Dù đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn, nhưng nhiều người vẫn chủ quan và tiếp tục ăn những món ăn như tiết canh lợn, thịt lợn tái… Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mối nguy hiểm khi nhiễm loại vi khuẩn này, triệu chứng gặp phải và cách phòng ngừa. Mời các bạn cùng theo dõi.
Nhiễm liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm như thế nào?
Liên cầu khuẩn lợn là gì?
Liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus Suis) là một tác nhân gây bệnh ở lợn và người, trong đó chủ yếu là gây bệnh ở lợn. Chúng thường cư trú ở đường hô hấp, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn, có trong cả phân lợn. Điều đáng nói là không chỉ lợn nhiễm bệnh mới nhiễm liên cầu khuẩn mà loại vi khuẩn này còn có thể xuất hiện ở ngay cả những con lợn khỏe mạnh.
Liên cầu khuẩn lợn thường ít gặp ở người, nhưng chúng ta vẫn có nguy cơ cao bị lây nhiễm khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Ví dụ như mổ lợn bị nhiễm bệnh, ăn thịt lợn bệnh tái sống, đặc biệt là ăn tiết canh lợn bị nhiễm bệnh.
Thực tế cho thấy, dù đã được cảnh báo nhiều trên báo đài nhưng nhiều người vẫn chủ quan và có thói quen ăn uống không đảm bảo, từ đó nhiễm liên cầu khuẩn lợn và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Tình trạng mắc bệnh này thường tăng mạnh vào mùa hè, thời điểm mà người ta hay ăn tiết canh để giải nhiệt.
Ăn tiết canh là nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Nhiễm liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm như thế nào?
Tuy không phát triển thành dịch và lây bệnh cho nhiều người giống những bệnh như sốt xuất huyết hay thủy đậu, nhưng một khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, tụt huyết áp, trụy mạch… hôn mê và tử vong.
Ngay cả khi may mắn thoát chết, dần hồi phục thì bệnh nhân vẫn gặp phải những di chứng nghiêm trọng như ù tai, giảm thính lực, thậm chí là điếc hoàn toàn.
Thống kê cho thấy, riêng ở Hà Nội, chỉ trong hơn 4 tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận 5 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 người tử vong.
Đó là trường hợp 1 người đàn ông 48 tuổi, ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì, sau 2 ngày giết mổ lợn không dùng biện pháp bảo hộ, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, nôn… Dù đã được áp dụng các biện pháp điều trị tích cực nhưng bệnh nhân vẫn tử vong vì sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
Bệnh nhân gặp những biến chứng nghiêm trọng do nhiễm liên cầu khuẩn lợn
1 trường hợp bệnh nhân khác cũng nhập viện trong tình trạng lơ mơ, kích thích, không tiếp xúc được. Người bệnh có tiền sử nghiện rượu, ăn tiết canh dê 1 tuần trước ngày vào viện. Bác sĩ đã tiến hành chọc dịch não tủy, cấy máu làm chẩn đoán xác định người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus Suis (Liên cầu khuẩn lợn). Trường hợp này cho thấy, liên cầu khuẩn lợn không chỉ có ở lợn mà còn có thể xuất hiện ở một số động vật khác như dê, ngựa, chó, mèo và chim.
Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận hai bệnh nhân mắc liên cầu lợn, trong đó bệnh nhân nữ làm nghề bán thịt lợn; còn bệnh nhân nam mắc bệnh sau khi ăn tiết canh và tham gia thái thịt lợn tại một đám cưới.
Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận điều trị cho hai bệnh nhân bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn. Trong đó, 1 ca bệnh là do ăn tiết canh lợn, 1 ca là do ăn thịt lợn ốm.
Dấu hiệu nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Một số biểu hiện của nhiễm liên cầu khuẩn lợn là:
- Sốt, đau đầu, nôn mửa.
- Đi ngoài nhiều lần, phân lỏng.
- Người lạnh, rét run.
- Xuất hiện chấm xuất huyết, phát ban trên da, bầm tím.
- Có bóng nước xuất huyết và hoại tử da
- Mất thính lực.
- Hoại tử ngón tay và ngón chân.
Những yếu tố dịch tễ của nhiễm liên cầu khuẩn lợn là:
- Ăn thịt lợn bệnh, lợn chết.
- Ăn tiết canh lợn, thịt lợn tái sống.
- Tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh, lợn chết, lợn không rõ nguồn gốc.
- Tiếp xúc với động vật hoang dã, bị động vật cào, cắn.
Khi có những yếu tố dịch tễ kể trên, đồng thời có những biểu hiện của bệnh thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra, giảm nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng một khi đã nhiễm liên cầu khuẩn lợn và xuất hiện biến chứng, người bệnh có nguy cơ tử vong cao cho dù đã được điều trị tích cực. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ bây giờ.
Tuyệt đối không ăn thịt lợn nhiễm bệnh
Phòng ngừa nhiễm liên cầu khuẩn lợn bằng cách nào?
Hiện tại, chưa có vắc xin phòng ngừa liên cầu khuẩn lợn. Vì vậy, để phòng ngừa bạn cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau đây:
- Tuyệt đối không ăn tiết canh lợn, món ăn tái sống từ lợn.
- Không tiếp xúc trực tiếp với lợn có dấu hiệu bị bệnh, lợn không rõ nguồn gốc.
- Mua thịt lợn ở những cơ sở bán được cấp phép, thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Vệ sinh tay và các bộ phận cơ thể sau khi tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn.
- Nếu có vết thương hở, cần che vết thương và không tiếp xúc với lợn.
- Đeo găng tay khi tiếp xúc với lợn hoặc thịt lợn.
Như vậy, liên cầu khuẩn lợn rất nguy hiểm, khiến người nhiễm có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, hãy nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Xem thêm