao hoặc sốt rét: Hơn một nửa số người mắc lao bị đổ mồ hôi ban đêm.
  • Virus gây suy giảm miễn dịch ở người: 10% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bị đổ mồ hôi ban đêm. Một số bệnh nhiễm trùng cơ hội liên quan đến AIDS như Mycobacterium aviumCytomegalovirus cũng khiến người bệnh đổ nhiều mồ hôi hơn vào ban đêm.

   Trong những trường hợp này, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.

 

Ung thư

   Đổ mồ hôi đêm cũng là một trong những triệu chứng sớm của bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư hạch. Ung thư hạch đang có tỷ lệ mắc ngày càng cao ở người trẻ tuổi (thanh niên đến 30 tuổi) hoặc người lớn tuổi. Ngoài đổ mồ hôi ban đêm, những người mắc ung thư hạch bạch huyết còn có các hạch bạch huyết to lên rõ rệt và bị giảm cân không rõ nguyên nhân, luôn cảm thấy kiệt sức và thường xuyên bị sốt. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được chăm sóc y tế kịp thời.

   Mong rằng bài viết này đã giúp các bạn có câu trả lời cho câu hỏi “ Tại sao tôi hay bị đổ mồ hôi ban đêm?” và tìm ra cách khắc phục phù hợp. Trong đa số trường hợp, đổ mồ hôi ban đêm không do vấn đề về sức khỏe nhưng nó cũng có thể là triệu chứng của một căn bệnh nào đó. Nếu bạn có nghi ngờ, hãy ghi lại những dấu hiệu khác và các vấn đề sức khỏe gần đây, đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và có biện pháp điều trị kịp thời. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222