Mục lục [Ẩn]
Theo thông tin từ Tổ chức y tế thế giới - WHO vào năm 2020, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Tổng thời gian điều trị bệnh lao có thể kéo dài đến 20 tháng, khiến người bệnh và cả hệ thống y tế đều phải chịu một chi phí không hề nhỏ. Năm 2021, Việt Nam đã triển khai thí điểm phác đồ điều trị mới BPaL, với mục tiêu giảm 1 phần 3 thời gian điều trị lao kháng thuốc.
Giảm 1 phần 3 thời gian điều trị lao kháng thuốc nhờ phác đồ mới BPaL
Lao kháng thuốc có những loại nào?
Lao kháng thuốc (Multi-drug-resistant tuberculosis - MDR-TB) xảy ra khi vi khuẩn lao kháng lại các loại thuốc chống lao. Nguyên nhân là do phác đồ điều trị không đúng hoặc người bệnh không tuân thủ khiến vi khuẩn lao thay đổi về cấu trúc; hoặc do bị lây nhiễm loại vi khuẩn lao kháng thuốc.
Các loại thuốc kháng lao được chia thành 2 hàng. Trong đó, các thuốc hàng 1 là thuốc kháng lao thiết yếu, gồm có Isoniazid, Rifampicin, Pyrazinamide, Streptomycin, Ethambutol. Ngoài ra, WHO cũng đã khuyến cáo bổ sung 2 loại thuốc chống lao hàng 1 là Rifabutin và Rifapentine.
Các thuốc kháng lao hàng 2 gồm có: Kanamycin, Amikacin, Capreomycin, nhóm Fluoroquinolones (Levofloxacin, Ciprofloxacin, Ofloxacin,...), Prothionamide, Ethionamide, Terizidone, Cycloserine, Delamanid, Linezolid,...
Lao kháng thuốc được phân chia thành các dạng sau đây:
- Lao kháng đơn thuốc là tình trạng người bệnh chỉ kháng duy nhất 1 thuốc chống lao hàng thứ 1 không phải Rifampicin.
- Lao kháng nhiều thuốc là tình trạng người bệnh kháng từ 2 loại thuốc chống lao hàng thứ 1 trở lên nhưng không phải Rifampicin.
Khi người bệnh kháng Rifampicin thì sẽ xảy ra thêm các trường hợp sau đây:
- Lao đơn kháng Rifampicin.
- Lao đa kháng thuốc MDR-TB (multidrug resistant tuberculosis) là tình trạng kháng đồng thời với ít nhất 2 loại thuốc chống lao là Isoniazid và Rifampicin.
- Lao tiền siêu kháng (pre-XDR) là tình trạng kháng Isoniazid, Rifampicin, ít nhất một loại fluoroquinolone hoặc ít nhất một loại thuốc tiêm (amikacin, capreomycin hoặc kanamycin).
- Lao siêu kháng (XDR) là là tình trạng kháng Isoniazid, Rifampicin, ít nhất một loại fluoroquinolone và ít nhất một loại thuốc tiêm kể trên.
Vi khuẩn lao càng kháng nhiều loại thuốc thì thời gian điều trị càng kéo dài, gánh nặng về chi phí mà người bệnh và hệ thống y tế phải chịu cao gấp chục lần so với lao thông thường. Ngoài ra, chủng lao đa kháng thuốc còn là mối đe dọa nguy hiểm nếu lây lan ra cộng đồng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới và 12.000 người chết vì bệnh lao (tương đương với khoảng 1,5 lần số người chết vì tai nạn giao thông). Trong số đó, có hơn 5.000 người bệnh đang mắc lao đa kháng thuốc.
Việt Nam đang là nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ lao kháng thuốc
Giảm 1 phần 3 thời gian điều trị lao kháng thuốc nhờ phác đồ mới BPaL
Trước đây, phác đồ điều trị bệnh lao truyền thống kéo dài từ 20 - 24 tháng. Đây là khoảng thời gian dài, khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ điều trị.
Sau đó, Tổ chức y tế thế giới cũng đã đưa ra khuyến nghị sử dụng phác đồ điều trị bệnh lao kháng đa thuốc (MDR TB) có thời gian ngắn hơn. Phác đồ này thường có giai đoạn điều trị tấn công kéo dài 8 tháng và tổng thời gian điều trị từ 18 - 20 tháng. Tuy nhiên, đây vẫn là một quãng thời gian khá dài
Vào ngày 14 tháng 8 năm 2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phê duyệt việc sử dụng pretomanid 200mg kết hợp với bedaquiline và linezolid. Pretomanid là một nitroimidazole hai vòng mới có hoạt tính kháng vi khuẩn tương đương với isoniazid. Nó có khả năng tiêu diệt vi khuẩn lao đang sao chép bằng cách ức chế sinh tổng hợp acid mycolic cần thiết cho quá trình sản xuất thành tế bào, và tiêu diệt vi khuẩn lao không sao chép bằng cách giải phóng oxit nitric.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ ( U.S. CDC) cũng khuyến nghị sử dụng pretomanid 200 mg mỗi ngày trong 26 tuần kết hợp với bedaquiline và linezolid, để điều trị cho người lớn mắc lao siêu kháng thuốc (XDR), tiền siêu kháng thuốc (pre-XDR); hoặc lao đa kháng thuốc. Phác đồ điều trị này được gọi là BPaL.
Sáng ngày 07/4/2021, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia và Hội Chống lao Hoàng gia Hà Lan đã phối hợp tổ chức Hội thảo triển khai nghiên cứu phác đồ BPaL, giới thiệu Dự án LIFT TB tại Việt Nam.
Dự án LIFT-TB (Leveraging Innovation for Faster Treatment of Tuberculosis) giai đoạn 2021 - 2023 được triển khai thí điểm phác đồ BPaL tại bảy quốc gia, trong đó có Việt Nam; dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn thông qua tổ chức của TB Alliance.
Việt Nam đang triển khai nghiên cứu phác đồ điều trị lao kháng thuốc BPaL
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết: “Việt Nam sẽ tiến hành nghiên cứu triển khai thí điểm theo dõi dọc sử dụng phác đồ điều trị BPaL. Mục tiêu chính của là ước tính hiệu quả và mức độ an toàn của phác đồ BPaL trên bệnh nhân lao đa kháng thuốc, không dung nạp thuốc hoặc thất bại trong điều trị.”
Hiệu quả của phác đồ này đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo là đạt tới 90%. Không những vậy, với phác đồ điều trị BPal, người mắc bệnh lao kháng thuốc sẽ được rút ngắn thời gian điều trị từ 18 tháng xuống chỉ còn 6 tháng, tức là có thể giảm đến 1 phần 3 thời gian.
Nghiên cứu sẽ thu nhận 567 bệnh nhân, trong thời gian 3 năm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Việt Nam đang trong giai đoạn thu nhận bệnh nhân và tiến hành điều trị. Đây là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 không có đối chứng với số lượng hơn 500 bệnh nhân.
Trước mắt, chương trình Chống lao quốc gia sẽ điều trị cho ít nhất cho 100 bệnh nhân nội trú theo phác đồ mới trong thời gian một tháng. Sau khi có kết quả, rút kinh nghiệm trong điều trị, Chương trình sẽ có báo cáo với Bộ Y tế về việc thay đổi phác đồ điều trị mới. Kết quả của nghiên cứu được sử dụng trong việc triển khai mở rộng phác đồ trên quy mô toàn quốc.
Phòng ngừa lao kháng thuốc bằng cách nào?
Mặc dù các phác đồ mới đã giúp tạo ra nhiều sự thay đổi trong việc điều trị, nhưng phòng ngừa lao kháng thuốc vẫn là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Để thực hiện được điều này, người bệnh cần:
- Thăm khám định kỳ để nắm được tình trạng sức khỏe, khả năng phục hồi bệnh.
- Uống tất cả các loại thuốc chính xác theo chỉ dẫn của bác sĩ, dùng thuốc đều đặn hàng ngày. Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu tối đa, đặc biệt là không được bỏ liều hay dừng điều trị sớm.
- Tránh tiếp xúc với bệnh nhân lao kháng thuốc đã biết ở những nơi kín hoặc đông người như bệnh viện,... Nếu bắt buộc phải đến những nơi này, người bệnh nên có biện pháp tự bảo vệ bằng một số cách như: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách,...
- Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,...
- Tăng cường sức đề kháng, tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh.
Nếu phải tiếp xúc gần, trực tiếp chăm sóc người bệnh lao, bạn cũng nên đi khám thường xuyên để xác định xem có lao tiềm ẩn hay không, cũng như phát hiện sớm và điều trị kịp thời từ khi mới mắc để cắt nguồn lây nhiễm, tránh nguy cơ kháng thuốc.
Người bệnh lao cần uống thuốc đúng liều, vào cùng một thời điểm trong ngày
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về lao kháng thuốc, cũng như phác đồ mới BPaL giúp giảm 1 phần 3 thời gian điều trị. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến tổng đài 0243.766.2222 để được giải đáp. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Cách phòng ngừa bệnh đường hô hấp khi trời nồm ẩm
- Cách nhận biết bệnh ung thư phổi cho người hút thuốc lá