Mục lục [Ẩn]
Ngày nay, các loại cồn khô, cồn nước hiện được các hộ gia đình, các quán ăn sử dụng phổ biến thay thế bếp gas mini khi nấu ăn. Tuy nhiên, nếu không biết cách nấu, cách chọn loại cồn, người tiêu dùng có thể bị bỏng, trở thành những “ngọn đuốc sống”.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị bỏng cồn có thể gây ra tình trạng tổn thương các giác quan và đường hô hấp, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Nướng mực bằng cồn, nhiều người bỏng nặng
Cách đây ít ngày, được người cháu họ biếu 2 con cá mực khô sau chuyến du lịch biển, bà Thanh (52 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội) đang loay hoay không biết nên nướng bằng cách nào thì được một người hàng xóm mách mua cồn 90 độ về rót ra đĩa rồi châm lửa nướng vì cách này nhanh, tiện lợi mà không lo mực bị cháy.
Bà Thanh làm theo chỉ dẫn. Tuy nhiên, khi đang nướng giữa chừng, thấy ngọn lửa trong đĩa có dấu hiệu sắp tắt, bà liền dùng chai cồn chế thêm một ít để tiếp tục nướng.
Ai ngờ, ngay khi vừa rót cồn vào đĩa, ngọn lửa đã bùng lên, nổ tung chai cồn trên tay bà và lửa bắt vào quần áo, mặt và tóc bà. Quá hoảng loạn, bà Thanh chỉ biết vừa dập lửa vừa hô hoán người đến giúp đỡ.
Rất nhiều trường hợp bị bỏng do dùng cồn nướng mực.
Sau đó, bà được đưa đến Trạm Y tế xã để sơ cứu vết thương. Rất may, vết bỏng trên tay, chân và một bên mặt bà chỉ bị bỏng độ 1, không quá nguy hiểm đến tính mạng.
Trên thực tế, có rất nhiều người đã từng gặp họa như bà Thanh chỉ vì sử dụng cồn để nướng mực. Đặc biệt, số ca bệnh bị bỏng do cồn tăng lên trong mùa hè – thời điểm rất nhiều gia đình, cơ quan, đơn vị tổ chức đi du lịch biển và thường mua mực, hải sản về làm quà.
Cách đây không lâu, vụ cả 4 người trong gia đình ở Lào Cai thương vong khi đang nướng mực cũng khiến dư luận bàng hoàng. Theo đó, vụ tai nạn xảy ra khi gia đình anh N.Q.T (sinh năm 1989) đang nướng mực bằng cồn đã bất cẩn để lửa bén vào chai đựng cồn loại lớn bên cạnh.
Ngọn lửa lập tức bùng phát nhanh gây bỏng, theo phản xạ anh T dùng tay văng chai cồn khiến lửa cháy bén sang cả vợ và 2 con nhỏ ở gần đó. Dù được đưa đi cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia nhưng do vết thương quá nặng, con trai lớn (2 tuổi) của anh T đã không qua khỏi. Bản thân anh T, vợ và con út cũng bị bỏng nặng.
Hay trường hợp một nam thanh niên 16 tuổi, trú tại Hà Nội cũng được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) trong tình trạng bị bỏng nặng. Theo lời kể của bệnh nhân, khi đang nướng mực thì một người bạn bất ngờ rót thêm cồn vào khiến ngọn lửa bùng lên và gây bỏng.
BS Nguyễn Nam Giang, Phó Trưởng Khoa Bỏng, người trực tiếp cấp cứu cho trường hợp này cho biết, bệnh nhân bị bỏng độ 3, diện tích bỏng 15%.
Theo bác sĩ Nam Giang, đặc điểm của cồn, nhất là khi nướng mực là có ánh sáng xanh hoặc trắng, nên bằng mắt thường khó phát hiện việc lửa đã tắt hay chưa. Do đó, nếu tiếp tục đổ cồn vào có thể khiến lửa bùng lên gây bỏng, rất nguy hiểm.
Tùy theo mức độ, diện tích bỏng khi khỏi, bệnh nhân thường có sẹo co rúm trên da, thời gian điều trị khá lâu. Bệnh nhân bị bỏng cồn có thể gây ra tình trạng tổn thương các giác quan và đường hô hấp, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Sơ cứu bỏng cồn
Dập lửa cồn bằng khăn ẩm phủ lên chỗ có cồn cháy.
Bỏng cồn được xếp vào dạng bỏng lửa, rất độc và nguy hiểm, gây đau rát và nhiều hậu họa. Cần sơ cứu như sau:
-
Tháo bỏ ngay những đồ dùng, vật dụng cứng ở vùng da bị bỏng (vòng, nhẫn, giày dép…).
-
Giữ sạch vùng bỏng. Tuyệt đối không bôi dầu, mỡ hay bất cứ loại thuốc nào lên vùng da bị bỏng.
-
Không cố cởi quần áo đã bị dính vào vết bỏng.
-
Dội nước sạch làm mát vết bỏng. Rồi dùng gạc vô khuẩn, hoặc vải sạch che vết bỏng và đưa đi cấp cứu chuyên khoa gần nhất.
Cách phòng tránh tai nạn bỏng cồn
Nên sử dụng cồn khô thay vì cồn nước
-
Khi sử dụng nấu nướng, nên hạn chế sử dụng cồn nước vì nếu để đổ ra ngoài hoặc để đổ lên người sử dụng sẽ bốc cháy rất nhanh, dễ gây phỏng nặng. Để tránh những tai nạn xảy ra từ cồn nước, các bác sĩ khuyên người dân sử dụng phải thật cẩn trọng.
-
Người dùng cần mua loại bếp có chất lượng tốt, chắc chắn.
-
Cồn nước tuy không có khả năng gây nổ nhưng rất dễ cháy lan. Chính vì thế khi châm thêm cồn vào bếp, người châm phải tắt hết lửa còn trong bếp. Nên sử dụng loại cồn khô có ghi rõ thành phần, trong đó có ethanol, hạn chế sử dụng cồn nước.
-
Trong quá trình sử dụng phải rất cẩn thận, khi bỏ cồn vào bếp nên dùng kẹp gắp cục cồn không sử dụng bằng tay, nhất là khi bếp vẫn đang còn cháy.
-
Khi châm lửa vào bếp cồn nên dùng giấy hoặc thanh củi nhỏ, tuyệt đối không nên dùng quẹt gas vì dễ gây phỏng. Ngoài ra, khi nấu nướng, tránh sử dụng nồi quá lớn, quá nặng đặt lên bếp vì có thể làm đổ bếp, cồn cháy lan ra ngoài gây phỏng.
-
Trong trường hợp dùng cồn để nướng mực, cá cần chú ý, chỉ đổ một lượng cồn vừa phải ra để sử dụng. Chai cồn cần được đậy nắp thật chặt và để cách xa nơi nướng. Khi cần tiếp thêm cồn, nên đổ cồn ra một cái chén nhỏ, đợi đến khi chắc chắn lửa đã tắt hẳn thì mới cho thêm cồn vào.
Bỏng cồn thường xảy ra khi người sử dụng tiếp thêm cồn trong khi lửa vẫn cháy âm ỉ. Đặc thù của lửa cồn là màu xanh, vì vậy, ngay cả khi không nhìn thấy ngọn lửa, tưởng là đã hết cồn, hết lửa, lúc này nếu đổ thêm cồn vào lửa sẽ bùng lên. Các trường hợp bỏng cồn thường bỏng ở mặt, thân trước, tứ chi thậm chí bỏng đường hô hấp. Nếu bị bỏng cồn cần đưa bệnh nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, tiếp cận với nguồn nước sạch mát và tưới dội liên tục lên vết thương và đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Hy vọng thông tin trên hữu ích với quý bạn đọc.
XEM THÊM: