Mục lục [Ẩn]
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương tạm dừng tiêm chủng thường xuyên, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng nhiều loại vaccine ở mức thấp nhất trong 20 năm qua. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, Việt Nam chuyển từ nhóm các quốc gia nguy cơ thấp sang nguy cơ cao bị bệnh bại liệt xâm nhập.
Tỷ lệ tiêm vaccine bại liệt thấp do dịch Covid-19
Tỷ lệ tiêm vaccine thấp, bệnh bại liệt có nguy cơ xâm nhập
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có văn bản gửi các địa phương, theo đó trong năm 2021, 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã phải tạm dừng triển khai tiêm chủng thường xuyên. Hậu quả là tỷ lệ tiêm chủng nhiều loại vaccine ở mức thấp nhất trong 20 năm qua.
Trong đó, tỷ lệ uống vaccine OPV (uống phòng bại liệt) và tiêm IPV (tiêm phòng bại liệt) năm 2021 đạt 69% và 80%; năm 2022 đạt 70% và 89%. Tỷ lệ tiêm IPV mũi 2 đạt 73%. Trước dịch, tỷ lệ tiêm chủng các vaccine này đạt hơn 90%.
Tỷ lệ tiêm vaccine bại liệt trên toàn cầu cũng thấp. Từ giữa năm ngoái, bệnh bại liệt trỗi dậy ở nhiều nước, lây lan sang cả một số nước đã thanh toán bệnh này.
Do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo Việt Nam cần khẩn trương khôi phục tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vaccine bại liệt, sởi, rubella. Đồng thời triển khai các hoạt động tiêm chủng bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng vùng nguy cơ cao.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình tiêm chủng mở rộng đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức tiêm vaccine IPV cho trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine có thành phần bại liệt.
Cụ thể, đối tượng là trẻ em sinh trong năm 2021 và 2022. Thời gian tiêm là quý II/2023.
Nguồn vaccine do GAVI viện trợ. Vật tư tiêm chủng bao gồm bơm kim tiêm và hộp an toàn đã được phân bổ đến các tỉnh.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để chủ động bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và sử dụng hiệu quả vaccine, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện hoạt động tiêm vaccine IPV cho trẻ em theo kế hoạch.
Bệnh bại liệt nguy hiểm như thế nào?
Bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Virus lây truyền từ người sang người và lây lan chủ yếu qua đường phân - miệng hoặc ít gặp hơn là qua phương tiện thông thường (ví dụ: Nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm) và nhân lên trong ruột, từ đó virus có thể xâm nhập vào hệ thần kinh và gây tê liệt. Virus được thải ra bởi những người bị nhiễm bệnh (thường là trẻ em) qua phân, nơi virus có thể lây lan nhanh chóng, đặc biệt là ở những khu vực có hệ thống vệ sinh kém.
Thời gian ủ bệnh thường là 7–10 ngày nhưng có thể từ 4–35 ngày. Có tới 90% những người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ và bệnh thường không được nhận ra.
Trong những trường hợp có triệu chứng nhẹ, các biểu hiện ban đầu bao gồm sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nôn mửa, cứng cổ và đau ở chân tay. Những triệu chứng này thường kéo dài trong 2–10 ngày và hầu hết các trường hợp đều hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, trong 10% trường hợp còn lại, virus gây tê liệt, hay gặp ở chân và thường là vĩnh viễn. Tình trạng tê liệt có thể xảy ra nhanh chóng trong vòng vài giờ sau khi bị nhiễm trùng. Trong số các trường hợp bị liệt, 5-10% tử vong khi các cơ hô hấp của người bệnh bị bất hoạt.
Điều trị bệnh bại liệt như thế nào?
Khi đã chẩn đoán chính xác bệnh nhân mắc bại liệt, bác sĩ sẽ tập trung điều trị nhằm mục đích ngăn chặn tối đa biến chứng và giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Các phương pháp điều trị hỗ trợ phổ biến nhất bao gồm:
- Nghỉ ngơi
- Thuốc giảm đau
- Thuốc chống co thắt để thư giãn cơ bắp
- Thuốc kháng sinh cho nhiễm trùng đường tiết niệu
- Máy thở di động để giúp thở
- Vật lý trị liệu
- Dùng đệm sưởi hoặc khăn ấm để giảm đau nhức và co thắt cơ
- Phục hồi chức năng phổi để tăng sức bền của phổi
- Trong trường hợp nặng hơn, bạn có thể cần xe lăn hoặc thiết bị di chuyển khác
Tiêm vaccine đầy đủ là cách tốt nhất phòng ngừa bại liệt
Cách tốt nhất để phòng bệnh bại liệt
Theo Tổ chức Sáng kiến thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu: Bệnh bại liệt vẫn còn lưu hành ở hai quốc gia Afghanistan và Pakistan. Tất cả các quốc gia vẫn có nguy cơ mắc bệnh bại liệt cho đến khi căn bệnh này được loại bỏ hoàn toàn khỏi thế giới. Cho đến lúc đó, cách tốt nhất để các quốc gia giảm thiểu rủi ro và hậu quả của bệnh bại liệt là duy trì mức độ miễn dịch mạnh mẽ trong dân số thông qua tỷ lệ tiêm chủng cao và giám sát dịch bệnh chặt chẽ để nhanh chóng phát hiện và ứng phó với bệnh bại liệt.
Hiện có 2 loại vaccine phòng bệnh bại liệt bao gồm: Vaccine bại liệt bất hoạt dạng tiêm (IPV) và Vaccine sống giảm động lực dạng uống (OPV).
Hiện lịch tiêm chủng vaccine phòng bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện như sau:
- 2 tháng tuổi: Uống OPV lần 1
- 3 tháng tuổi: Uống OPV lần 2
- 4 tháng tuổi: Uống OPV lần 3
- 5 tháng tuổi: Tiêm 1 mũi phòng vaccine bại liệt IPV
Trường hợp không theo đúng lịch kể trên, bạn nên cho trẻ uống hoặc tiêm sau đó càng sớm càng tốt. Vaccine phòng bại liệt có thể tiêm cùng với các loại vaccine khác trong cùng 1 buổi tiêm chủng.
Bệnh bại liệt là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng rất hiếm nhờ vào việc tiêm phòng đầy đủ. Mỗi người nên chủng ngừa đầy đủ các mũi vaccine. Những người dự định đi du lịch đến một số quốc gia nhất định hoặc làm việc gần virus bại liệt nên thực hiện tiêm mũi nhắc lại.
XEM THÊM:
- Chỉ 2% ca bệnh ung thư này được phát hiện sớm – Tỷ lệ sống cực thấp
- Những thay đổi ở mắt cảnh báo sớm bệnh Alzheimer