Mục lục [Ẩn]
Rò hậu môn là bệnh lý vùng hậu môn - trực tràng khá phổ biến. Đây là một căn bệnh nhạy cảm nên nhiều người “ngại” không chữa trị và nghĩ rằng sau một thời gian nó sẽ tự khỏi. Điều này có đúng không? Rò hậu môn là gì? Bệnh có nguy hiểm không? Các triệu chứng nhận biết ra sao? Cách chẩn đoán và điều trị như thế nào? Hãy cùng Botania tìm lời giải đáp của tất cả những câu hỏi đó thông qua bài viết dưới đây nhé.
Rò hậu môn là bệnh gì, có nguy hiểm không?
Rò hậu môn là bệnh gì? Phân loại rò hậu môn
Rò hậu môn là bệnh gì?
Rò hậu môn (tên dân gian là mạch lươn) là một bệnh trong đó có đường hầm thông nối bất thường giữa ống hậu môn và vùng da xung quanh hậu môn.
Phân loại rò hậu môn
- Theo hệ thống phân loại Parks, rò hậu môn được phân loại theo vị trí với cơ thắt hậu môn, cụ thể:
- Rò liên cơ thắt: Đây là loại rò nông, nằm toàn bộ bên trong cơ thắt trong và cơ thắt ngoài, hình thành do áp xe dưới da cạnh hậu môn. Đây là loại dễ điều trị nhất, ít tái phát.
- Rò xuyên cơ thắt: Đường rò đi xuyên qua cơ thắt hậu môn
- Rò trên cơ thắt: Đường rò men theo gian cơ thắt ra ngoài.
- Rò ngoài cơ thắt: Đường rò xuất hiện ngay phía trên cơ thắt ngoài.
- Theo phân loại của bệnh viện St James, rò hậu môn được phân loại thành 5 độ:
- Độ 1: Rò liên cơ thắt hậu môn dạng đường rò đơn giản.
- Độ 2: Rò liên cơ thắt có áp xe hoặc có đường rò thứ phát.
- Độ 3: Rò xuyên cơ thắt hậu môn.
- Độ 4: Rò xuyên cơ vòng có áp xe hoặc có đường rò thứ phát trong hố ngồi hậu môn hoặc trực tràng.
- Độ 5: Rò trên cơ nâng hậu môn và xuyên cơ nâng hậu môn.
Trong 2 phương pháp phân loại trên, cách phân loại của bệnh viện St James được các bác sĩ X - quang ưa chuộng vì có thể cung cấp những thông tin chính xác cho việc phẫu thuật.
Phân loại rò hậu môn theo hệ thống Parks
Nguyên nhân gây ra rò hậu môn
Phần lớn bệnh nhân bị rò hậu môn là biến chứng do các ổ áp xe ở hậu môn (hình thành do nhiễm khuẩn tại vùng trực tràng - hậu môn) không được điều trị kịp thời và đúng cách, vỡ ra tạo thành đường rò.
Bệnh nhân táo bón lâu ngày rất dễ bị viêm nhiễm gây rò hậu môn
Một số yếu tố gây nhiễm khuẩn tại vùng trực tràng - hậu môn, làm tăng nguy cơ rò hậu môn là:
- Vệ sinh vùng hậu môn không sạch sẽ: Hậu môn là nơi chịu trách nhiệm đào thải phân ra ngoài cơ thể, vì vậy nó tập trung rất nhiều vi khuẩn. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì khu vực này rất dễ bị viêm nhiễm, hình thành những ổ áp xe và tạo thành các lỗ rò hậu môn.
- Táo bón lâu ngày: Người bị táo bón kéo dài rất dễ bị tổn thương phần hậu môn, dẫn đến viêm nhiễm và mưng mủ.
- Đã từng phẫu thuật vùng hậu môn - trực tràng: Khi thực hiện một số phẫu thuật liên quan đến vùng hậu môn, nếu không lựa chọn cơ sở y tế đảm bảo chất lượng, quá trình chăm sóc và phục hồi kém sẽ dẫn đến hiện tượng rò hậu môn.
- Người gặp chấn thương khi vận động, thể dục thể thao cũng có thể dẫn đến căng và rách một số phần cơ, trong đó có cơ hậu môn.
Ngoài nguyên nhân do áp xe hậu môn, rò hậu môn còn có thể xuất phát từ các nguyên nhân như:
- Dị vật vùng hậu môn.
- Bệnh lao.
- Nấm actinomycosis, chlamydia, lymphogranuloma venereum (LGV), bệnh giang mai, bệnh HIV. Khoảng 30% bệnh nhân nhiễm HIV phát triển áp xe hậu môn trực tràng và lỗ rò.
- Chiếu xạ vùng chậu.
- Ung thư bạch huyết.
- Viêm túi thừa.
Triệu chứng rò hậu môn
Bệnh nhân rò hậu môn thường có các triệu chứng sau:
- Ngứa ngáy, đau rát ở vùng hậu môn: Khi bị ngứa, bệnh nhân rò hậu môn không nên gãi, vì hành động này sẽ làm tăng khả năng lây lan của các lỗ rò, ảnh hưởng đến quá trình điều trị và phục hồi bệnh.
- Đau và sưng quanh hậu môn: Đây là dấu hiệu rõ ràng để nhận biết rò hậu môn. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau khi đại tiện, chảy máu hậu môn, kích ứng da xung quanh hậu môn.
- Lỗ rò chảy nhiều dịch mủ vàng, dạng đặc sánh do chứa nhiều vi khuẩn.
- Sốt cao: Triệu chứng này xảy ra khi bệnh tiến triển xấu, hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm, không đủ sức chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.
- Ngoài ra, bệnh nhân còn có cảm giác đau đầu, mệt mỏi toàn thân.
Biến chứng do rò hậu môn
Theo các chuyên gia y tế, rò hậu môn là bệnh lý lành tính. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây các biến chứng như:
- Biến chứng nhiễm trùng, chảy mủ: Đây là tình trạng lở loét, sưng mủ ở vùng hậu môn. Mủ chảy nhiều gây ra viêm nhiễm vùng hậu môn, khiến người bệnh lúc nào cũng trong trạng thái ngứa ngáy, đau rát, khó chịu, thậm chí có thể dẫn đến hoại tử.
- Gia tăng lỗ rò, đường rò: Khi các khối áp xe bị vỡ ra mà không được xử lý, đường rò và lỗ rò hình thành ngày càng nhiều. Lâu dần, chúng có thể lan rộng khắp mông, khiến người bệnh phải chịu nhiều đau đớn đi kèm sự đe dọa sức khỏe không thể coi thường.
- Có nguy cơ gây ung thư trực tràng: Khi đường rò và lỗ rò lây lan, có thể lan rộng ra các cơ quan khác như trực tràng, bàng quang, âm đạo, niệu đạo… làm gia tăng nguy cơ bị ung thư trực tràng.
- Giảm chất lượng cuộc sống: Bệnh này khiến bệnh nhân luôn cảm thấy khó chịu, đau đớn. Vì vậy, họ thường có tâm lý mệt mỏi, chán nản, mất tự tin, gây tác động xấu đến công việc, học tập và đời sống vợ chồng, làm giảm sút đáng kể chất lượng sống.
Các phương pháp chẩn đoán rò hậu môn
Để chẩn đoán rò hậu môn, các bác sĩ thường đánh giá lâm sàng, thăm khám khu vực xung quanh hậu môn để tìm lỗ rò và thăm trực tràng bằng ngón tay để tìm đường rò xơ chai, đồng thời có thể kết hợp thêm những xét nghiệm bổ sung như:
- Chụp MRI vùng chậu: Giúp phát hiện đường rò và đánh giá xem đường rò đơn giản hay phức tạp để lên kế hoạch điều trị.
- Chụp X quang đường rò: Dùng chất cản quang bơm vào đường rò giúp hiện hình đường rò trên phim.
- Siêu âm hậu môn: Bác sĩ sẽ dùng đầu dò siêu âm có hình giống ngón tay cho vào hậu môn để đánh giá đường rò.
Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện thêm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, phân hoặc dịch nhầy để chẩn đoán loại bỏ những bệnh lý khác cùng biểu hiện.
Rò hậu môn thường được điều trị thông qua phẫu thuật
Rò hậu môn được điều trị như thế nào?
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị rò hậu môn, vì vậy phẫu thuật (bao gồm mổ cắt đường rò, đặt seton, khoét bỏ đường rò…) là phương pháp được áp dụng chủ yếu trong việc điều trị bệnh này.
Tuy nhiên, để phẫu thuật điều trị rò hậu môn có hiệu quả cao, các bác sĩ cần đảm bảo:
- Xác định được lỗ rò, phân loại cụ thể loại đường rò.
- Tránh tối đa việc làm tổn thương đến cơ thắt hậu môn.
- Loại bỏ hoàn toàn các tổ chức xơ xung quanh đường rò.
- Lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân.
- Theo dõi sau phẫu thuật, đảm bảo đường rò liền lại từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên.
Ngoài phẫu thuật cắt đường rò, bệnh nhân có thể chọn lựa điều trị bằng tia laser. Với phương pháp này, bác sĩ cho một đầu phát tia laser nhỏ vào đường rò và đốt nó, giúp lành vết thương.
Hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục sau phẫu thuật. Họ thường được chỉ định một số loại thuốc làm mềm phân, nhuận tràng để đỡ khó chịu trong thời gian đầu. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được khuyến khích ngâm hậu môn để làm dịu cơn đau sau phẫu thuật.
Trên đây là những thông tin quan trọng về bệnh rò hậu môn. Tuy rằng đây là căn bệnh khá phổ biến và lành tính nhưng bạn không nên chủ quan. Khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: