Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222

Tìm kiếm
Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Viêm khớp dạng thấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thứ sáu, 18-08-2023 17:03 PM

Mục lục [Ẩn]

 

   Viêm khớp dạng thấp là bệnh khớp mạn tính phổ biến ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Người bệnh có nguy cơ tàn phế rất cao nếu chủ quan không điều trị sớm. Qua bài viết này, mời bạn cùng tìm hiểu về nguyên nhân, các dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị của căn bệnh này nhé!

 

Viêm khớp dạng thấp là bệnh gì?

Viêm khớp dạng thấp là bệnh gì?

 

Viêm khớp dạng thấp là bệnh gì?

   Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên. Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có màng hoạt dịch khớp bị viêm mạn tính, lâu dần dẫn đến phá hủy sụn và xương, gây biến dạng khớp.

   Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên từ 30 - 60 tuổi. Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.

   Bệnh thường gây tổn thương các khớp đối xứng trên cơ thể, ví dụ hai tay, hai cổ tay,...

 

Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Triệu chứng tại khớp

   Các triệu chứng khi khớp bị tổn thương do viêm khớp dạng thấp là:

  • Các khớp sưng, đau, nóng và ít khi đỏ. Các triệu chứng này do sưng phần mềm hoặc do tràn dịch khớp.
  • Các khớp ngón tay thường có dạng hình thoi.
  • Bệnh nhân có biểu hiện cứng khớp vào buổi sáng, thời gian ngắn hay dài thì tùy thuộc vào mức độ viêm.

 

Các khớp bị sưng, đau, nóng và ít khi đỏ

Các khớp bị sưng, đau, nóng và ít khi đỏ

 

   Vị trí các khớp bị tổn thương thường gặp nhất là các khớp ngón gần, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, bàn chân ở cả hai bên đối xứng.

   Tại Việt Nam, khi bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp thì các khớp xuất hiện tổn thương sớm nhất là khớp cổ tay (50 - 60%), khớp bàn tay, khớp gối,... Các khớp như khớp vai, khớp khuỷu hiếm khi bị tổn thương trong giai đoạn khởi phát.

   Nếu bệnh không được kiểm soát, bệnh nhân sẽ có nhiều đợt tiến triển liên tiếp, các khớp nhanh chóng bị biến dạng. Các kiểu biến dạng thường gặp gồm là:

  • Bàn tay gió thổi.
  • Cổ tay hình lưng lạc đà.
  • Ngón tay người thợ thùa khuyết.
  • Ngón tay hình cổ cò.
  • Hội chứng đường hầm cổ tay...

Các triệu chứng ngoài khớp

   Các triệu chứng ngoài khớp gồm:

  • Hạt dạng thấp (còn gọi là hạt thấp dưới da): Thường xuất hiện trên xương trụ gần khớp khuỷu, trên xương chày gần khớp gối hoặc quanh các khớp nhỏ ở bàn tay. Các hạt này rất chắc, không di động, không đau và không bao giờ vỡ. Tuy nhiên, ở Việt Nam rất ít bệnh nhân gặp triệu chứng này (thường chỉ có 4% bệnh nhân).
  • Ở gân, cơ, dây chằng và bao khớp: Các cơ cạnh khớp teo do giảm vận động, bệnh nhân có thể bị viêm gân hoặc đứt gân. Ngoài ra, các dây chằng có thể bị co kéo hoặc lỏng lẻo.
  • Thiếu máu: Do viêm mạn tính hoặc do tác dụng phụ của thuốc điều trị.
  • Rối loạn thần kinh thực vật: Các cơn bốc hỏa, thay đổi tính tình.

 

Hạt dạng thấp dưới da

Hạt dạng thấp dưới da

 

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp

   Hiện nay, y khoa vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, cơ chế bệnh sinh của bệnh này là do rối loạn hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch thay vì tấn công các tác nhân gây hại thì lại tấn công màng hoạt dịch bao quanh khớp, gây viêm.

 

Các đối tượng dễ bị viêm khớp dạng thấp

   Các đối tượng sau đây có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn:

  • Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam.
  • Tuổi: Viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu ở tuổi trung niên.
  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp của một người sẽ cao hơn nếu có người thân mắc bệnh.
  • Hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc thụ động đều làm tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp.
  • Phơi nhiễm: Những người tiếp xúc nhiều với amiăng hoặc silica đều có nguy cơ viêm khớp dạng thấp cao.
  • Thừa cân - béo phì: Những người bị thừa cân béo phì có nguy cơ viêm khớp dạng thấp cao hơn, đặc biệt là phụ nữ dưới 55 tuổi.

 

Điều trị viêm khớp dạng thấp

   Viêm khớp dạng thấp là bệnh mãn tính, hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn.

   Mục đích điều trị viêm khớp dạng thấp là:

  • Kiểm soát tối đa quá trình viêm khớp.
  • Phòng ngừa hủy khớp.
  • Bảo vệ chức năng khớp.
  • Giảm tối đa các triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

   Các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp là:

Điều trị bằng thuốc

   Tùy vào tình trạng bệnh của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định các phác đồ điều trị khác nhau. Các loại thuốc thường dùng là:

  • Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs): Đây là những thuốc có tác dụng làm chậm sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp, bảo vệ các khớp và mô khác khỏi tổn thương vĩnh viễn. Các thuốc thường được sử dụng là methotrexate, thuốc chống sốt rét tổng hợp (hydroxychloroquine, quinacrine hydrochloride), sulfasalazine.
  •  Corticosteroid: Thường được chỉ định trong giai đoạn đầu khi chờ DMARDs có hiệu quả hoặc các đợt tiến triển. Các bác sĩ sẽ dùng liều tấn công ngắn ngày để tránh hủy khớp và tránh tác dụng phụ của thuốc. Sau khi đạt hiệu quả, bệnh nhân sẽ được thay thế dần sang thuốc chống viêm không steroid.
  •  NSAID. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giảm đau và giảm viêm. Thuốc thường được chỉ định trong giai đoạn nhẹ, với liều tối thiểu có hiệu quả.
  • Thuốc sinh học: Thuốc thường được sử dụng trong trường hợp không đáp ứng với các thuốc khác. Thuốc đã đạt được nhiều thành công trong ca bệnh khó, cải thiện tình trạng bệnh tật của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

 

Methotrexate để điều trị viêm khớp dạng thấp

Methotrexate để điều trị viêm khớp dạng thấp

 

Phẫu thuật

   Nếu điều trị bằng thuốc không thành công, các tổn thương khớp do viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật để sửa chữa các khớp hư hỏng, giúp khôi phục khả năng sử dụng khớp.

   Các biện pháp phẫu thuật viêm khớp dạng thấp là:

  • Phẫu thuật nội soi: Để loại bỏ lớp lót bị viêm của khớp . Phương pháp này có thể được thực hiện trên đầu gối, khuỷu tay, cổ tay, ngón tay và hông.
  • Sửa chữa gân: Được chỉ định trong trường hợp gân xung quanh khớp bị lỏng hoặc vỡ. Bác sĩ sẽ sửa chữa các đường gân này.
  • Phẫu thuật chỉnh trục: Được khuyến nghị để ổn định hoặc điều chỉnh khớp và giảm đau.
  • Thay thế toàn bộ khớp: Loại bỏ các phần khớp bị tổn thương và chèn bộ phận giả làm bằng kim loại và nhựa.

Các biện pháp hỗ trợ

  • Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, tắm suối khoáng.
  • Tập luyện, vận động để chống  co rút gân, dính khớp, teo cơ.
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ.

 

Phòng ngừa các biến chứng điều trị viêm khớp dạng thấp

   Trong quá trình điều trị, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có thể gặp các biến chứng sau:

  • Viêm loét dạ dày tá tràng: Do sử dụng nhiều thuốc giảm đau, chống viêm NSAID. Bệnh nhân cần được sử dụng kèm các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc các thuốc giảm tiết acid dạ dày.
  • Loãng xương: Do sử dụng corticosteroid trong thời gian dài. Để phòng tránh, bệnh nhân cần được bổ sung  calci, vitamin D, thậm chí là bisphosphonates nếu nguy cơ loãng xương cao.
  • Thiếu máu: Bệnh nhân nên  bổ sung acid folic, sắt, vitamin B12 để phòng ngừa.

 

Sử dụng corticoid kéo dài khiến bệnh nhân có nguy cơ bị loãng xương

Sử dụng corticoid kéo dài khiến bệnh nhân có nguy cơ bị loãng xương

 

   Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh viêm khớp dạng thấp. Đây là bệnh có tỷ lệ tàn phế cao nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Do đó, việc phát hiện bệnh sớm là vô cùng quan trọng, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị nếu thấy các triệu chứng của bệnh. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0243.766.2222