Đột quỵ là một bệnh lý đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Nếu không được chữa trị kịp thời, căn bệnh này có thể để lại những di chứng nặng nề hoặc thậm chí là tước đi mạng sống của người bệnh.
Trong đó, những người bệnh tiểu đường là đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ. Vậy, cách phòng ngừa đột quỵ cho người bệnh tiểu đường là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu điều này trong bài viết dưới đây nhé!
Cách phòng ngừa đột quỵ cho người bệnh tiểu đường
Vì sao người bệnh tiểu đường lại có nguy cơ mắc đột quỵ cao?
Tiểu đường là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết. Mức glucose trong máu người bệnh thường cao hơn bình thường và còn có thể tăng giảm rất thất thường. Nguyên nhân gây ra điều này là do thiếu hụt insulin hoặc cơ thể tăng đề kháng với insulin.
Tình trạng đề kháng insulin còn gây rối loạn chuyển hóa protein và lipid. Trong đó, rối loạn chuyển hóa lipid sẽ làm tăng mỡ máu và tạo điều kiện để hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch. Theo số liệu thống kê, có đến 60% người bệnh tiểu đường mắc kèm rối loạn mỡ máu.
Xơ vữa động mạch được coi là một yếu tố nguy cơ cao của đột quỵ. Bởi lẽ, khi mảng xơ vữa xuất hiện trong động mạch cảnh, lưu lượng máu lên não sẽ bị giảm đi. Nếu mảng bám bít tắc mạch máu hoàn toàn thì dòng máu sẽ bị chặn đứng, gây ra tình trạng đột quỵ.
Bên cạnh đó, các mảng xơ vữa còn có thể bị bong ra do áp lực lớn từ dòng máu. Chúng sẽ kích thích các yếu tố đông máu và hình thành cục máu đông. Khi cục máu đông di chuyển đến các mạch máu nhỏ trong não, nó có thể gây tắc mạch. Điều này khiến các tế bào thần kinh tại vị trí đó thiếu oxy và chết dần, gây đột quỵ nhồi máu não.
Tại vị trí tắc nghẽn, áp lực lớn của dòng máu bị ứ lại còn có thể khiến mạch máu bị vỡ ra, tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết não.
Mạch máu trong não bị vỡ gây đột quỵ xuất huyết não
Di chứng đột quỵ ở người bệnh tiểu đường
Chúng ta đều biết rằng, não bộ là cơ quan kiểm soát các hoạt động có ý thức, tiếp nhận, xử lý, lưu trữ thông tin, điều chỉnh cảm xúc,... Do đó, khi bị tổn thương, một số chức năng của não sẽ bị giảm sút, thậm chí mất hoàn toàn.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao. Nếu may mắn được điều trị sớm, người bệnh tiểu đường vẫn có thể gặp phải những di chứng sau đột quỵ như:
Vận động khó khăn
Rất dễ nhận thấy, những người sau khi vượt qua cơn đột quỵ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, cầm nắm,... Họ luôn phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, y tá, hộ lý,... Những di chứng này có thể được cải thiện dần khi người bệnh được tập phục hồi chức năng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đã bị liệt vĩnh viễn do tổn thương não bộ quá nặng.
Tình trạng này xảy ra khi vùng não tiếp nhận, xử lý và lưu trữ thông tin bị tổn thương. Người bệnh sẽ có biểu hiện như: mau quên, khó ghi nhớ, khó tiếp thu những kiến thức mới, gặp khó khăn khi làm những việc cần tư duy,...
Bên cạnh đó, họ cũng dễ bị mất tập trung hơn, lú lẫn, lúc tỉnh lúc mơ,... Họ có thể quên đi nhiều chuyện trong quá khứ, mất trí nhớ, không nhận ra những người xung quanh. Tình trạng mất trí nhớ có thể là tạm thời, nhưng cũng có thể kéo dài vĩnh viễn.
Người bệnh sau đột quỵ có thể bị suy giảm khả năng nhận thức
Rối loạn ngôn ngữ
Người bệnh thường sẽ gặp khó khăn trong việc giao tiếp như: nói lắp bắp, không tròn vành rõ chữ, nói ngọng, nói ề à, chậm chạp,... Họ cũng có thể gặp khó khăn khi tìm từ ngữ để diễn tả những điều muốn truyền đạt.
Rối loạn cảm xúc
Người bệnh tiểu đường vốn đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Sau cơn đột quỵ, họ thường sẽ lo lắng, bất an nhiều hơn về bệnh tật. Người bệnh cũng có thể cảm thấy tự ti khi nghĩ mình sẽ trở thành gánh nặng của người thân. Điều này kéo dài có thể khiến họ rơi vào lo âu, trầm cảm.
Rối loạn tiểu tiện
Đây là tình trạng mà nhiều người bệnh có thể gặp phải sau cơn đột quỵ. Họ có thể không kiểm soát được việc đại - tiểu tiện, tiểu không tự chủ, tiểu són,... Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm đường tiết niệu.
Cách phòng ngừa đột quỵ cho người bệnh tiểu đường
Có thể thấy, đột quỵ sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất của người bệnh. Không dừng lại ở đó, tình trạng đột quỵ còn có thể tái phát trở lại và nguy hiểm hơn rất nhiều.
Chính vì vậy, người bệnh tiểu đường cần có cách phòng ngừa đột quỵ hiệu quả. Một số cách mà người bệnh nên thực hiện gồm:
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Mục tiêu quan trọng nhất của người bệnh là giảm và giữ đường huyết ổn định ở mức an toàn, giảm tình trạng đề kháng insulin và mỡ máu. Để làm được điều này, người bệnh nên:
- Hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường, tinh bột, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên đi chiên lại nhiều lần.
- Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt có gas, nước ép đóng chai,...
- Tăng cường sử dụng các loại rau xanh, trái cây tươi để bổ sung vitamin, khoáng chất.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất béo Omega-3 như: cá béo, các loại hạt, dầu ô liu nguyên chất.
Kiểm soát huyết áp
Người bệnh tiểu đường cũng thường mắc kèm tình trạng cao huyết áp cao. Huyết áp cao có thể khiến các biến chứng của bệnh tiểu đường đến sớm hơn, trong đó nguy hiểm nhất là biến chứng trên thận và đột quỵ. Do đó, người bệnh tiểu đường nên giữ huyết áp ở mức 130/80.
Tập thể dục thường xuyên hơn
Tập thể dục được chứng minh là giúp giảm tình trạng kháng insulin, cải thiện đường huyết, mỡ máu, huyết áp. Bên cạnh đó, tập thể dục giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm nguy cơ hình thành huyết khối. Do đó, mỗi ngày bạn nên dành khoảng 15 - 30 phút để tập thể dục và duy trì thường xuyên.
Người bệnh tiểu đường nên tập thể dục thường xuyên
Kiểm soát căng thẳng, stress
Căng thẳng, stress sẽ làm tăng tình trạng kháng insulin, tăng đường huyết, huyết áp. Bên cạnh đó, căng thẳng, stress cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Do vậy, người bệnh nên dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ giấc, tránh lo lắng thái quá về bệnh tật.
Không sử dụng chất kích thích
Hút thuốc lá, uống rượu, bia đều làm tăng nguy cơ đột quỵ. Không chỉ vậy chúng còn là thủ phạm gây ra các biến chứng bệnh tiểu đường khác. Vì vậy, người bệnh cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu, bia, cũng như sử dụng các chất kích thích khác.
Cùng với các biện pháp kể trên, người bệnh nên tích cực tắm nắng, bổ sung lợi khuẩn, thải độc cơ thể, hạn chế tiếp xúc với chất độc hại,... Điều này sẽ giúp nâng cao sức khỏe chung, phòng ngừa các biến chứng nói chung và đột quỵ nói riêng.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin hữu ích nhất cho quý độc giả về cách phòng ngừa đột quỵ cho người bệnh tiểu đường. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline 024.3766.2222 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
Xem thêm